Báo Đồng Nai điện tử
En

Lợi nhiều đường từ đầu tư tưới nước tiết kiệm

10:02, 09/02/2022

H.Trảng Bom được tỉnh chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa giai đoạn 2020-2025. Chính vì vậy, việc phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, bền vững được chính quyền và nông dân quan tâm đầu tư.

H.Trảng Bom được tỉnh chọn thí điểm xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa giai đoạn 2020-2025. Chính vì vậy, việc phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, bền vững được chính quyền và nông dân quan tâm đầu tư. Một trong những mô hình đó là tưới nước tiết kiệm (TNTK) trong trồng trọt.

Ông Dương A Nhì (ngụ ấp 3, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) giới thiệu mô hình tưới nước tiết kiệm. Ảnh: L.An
Ông Dương A Nhì (ngụ ấp 3, xã Sông Trầu, H.Trảng Bom) giới thiệu mô hình tưới nước tiết kiệm. Ảnh: L.An

Mô hình TNTK kết hợp với bón phân, xịt thuốc tự động đã và đang giúp người nông dân giảm được các chi phí: nhân công, nước, phân bón và cải thiện năng suất cây trồng.

* Tăng năng suất, lợi nhuận

Xã An Viễn là vùng đất khô hạn, cằn cỗi, chỉ thích hợp với cây điều. Tuy nhiên, do năng suất thấp, giá cả không ổn định, nhiều người không còn mặn mà với loại cây này. Đó là thực tế của 5 năm trở về trước. Hiện vùng đất này luôn phủ màu xanh của điều, ca cao. Nhà vườn có thu nhập quanh năm với mức lợi nhuận bình quân gấp 2-3 lần so với chỉ trồng điều.

Ông Nguyễn Văn Thu (ngụ ấp 4, xã An Viễn) cho biết, trước đây gần 10ha điều của gia đình ông mỗi năm thu được khoảng 800 triệu đồng; trừ chi phí đầu tư, nhân công lời khoảng một nửa. Thế nhưng, từ khi chuyển sang trồng xen canh ca cao và ứng dụng công nghệ TNTK, ông có thu nhập bình quân trên dưới 2 tỷ đồng/năm.

Theo Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có gần 57 ngàn ha lắp đặt hệ thống TNTK. Mô hình này có thể giúp tăng năng suất cây trồng 10-30%, giảm 20-60% chi phí nhân công, tiết kiệm khoảng 20% lượng nước tưới, thu nhập bình quân tăng 20%. Ngoài ra, ứng dụng mô hình này còn giúp chuyển đổi cây trồng, thích ứng với hạn hán, biến đổi khí hậu và góp phần bảo vệ nguồn nước mặt.

Ông Thu tâm sự: “Nhiều người từng khuyên tôi chặt điều làm nhà trọ hoặc cho thuê đất làm nhà xưởng, kho bãi nhưng tôi nấn ná mãi. Năm 2017, tôi tham gia dự án liên kết ca cao xen điều của huyện. Tôi được hỗ trợ chi phí giống, phân bón và hơn 100 triệu đồng làm hệ thống TNTK. Từ hệ thống TNTK, tôi đầu tư thêm bồn, van để bón phân, xịt thuốc. Nhờ đó, tiết kiệm được đáng kể chi phí nhân công bón phân, nhân công tưới nước”.

Ông Dương A Nhì (ngụ ấp 3, xã Sông Trầu) cho biết, ông đầu tư hệ thống TNTK cho vườn bưởi được khoảng 5 năm. So với việc kéo dây tưới nước truyền thống, cách làm này mang lại hiệu quả rõ rệt. Mỗi lần tưới, ông chỉ cần bật công tắc, điều chỉnh van, khoảng 30 phút là tưới xong vườn hơn 5ha, giảm được đáng kể điện. Độ ẩm của đất được duy trì ổn định, nhờ đó năng suất cây trồng, chất lượng quả được cải thiện.

Ông Nguyễn Văn Trung (ngụ ấp Tân Đạt, xã Đồi 61) có hơn 1,5ha tràm giống. Đặc điểm của loại cây này phải tưới nước, xịt thuốc nhiều lần, tốn công. Từ ngày đầu tư hệ thống TNTK và cài chế độ tự động, ông Trung không phải thuê người tưới nước. Ông Trung cho rằng, ưu điểm của hệ thống tưới đa năng này nhanh, tiện, nhà vườn không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu bệnh.

Mô hình này hiện được nhiều nông dân trồng chuối, bưởi, thuốc lá quy mô lớn, nhỏ trên địa bàn H.Trảng Bom áp dụng và đem lại hiệu quả rõ rệt.

* Hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ

Mô hình TNTK không còn mới mẻ nhưng chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, trong khi mối liên kết trong sản xuất nông nghiệp và giá cả thiếu ổn định nên nhiều nông dân chưa mạnh dạn đầu tư. Vài năm trở lại đây, nhờ kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong lĩnh vực thủy lợi của UBND tỉnh, hàng ngàn hộ nông dân đã được hỗ trợ vốn đầu tư hệ thống TNTK.

Vườn điều xen ca cao ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm của ông Nguyễn Văn Thu (ngụ ấp 4, xã An Viễn)
Vườn điều xen ca cao ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm của ông Nguyễn Văn Thu (ngụ ấp 4, xã An Viễn)

Theo Phòng Kinh tế H.Trảng Bom, thực hiện chủ trương của tỉnh và huyện, những năm qua, Phòng đã triển khai nhiều trương trình hỗ trợ nông dân, trong đó có hỗ trợ 30%/ha (không quá 40 triệu đồng/ha) chi phí lắp đặt hệ thống TNKT cho các loại cây trồng: thanh long, ca cao, bưởi... thuộc dự án liên kết, vùng quy hoạch cây trồng tập trung với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Từ sự hỗ trợ thiết thực này, hàng trăm hộ nông dân đã đầu tư công nghệ tưới nước tự động để tiết kiệm nhân công, tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm. Cũng thông qua đó, nhiều vùng chuyên canh cây trồng quy mô lớn hình thành, đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Điển hình là: dự án Cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây điều tại xã An Viễn; dự án Cánh đồng lớn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ca cao tại xã An Viễn; chuỗi liên kết tiêu tại xã Thanh Bình; chuỗi liên kết cây ca cao tại xã Trung Hòa; vùng chuyên canh chuối tại xã Thanh Bình, bưởi tại xã Bàu Hàm...

Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, nhờ chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hàng ngàn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống TNTK. Mô hình này không chỉ giúp tăng năng suất cây trồng, cải thiện thu nhập cho nông dân mà còn góp phần bảo vệ nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp. Sở NN-PTNT đang phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng, nhu cầu phát triển thủy lợi và TNTK. Sau đó, Sở tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng TNTK và làm thủ tục hỗ trợ chi phí, vay vốn ưu đãi đầu tư hệ thống TNTK. Cùng với đó là rà soát quy hoạch thủy lợi, xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước mặt, nước ngầm phục vụ sản xuất.

Lê An

Tin xem nhiều