Từ đam mê bộ môn thể thao mạo hiểm dù lượn, anh Cao Huỳnh Trọng (29 tuổi, ngụ TP.HCM) cùng nhóm bạn đầu tư 5ha đất dưới chân núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) làm bãi đáp và điểm du lịch sinh thái. Từ đây, mô hình sản xuất nông nghiệp khá mới mẻ đã xuất hiện dưới chân núi Chứa Chan.
Từ đam mê bộ môn thể thao mạo hiểm dù lượn, anh Cao Huỳnh Trọng (29 tuổi, ngụ TP.HCM) cùng nhóm bạn đầu tư 5ha đất dưới chân núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) làm bãi đáp và điểm du lịch sinh thái. Từ đây, mô hình sản xuất nông nghiệp khá mới mẻ đã xuất hiện dưới chân núi Chứa Chan.
Anh Cao Huỳnh Trọng giới thiệu giống nho với lãnh đạo xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc. Ảnh: B.Mai |
Sau nhiều lần thử nghiệm với các loại cây khác nhau, anh Trọng thành công với giống nho 126 (hay còn gọi là nho Kẹo). Đây là giống cây mới được xã Xuân Thọ chọn giới thiệu nông dân tham khảo chuyển đổi cây trồng.
* Mê thể thao, đi làm… nông nghiệp
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Trọng cho biết, từ 3-4 năm trước, anh đã về núi Chứa Chan bay dù lượn. Thời điểm đó, khu vực này chưa có bãi đáp nên việc luyện tập khó khăn. Sau khi khảo sát, nhóm quyết định góp tiền mua vườn điều dưới chân núi thuộc xã Xuân Thọ làm bãi đáp và điểm lui tới. Thấy khu vực này khí hậu mát mẻ, nguồn nước dồi dào, anh Trọng đề xuất với nhóm cải tạo một phần đất điều trồng cây ăn quả bán lấy tiền và làm điểm du lịch sinh thái. Tuy nhiên, đề xuất này bị đa số thành viên phản bác vì không ai chịu bỏ công việc ổn định ở thành phố. Anh Trọng khi đó có quyết định táo bạo là nghỉ việc về H.Xuân Lộc làm nông.
“Tôi học kiến trúc xây dựng. Ra trường có ngay công việc, thu nhập mà nhiều người mơ ước. Thế nhưng đùng một cái, tôi bỏ việc về quê. Ba mẹ tôi phản đối vì bao người tìm cách bám trụ ở thành phố không được, còn mình có nhà, có việc ở thành phố lại bỏ về quê. So với ngành kiến trúc, làm nông nghiệp vừa vất vả, vừa bấp bênh. Nhưng tôi không lung lay ý chí, tôi một mình về quê dựng gian nhà rồi bắt tay cải tạo vườn” - anh Trọng kể lại.
Xác định làm nông nghiệp nghiêm túc, anh Trọng đã đầu tư vườn một cách bài bản, từ hệ thống nhà giàn có mái che, hệ thống bón phân và tưới nước nhỏ giọt, cho đến quy trình chọn giống, trồng, chăm sóc theo hướng VietGAP. Thế nhưng, rau ăn lá, rau ăn quả, rồi đến hoa đều không đạt.
Không nản chí, anh Trọng quyết định mua 5 loại giống nho khác nhau để trồng thử nghiệm. Cuối cùng, anh chọn giống nho 126 nguồn gốc Bình Thuận. Để hạn chế tình trạng cháy lá do chất đất cát khô, nóng gây ra, anh Trọng chuyển sang bón phân hữu cơ hoàn toàn. Sau 2 năm, giàn nho của anh kỹ sư trẻ đã cho trái ngọt. Hiện bình quân mỗi năm vườn nho cho thu hoạch 2 vụ, năng suất khoảng 1 tấn/sào/năm, lợi nhuận gấp nhiều lần so với cây điều. Sản phẩm được bán lại cho nông dân địa phương, du khách đến vườn và bạn bè trong nhóm chơi dù lượn.
* Liên kết với nông dân làm du lịch
Trước khi bỏ việc về Đồng Nai làm nông nghiệp, anh Trọng đã đầu tư một trang trại trồng rau sạch ở H.Củ Chi (TP.HCM). Theo anh Trọng, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và cả sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với nông nghiệp sạch ở H.Xuân Lộc hơn hẳn. Mặc dù mới về, nhưng anh được tạo điều kiện trưng bày và giới thiệu sản phẩm ở các sự kiện lớn của huyện; được tiếp xúc với các vị lãnh đạo tâm huyết với phát triển nông nghiệp.
Du khách tham quan vườn nho của anh Cao Huỳnh Trọng tại H.Xuân Lộc |
Anh Trọng cho biết, anh tiếp tục trồng thử nghiệm các giống cây phù hợp đất cát, nắng nhiều như: đu đủ, thanh long, nho. Nếu thành công, anh sẽ đề xuất với chính quyền địa phương hợp tác với nông dân chuyển đổi cây tiêu, điều năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Cùng với đó, anh tiếp tục cải tạo khu đất 5ha thành điểm dừng chân đón khách.
Trong kế hoạch dài hơi, anh Trọng dự định bắt tay làm phân bón hữu cơ, lai tạo cây giống để cung ứng cho bà con, các trang trại nông nghiệp trên địa bàn. “Tôi muốn đi theo quy trình khép kín. Từ cây giống, phân bón, chăm sóc, đến thu hoạch. Tôi sẽ thử nghiệm trên chính khu vườn của mình để bà con tham quan, học hỏi, ứng dụng. Việc hợp tác với nông dân để tạo ra sản phẩm nhiều, sạch, chất lượng tương đồng sẽ là một lợi thế cho đầu ra. Tôi sẽ tìm cách đưa sản phẩm vào các chuỗi cửa hàng hoặc phát triển thành vùng nguyên liệu đón du khách tham quan, thưởng thức nho tươi, nho sấy, rượu nho” - anh Trọng chia sẻ.
Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thọ Phạm Đình Nam cho biết, mô hình trồng nho này khá mới mẻ và đang mở ra hướng đi cho phát triển kinh tế ở địa phương là trồng nho. Xã tiếp tục theo dõi và lấy hiệu quả kinh tế mô hình giới thiệu cho bà con tham khảo chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Việc kết hợp giữa trồng nho với phát triển du lịch sinh thái vừa góp phần nâng cao giá trị cây nho, vừa tạo ra sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Cũng theo ông Nam, xã Xuân Thọ đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Do đó, việc tìm kiếm và nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả sẽ giúp nông dân cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ban Mai