Những năm qua, với nỗ lực tạo sự đột phá trong phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, H.Tân Phú đã tạo nên những vùng chuyên canh với chất lượng cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo thương hiệu riêng cho nông sản địa phương như: vùng trồng sầu riêng Phú An, vùng nuôi tôm càng xanh Trà Cổ, vùng trồng lúa Phú Điền, Phú Thanh...
Những năm qua, với nỗ lực tạo sự đột phá trong phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, H.Tân Phú đã tạo nên những vùng chuyên canh với chất lượng cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo thương hiệu riêng cho nông sản địa phương như: vùng trồng sầu riêng Phú An, vùng nuôi tôm càng xanh Trà Cổ, vùng trồng lúa Phú Điền, Phú Thanh...
Cánh đồng lúa Phú Điền (H.Tân Phú) là một trong những điểm thu hút khách du lịch thời gian qua. Ảnh: N.Liên |
Để nông nghiệp phát triển bền vững với những vùng chuyên canh có sản phẩm nông nghiệp chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao, H.Tân Phú đang hướng đến mục tiêu chung nâng tầm sản phẩm địa phương để phát triển thị trường bền vững, có khả năng xâm nhập các thị trường khó tính theo đường chính ngạch.
* Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho vùng chuyên canh
Xây dựng chứng nhận và hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số vùng chuyên canh là một trong những mục tiêu mà H.Tân Phú đang hướng tới nhằm tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm thế mạnh riêng của địa phương. Trong đó, vùng trồng sầu riêng tại địa bàn xã Phú An và vùng nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ là những vùng chuyên canh đã tạo được thương hiệu riêng từ nhiều năm nay trên thị trường.
Điều đáng nói, dù là huyện miền núi nhưng Tân Phú lại có sản phẩm thủy sản nổi tiếng về chất lượng và có lợi thế cạnh tranh là sản phẩm tôm càng xanh, được nuôi tập trung tại khu vực xã Trà Cổ, trên diện tích khoảng 54ha, trong đó có trên 30ha nuôi theo mô hình VietGAP.
Xác định nông nghiệp là lĩnh vực cần đột phá trong phát triển, thời gian qua, công tác chuyển đổi cây trồng trên địa bàn huyện đã đạt những kết quả nổi bật. Các vùng chuyên canh theo hướng sản xuất sạch ngày càng tăng, ý thức gìn giữ sản phẩm, thương hiệu của người dân được nâng cao. Một số vùng chuyên canh có tiếng như: vùng trồng các loại cây có múi (bưởi da xanh, cam, quýt…) tập trung khu vực các xã Tà Lài, Phú Lộc, Phú Thịnh; vùng trồng sầu riêng tập trung khu vực xã Phú An theo mô hình VietGAP; vùng nuôi tôm càng xanh chuẩn VietGAP tại khu vực xã Trà Cổ. Đặc biệt, Tân Phú là huyện có diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh với trên 6 ngàn ha, hiện đang được huyện đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân trồng lúa theo hướng hữu cơ nhằm tạo thêm thương hiệu lúa sạch, tăng sự phong phú của nông sản cho huyện vùng cao. |
Theo đánh giá của địa phương cũng như các cơ quan chuyên môn, khu vực Trà Cổ có nguồn nước tự nhiên rất phù hợp với nuôi tôm càng xanh nên hơn 20 năm qua, khu vực này đã hình thành vùng nuôi tôm đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao chất lượng đời sống bà con. Tuy nhiên, hạn chế của bà con nuôi tôm là không đủ nước để nuôi tôm vào mùa khô nên nguồn tôm không thường xuyên, ảnh hưởng tới việc cung cấp hàng cho các doanh nghiệp với số lượng lớn.
Nhằm mục đích cùng nông dân tìm hướng khắc phục những hạn chế trên, H.Tân Phú đã đề nghị một số sở, ngành liên quan hỗ trợ địa phương xây dựng chứng nhận và hệ thống truy xuất nguồn gốc cho vùng nuôi tôm càng xanh và triển khai đánh giá hiệu quả kinh tế nuôi tôm vụ 2.
Tổ trưởng Tổ hợp tác thủy sản Trà Cổ Hoàng Văn Bính cho biết, bà con ở Trà Cổ lâu nay luôn nỗ lực áp dụng mô hình nuôi tôm VietGAP để giữ vững thương hiệu, mong sản phẩm được phát triển xa hơn nữa. Tuy nhiên, người nông dân chỉ biết chăn nuôi, không đủ khả năng xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc nếu không có sự hỗ trợ từ địa phương cũng như các cơ quan chức năng. Do đó, người dân mong muốn những hỗ trợ sớm được triển khai để sản phẩm tôm càng xanh VietGAP vùng cao có thể vươn xa hơn ra thị trường trong nước, thậm chí xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Cùng với con tôm, sản phẩm sầu riêng Phú An cũng đang được huyện đề xuất đến các cơ quan chức năng hỗ trợ các giải pháp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để có thể bước ra thị trường nước ngoài bằng con đường chính ngạch với tên Sầu riêng Phú An.
Đại diện Phòng NN-PTNT H.Tân Phú cho biết, sầu riêng Phú An cũng là sản phẩm được sản xuất theo mô hình VietGAP từ khá lâu, đã đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, do còn hạn chế về thủ tục truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường nước ngoài, nên lâu nay sầu riêng Phú An muốn ra được thị trường nước ngoài đều phải qua trung gian thứ ba. Do đó, nếu xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc cho trái sầu riêng thì sản phẩm của người nông dân làm ra sẽ có kênh tiêu thụ ổn định với giá thành cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
* Thêm các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao
Cùng với kế hoạch xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các vùng chuyên canh có thế mạnh, H.Tân Phú còn đang hướng tới triển khai các mô hình sản xuất có thế mạnh khác như: hỗ trợ triển khai dự án sản xuất lúa gạo đạt tiêu chuẩn hữu cơ, xây dựng đề tài phục tráng giống lúa Base của đồng bào dân tộc Châu Mạ tại xã Tà Lài…
Thu hoạch tôm càng xanh tại xã Trà Cổ, H.Tân Phú |
Bên cạnh đó, hằng năm, H.Tân Phú còn dành riêng một khoản ngân sách để hỗ trợ triển khai việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cụ thể như: chuyển giao và ứng dụng mô hình 3 giảm, 3 tăng trên cây lúa; các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống... Những chương trình trên đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao giá trị sản xuất cho bà con nông dân, tạo nên những vùng chuyên canh với các sản phẩm nông nghiệp sạch, đáp ứng các tiêu chí chung của thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho ngành Nông nghiệp địa phương.
Chia sẻ những nỗ lực của H.Tân Phú thời gian qua, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Ký cho biết, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân trong việc đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hình thành trong thời gian gần đây. Những thành quả cho thấy giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện luôn có mức tăng trưởng bình quân gần 8%/năm.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hướng tới phát triển ngành Nông nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ngoài ra, kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, H.Tân Phú sẽ đẩy mạnh khai thác loại hình du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp, đưa những mô hình sản xuất nông nghiệp trở thành những điểm đến du lịch. Bên cạnh đó, tận dụng những lợi thế du lịch địa phương như rừng, hồ để lồng ghép, kết nối các sản phẩm du lịch sinh thái với du lịch nông nghiệp, cộng đồng nhằm tạo ra những chuỗi liên kết nông nghiệp - du lịch đặc thù cho H.Tân Phú.
Ngọc Liên