H.Cẩm Mỹ phải lấy chế biến nông sản; kêu gọi các dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và Cụm công nghiệp chế biến nông sản Long Giao làm đột phá cho phát triển kinh tế.
H.Cẩm Mỹ phải lấy chế biến nông sản; kêu gọi các dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và Cụm công nghiệp chế biến nông sản Long Giao làm đột phá cho phát triển kinh tế.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn (thứ 3 từ trái sang) tham quan mô hình trồng sầu riêng năng suất cao tại xã Nhân Nghĩa, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: H.Lộc |
Đó là yêu cầu của Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn khi làm việc với H.Cẩm Mỹ về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vào trung tuần tháng 3 vừa qua.
* Chưa phát triển xứng tầm
H.Cẩm Mỹ có diện tích tự nhiên hơn 46 ngàn ha, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm đến 86%, đứng thứ 2 toàn tỉnh. Vài năm gần đây, chăn nuôi và trồng trọt của huyện có bước phát triển vượt bậc, đạt mức tăng trưởng trung bình 5%/năm. Tuy nhiên, giá trị ngành sản xuất nông nghiệp mang lại cho người dân thực sự chưa cao và bền vững.
Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho biết, hiện chăn nuôi trang trại của H.Cẩm Mỹ đứng thứ 3 toàn tỉnh sau H.Xuân Lộc và H.Thống Nhất. Đến nay, huyện có hơn 550 trang trại heo, bò, gà, dê và gia cầm. Ngoài ra, còn số lượng lớn dê, heo, bò, gà được chăn nuôi theo hình thức nông hộ. Mặc dù vậy, các trang trại heo quy mô lớn chủ yếu là hợp đồng gia công cho 2 công ty Japfa và C.P. Việt Nam; trang trại bò thì nhập khẩu bò con về nuôi lớn rồi đưa đi các tỉnh khác giết mổ; dê chủ yếu xuất khẩu nguyên con sang Trung Quốc. Huyện gần như chưa có chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến.
Làm việc với H.Cẩm Mỹ về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đây, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN cho rằng, H.Cẩm Mỹ phải lấy chế biến nông sản, kêu gọi các dự án lớn đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và Cụm công nghiệp chế biến nông sản Long Giao để làm đột phá cho phát triển kinh tế. Trong kế hoạch dài hơi, huyện cần tập trung xây dựng các mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hình thành và duy trì hoạt động hiệu quả các mô hình kinh tế tập thể; cùng với đó, xây dựng kế hoạch và thực hiện hiệu quả 17 vùng sản xuất nông nghiệp đã phê duyệt. |
Ở lĩnh vực trồng trọt, có 2 dự án cánh đồng lớn có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm là dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ cây tiêu do HTX Nông nghiệp Lâm San làm chủ đầu tư, giảm hơn 160ha so với ban đầu và dự án cánh đồng lớn cây bắp do HTX Đông Tây làm chủ đầu tư diện tích 270ha đã kết thúc vào năm 2021. Có 2 chuỗi liên kết sản xuất có hợp đồng tiêu thụ là: cây bưởi da xanh và cây sầu riêng nhưng diện tích nhỏ, chưa nhiều nông dân tham gia. 8 chuỗi liên kết cây trồng khác đã hình thành nhưng chưa có hợp đồng tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ cho rằng, trên địa bàn H.Cẩm Mỹ có nhiều chuỗi liên kết trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, nhất là mối liên kết thu mua - tiêu thụ chưa có nên đa phần sản phẩm bán tươi và xuất khẩu thô, giá trị thấp, giá cả bấp bênh.
Ông Phụng chỉ ra các điểm yếu trong sản xuất nông nghiệp của địa phương như: thiếu các cơ sở sơ chế và chế biến; nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp một số nơi không ổn định; việc hình thành và duy trì vùng chuyên canh tập trung gặp nhiều khó khăn do giá đất tăng cao. “Thời gian qua, rất nhiều chủ đầu tư về H.Cẩm Mỹ mua đất ở các vùng sản xuất nông nghiệp nhưng không tổ chức sản xuất. Vì vậy, huyện rất khó triển khai mô hình sản xuất tập trung” - ông Phụng chia sẻ.
* Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến
Tham gia chuyến làm việc tại H.Cẩm Mỹ, bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc siêu thị Co.opmart Biên Hòa cho rằng, H.Cẩm Mỹ có rất nhiều sản phẩm có thể đưa vào hệ thống Co.opmart. Siêu thị muốn hợp tác và ưu tiên nguồn hàng của địa phương nhưng không thể ký hợp đồng với từng hộ dân mà phải có đầu mối là HTX, doanh nghiệp. Việc hợp tác đưa sản phẩm tươi như: rau củ quả, gà, vịt, cá vào siêu thị lúc đầu khó khăn về thủ tục pháp lý nhưng khi đã ký hợp đồng thì sản phẩm cứ vậy vào hệ thống kho, giá cả ổn định hơn bán chợ rất nhiều.
“Chúng tôi có 125 siêu thị Co.opmart và hơn 500 cửa hàng Co.op Food khắp Việt Nam. Chúng tôi rất muốn hợp tác đưa nông sản địa phương vào siêu thị, nhưng việc mời chào nông dân bán hàng cho siêu thị không dễ” - bà Uyên nói.
Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ Huỳnh Tấn Thìn cho rằng, những năm qua, tỉnh và huyện rất quan tâm phân bổ nguồn cho phát triển nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, so với nhu cầu và tiềm năng thì sự phát triển của huyện vẫn ít. Số dự án nông nghiệp, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chế biến còn hạn chế. Huyện kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng kêu gọi, giới thiệu doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp, sản xuất nông nghiệp và tham gia các dự án liên kết; triển khai đầu tư xây dựng 4 hồ: Suối Cả, Xuân Quế, Bưng A, Xuân Đường nhằm đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, H.Cẩm Mỹ chưa tận dụng được các lợi thế để ngành kinh tế chính là nông nghiệp. Địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, có cụm công nghiệp chế biến sâu, có khu công nghệ cao công nghệ sinh học nhưng kêu gọi đầu tư chưa hiệu quả. Toàn tỉnh có hơn 100 sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) nhưng H.Cẩm Mỹ chỉ có 6 sản phẩm. Huyện cần tính toán chuyển đổi dần diện tích cây trồng hàng năm (lúa, bắp) sang loại cây trồng có hiệu quả hơn. Huyện cũng cần tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ kêu gọi đầu tư cụm công nghiệp.
Hoàng Lộc