Quả bưởi được sử dụng nhiều trong các dịp lễ, Tết. Năm nay, do tác động của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, bưởi da xanh được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ trên địa bàn H.Cẩm Mỹ vẫn thuận lợi về đầu ra.
Quả bưởi được sử dụng nhiều trong các dịp lễ, Tết. Năm nay, do tác động của dịch bệnh Covid-19, việc tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, bưởi da xanh được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ trên địa bàn H.Cẩm Mỹ vẫn thuận lợi về đầu ra.
Vườn bưởi da xanh chăm sóc theo hướng hữu cơ của ông Nguyễn Văn Mẽ (xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ). Ảnh: H.Lộc |
* Thay đổi thói quen canh tác
Thời điểm này, nhiều chủ vườn ở xã Thừa Đức, H.Cẩm Mỹ thu hoạch xong bưởi da xanh. Năm nay, do tác động tiêu cực của dịch bệnh nên mức giá chỉ tạm chấp nhận được.
Ông Lê Văn Long (ngụ xã Thừa Đức) cho biết, ông là một trong những chủ vườn ở đây tiên phong chuyển sang chăm sóc bưởi theo hướng hữu cơ. Ông dùng các loại chế phẩm sinh học phun trực tiếp lên lá, quả và sử dụng long não để dụ ruồi vàng; sử dụng các loại phân, thuốc có thành phần hữu cơ cao. Nhờ vậy mà vườn bưởi của ông phát triển xanh tốt, quả có da láng mịn, độ ngọt tăng. Cuối tháng 11 âm lịch, thương lái đã đặt cọc bao trọn vườn bưởi hơn 4 tấn quả.
Vài năm trở lại đây, bưởi da xanh được nhiều nông dân trên địa bàn H.Cẩm Mỹ chọn là cây trồng chủ lực. Đây là loại cây trồng mới, diện tích và sản lượng còn khiêm tốn nên sản phẩm chủ yếu tiêu thụ qua thương lái địa phương, theo giá thị trường. Tới đây, huyện quy hoạch phát triển diện tích, hình thành các mô hình sản xuất theo hướng sạch nhằm tạo ra sản phẩm nhiều, chất lượng đồng đều để thuận lợi tiêu thụ. |
“Từ khi chuyển sang chăm sóc theo hướng hữu cơ, tôi thấy cây bưởi khỏe hơn. Sản lượng không nhiều như trước nhưng quả đồng đều, da xanh bóng, độ ngọt tăng, nhờ thế bán được giá hơn. Dịp này, tôi xử lý 4 tấn trái, thương lái bao trọn vườn với giá gần 20 ngàn đồng/kg. Tôi lời khoảng 50 triệu đồng. So với các năm là thấp, nhưng với tình hình năm nay như vậy tạm chấp nhận được” - ông Long chia sẻ.
Ông Đào Văn Sơn (ngụ xã Thừa Đức) đang trồng bưởi theo hướng hữu cơ chia sẻ, trước đây ông cứ nghĩ làm sạch cỏ sẽ tốt cho cây, cho đất. Sau này, khi tìm hiểu kỹ, ông trồng cả thảm cỏ xanh dưới gốc cây để giữ độ ẩm, tạo môi trường tốt cho các loại vi sinh có lợi cho đất sinh sôi. Khi cỏ tàn, ông gom trộn chung với phân chuồng ủ bón gốc. Cũng theo ông Sơn, thời gian qua, nhiều loại quả như: mít, thanh long, kể cả một số vườn bưởi phải “bán đổ bán tháo”, thậm chí cắt cho dê, bò ăn vì không có người mua. Tuy nhiên, vườn bưởi da xanh của ông vẫn tiêu thụ được, có lời.
Ông Nguyễn Văn Mẽ (ngụ xã Sông Nhạn) cho biết, tháng 11 âm lịch thương lái đã đặt cọc tiền bao trọn vườn bưởi với giá 15 ngàn đồng/kg (cao hơn giá lúc bấy giờ khoảng 4 ngàn đồng/kg) nhưng ông không đồng ý. Ông đồng ý bán cho thương lái nhưng giá theo thị trường ở thời điểm cắt. Hiện vườn bưởi đã cắt khoảng 4 tấn, còn 3 tấn sẽ cắt dịp rằm tháng Giêng.
“Vườn bưởi của tôi đầu ra luôn thuận lợi, kể cả khi giãn cách xã hội. Tôi làm bưởi hữu cơ gần như 100%, thuốc thảo mộc pha lẫn dầu đậu phộng và trứng gà để tạo lớp keo bao bọc quả bưởi, ngăn ấu trúng nở, sinh vật đốt. Tôi trộn chung phân dơi, phân gà với chế phẩm phân EM Emic để gia tăng vi khuẩn có lợi. Bưởi đẹp, thương lái rất thích” - ông Mẽ chia sẻ.
* Tiêu thụ thuận lợi
Hiện tại, phần lớn các vườn bưởi da xanh được trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ trên địa bàn H.Cẩm Mỹ đều đã thu hoạch hoặc có thương lái đặt cọc. Theo chia sẻ của nông dân, mặc dù giá bưởi năm nay thấp nhưng đầu ra không đến nỗi.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thừa Đức cho biết, trên địa bàn xã có hơn 130ha bưởi da xanh, tập trung ở ấp 3 và ấp 8. Trong đó, diện tích đăng ký làm bưởi hữu cơ khoảng 10ha. Xã đã thành lập 1 tổ hợp tác, 1 HTX bưởi sạch. Trong năm 2021, Hội Nông dân xã đã triển khai cho nông dân vay 850 triệu đồng để trồng mới và cải tạo vườn bưởi.
“Bưởi là loại cây trồng chủ lực của xã. Năm nay, tiêu thụ bưởi chủ yếu vẫn thông qua thương lái nhưng có chênh lệch về giá cả, mức độ ưu tiên. Cụ thể, vườn bưởi da xanh chăm sóc theo quy trình thường có giá khoảng 15-17 ngàn đồng/kg, còn bưởi được chăm sóc theo hướng hữu cơ đạt gần 20 ngàn đồng/kg. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động bà con chuyển từ quy trình chăm sóc thông thường sang hướng hữu cơ để cải thiện năng suất, chất lượng và đầu ra, tham gia vào chuỗi liên kết cây bưởi của xã” - ông Tuấn cho hay.
Ông Nguyễn Văn Mẽ chia sẻ, lợi ích thấy rõ khi chuyển sang quy trình sạch đó là bản thân người làm vườn ít phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, cây bưởi sinh trưởng tốt. Nông dân chủ động xử lý để bưởi ra hoa, đậu trái theo ý muốn. “Tôi đang tìm hiểu thủ tục làm chứng nhận bưởi hữu cơ. Có giấy chứng nhận này, bưởi của tôi sẽ được xuất đi châu Âu. Đối tác đã có thị trường, có sản phẩm, hiện chỉ còn kẹt thủ tục pháp lý” - ông Mẽ chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Điệp, Phó trưởng Phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ, trên địa bàn huyện có hơn 370ha bưởi da xanh, trong đó nhiều nhất là xã Thừa Đức với hơn 130ha. Hiện trên địa bàn chưa có mô hình bưởi hữu cơ, VietGAP được chứng nhận nhưng nhiều nông dân đã chủ động thay đổi quy trình trồng và chăm sóc theo hướng sạch; đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm để giảm chi phí đầu tư, nhân công và cải thiện năng suất, chất lượng. Một số địa phương đã hình thành tổ hợp tác, HTX bưởi nhằm tạo mối lên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, vườn có sản lượng nhiều, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp được bán với giá khoảng 20 ngàn đồng/kg.
Hoàng Lộc