Vài năm trước, H.Xuân Lộc là địa phương phát triển "nóng" cây thanh long với diện tích lên đến gần 1 ngàn ha. Thế nhưng, thời gian gần đây nhiều hộ nông dân chặt bỏ loại cây này vì giá thấp, đầu ra bấp bênh trong khi chi phí đầu tư tăng cao.
Vài năm trước, H.Xuân Lộc là địa phương phát triển “nóng” cây thanh long với diện tích lên đến gần 1 ngàn ha. Thế nhưng, thời gian gần đây nhiều hộ nông dân chặt bỏ loại cây này vì giá thấp, đầu ra bấp bênh trong khi chi phí đầu tư tăng cao.
Gia đình chị Sou A Tah (ngụ xã Xuân Hưng, H.Xuân Lộc) thuê người chặt bỏ vườn thanh long. Ảnh: L.An |
Người dân đang cần hỗ trợ kết nối đầu ra, định hướng sản xuất và thông tin thị trường.
* “Không kham nổi”
“Không còn kham nổi chi phí với sự bấp bênh về đầu ra và giá bán hiện nay” là chia sẻ của các hộ nông dân đã và đang chặt bỏ cây thanh long tại xã Xuân Hưng. Một số hộ chọn cách chặt bỏ bớt diện tích, không châm đèn, bỏ trái, một số chặt bỏ toàn bộ thanh long để giảm gánh nặng chi phí.
Gia đình chị Sou A Tah (ngụ ấp 4, xã Xuân Hưng) có hơn 10ha thanh long, thời gian qua vì giá thấp, đầu ra không có nên chị đã chặt bỏ 2ha, phần còn lại chị dưỡng cây chứ không dám “thúc” phân, thuốc để thu hoạch trái như trước.
Chị Sou A Tah nói: “Trước đây, thanh long giá thấp vẫn có thương lái quen từ tỉnh Bình Thuận vào mua. Khoảng 1 năm trở lại đây, thanh long luôn ở mức dưới 10 ngàn đồng/kg, nhiều thời điểm không có người mua. Tôi đã chặt khoảng 700 trụ thanh long và dự định chặt tổng cộng khoảng 2ha. Mặc dù chưa biết trồng cây gì nhưng giữ lại thanh long chăm sóc không nổi”. Cũng theo chị Sou A Tah, trong Tổ hợp tác Thanh long Làng Chăm, một số hộ đã và đang chặt bớt thanh long vì không chăm sóc được.
Thống kê của UBND xã Xuân Hưng, trên địa bàn xã có khoảng 540ha thanh long. Tính đến hết tháng 6-2022, nông dân đã chặt bỏ khoảng 80ha thanh long. Trong đó, nhiều hộ đã chặt bỏ diện tích 3-5ha. Một số đã được thay thế bằng các loại cây như: bưởi, điều, cao su, sầu riêng…, nhưng đa phần vẫn còn để đất trống. |
Hộ ông Trần Văn Tuyên (ngụ ấp 3, xã Xuân Hưng) đã chặt bỏ 2/4 ha thanh long để trồng lúa. Điều đáng nói là vườn thanh long của ông Tuyên mới sang năm thứ 4, đang giai đoạn cho năng suất tốt. Ông Tuyên ngậm ngùi: “Đầu năm 2022 đến nay, giá thanh long thấp, để đầu tư tôi phải đi vay ngân hàng 100 triệu đồng. Đến chừng gắng không nổi, tôi đành bỏ bớt một nửa, mất bao công sức và vốn liếng. Nửa diện tích còn lại phải giữ để có tiền trả tiền lời ngân hàng”.
Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng Nguyễn Văn Nga cho biết, để trồng 1ha thanh long, nông dân phải đầu tư 300-400 triệu đồng, khoảng 10 tháng sau, cây bắt đầu cho trái. Nếu phân, thuốc đầy đủ, giá trên 10 ngàn đồng/kg, khoảng 3 năm thu hồi được vốn. Tuy nhiên, hơn 1 năm nay, giá thanh long chỉ ở mức 5-7 ngàn đồng/kg, nhiều lúc không tiêu thụ được trong khi giá phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công tăng cao, buộc lòng nông dân phải chặt bỏ thanh long.
“Một số hộ đã chuyển sang cây trồng khác, một số vẫn để trống vườn. Chúng tôi rất tiếc nhưng không có cách giúp xã viên. Năm 2021, HTX vận động làm gần 10ha thanh long theo quy trình sạch với ý định xuất sang Nhật nhưng sau đó vướng dịch bệnh Covid-19, không có kho lạnh bảo quản nên sau đó nông dân bán sản phẩm cho thương lái và trở về quy trình chăm sóc thông thường” - ông Nga chia sẻ.
Theo nhiều nông dân, khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra bấp bênh, giá thanh long quá thấp khiến nông dân không dám đầu tư sản xuất. Nhiều hộ càng làm càng lỗ nên chọn cách chặt bỏ cây, bỏ quả.
* Kiến nghị kết nối đầu ra
Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại thanh long Xuân Hưng Nguyễn Văn Nga cho rằng, thời gian qua, HTX kiến nghị nhiều lần và Trung ương, tỉnh cũng tổ chức một số chương trình kết nối, hội thảo trực tuyến nhằm hỗ trợ đầu ra cho trái thanh long nhưng thực tế nông dân không rành công nghệ, hội thảo nghe lúc được lúc không nên cũng không kiến nghị được gì.
Ông Nga cho rằng, giải pháp lâu dài, căn cơ là ngành chức năng vào cuộc hỗ trợ kết nối đầu ra giúp nông dân. Khi có đầu ra rồi nông dân mới biết cần sản xuất mặt hàng gì, sản lượng bao nhiêu, yêu cầu chất lượng như thế nào. Bên cạnh đó, chính quyền hỗ trợ thông tin dự báo, dự đoán nhu cầu thị trường trong và ngoài nước để nông dân có kế hoạch sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Xuân Hưng Trần Đình Lai cho hay, địa phương có diện tích cây thanh long nhiều nhất huyện với khoảng 540ha. Thời gian này, một số nông dân đang tự chuyển đổi sang cây trồng khác vì giá thanh long quá rẻ, chi phí đầu tư cao. Ông Lai khuyến cáo nông dân không nên nóng vội phá bỏ vườn thanh long đang cho thu hoạch, không nên chạy theo thời vụ mà cố gắng duy trì sản xuất chờ thị trường ổn định trở lại.
“Địa phương đang tiếp tục thống kê diện tích thanh long bị chặt bỏ, đồng thời vận động bà con không nên chặt bỏ ồ ạt vì trồng cây khác cũng phải 1-2 năm sau mới được thu hoạch, nhiều loại cây cũng trong tình cảnh như thanh long. Vừa qua, HĐND tỉnh, huyện tiếp xúc cử tri, xã đã kiến nghị hỗ trợ đầu ra cho thanh long. Ngoài ra, xã cũng kiến nghị bằng văn bản, trực tiếp, tại các cuộc họp” - ông Lai chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Xuân Hưng, hiện nay xã đã hình thành được vùng sản xuất lớn, thành lập được các đơn vị kinh tế tập thể nhưng thiếu kết nối đầu ra, thiếu kho bãi để bảo quản và dự trữ hàng.
Vừa chặt bỏ 2ha thanh long, ông Lê Văn Sáng (ngụ ấp 3, xã Xuân Hưng) cho rằng, chặt bỏ cây thanh long là việc làm cực chẳng đã. Một số hộ sau khi chặt đã trồng bưởi, trồng tràm, cao su, trồng lúa nhưng gia đình ông vẫn chưa biết nên trồng loại cây gì. Ông Sáng mong ngành Nông nghiệp, chính quyền có định hướng trồng cây gì, liên kết với ai để ông mạnh dạn đầu tư sản xuất.
Trồng hay chặt bỏ thanh long là quyền của nông dân, nhưng để hạn chế vòng luẩn quẩn trồng - chặt nhà nông cần các thông tin như: trồng loại cây gì phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường đối với sản phẩm, kết nối đầu ra với đơn vị nào để từ đó có kế hoạch sản xuất phù hợp. Ngoài ra, nông dân cũng phải thay đổi thói quen làm nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu của thị trường, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản chứ không thể dựa vào thương lái quen.
Ban Mai