Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải tỏa mặt bằng cho các cụm công nghiệp

09:07, 07/07/2021

Huyện Long Thành hiện có 4 cụm công nghiệp (CCN) đang triển khai nhưng 3/4 trong số này còn vướng mặt bằng dẫn đến chưa hoàn thiện hạ tầng, khó thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Huyện Long Thành hiện có 4 cụm công nghiệp (CCN) đang triển khai nhưng 3/4 trong số này còn vướng mặt bằng dẫn đến chưa hoàn thiện hạ tầng, khó thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Cụm công nghiệp ô tô Đô Thành, xã Long Phước, H.Long Thành. Ảnh: H.Lộc
Cụm công nghiệp ô tô Đô Thành, xã Long Phước, H.Long Thành. Ảnh: H.Lộc

Thực hiện thông báo kết luận số 6123/TB-UBND ngày 7-6-2021 của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng tại cuộc họp nghe báo cáo về khó khăn của CCN trên địa bàn tỉnh, địa phương đang tập trung tháo gỡ các tồn tại, đặc biệt là mặt bằng để phát triển các CCN.

* Chưa có dự án hoàn thiện hạ tầng

Theo báo cáo của UBND H.Long Thành, từ năm 2001 đến nay, huyện được phê duyệt quy hoạch chi tiết 9 CCN. Qua quá trình rà soát, 5 CCN đã được đưa ra khỏi quy hoạch do vị trí không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương, nằm sát dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chưa có cơ sở hạ tầng kết nối, khó thu hút nhà đầu tư hạ tầng lẫn doanh nghiệp thứ cấp.

Hiện trên địa bàn huyện còn 4 CCN đang trong quá trình triển khai đầu tư. 1 CCN cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư chưa triển khai xây dựng hạ tầng, 3 CCN đang vướng mặt bằng. Cụ thể, CCN Long Phước 1 có quy mô 75ha, do Công ty CP Sonadezi Long Thành làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch, CCN này sẽ ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; lắp ráp các thiết bị điện, điện tử; công nghiệp chế biến nông sản; công nghiệp hỗ trợ và các dịch vụ logistics. Hiện CCN này diện tích mặt bằng đã được giải phóng đạt  87%, còn gần 20 trường hợp chưa đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng với diện tích khoảng 10ha.

CCN Tam An quy mô hơn 50ha, do Công ty TNHH Trường Lâm làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch, đây là CCN phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sạch, hiện đại, ít sử dụng lao động và không gây ô nhiễm môi trường. CCN này đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng chủ đầu tư chưa triển khai xây dựng hạ tầng mà đang xin gia hạn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch chi tiết.

CCN Phước Bình có quy mô 75ha, được bố trí 40% đất cho mục đích sản xuất vật liệu xây dựng và 60% diện tích còn lại thu hút ngành nghề. CCN được UBND tỉnh phê duyệt quyết định thành lập đầu năm 2019, sau đó Công ty TNHH PAK Việt Nam đề nghị đầu tư. Hiện nay, huyện đã phê duyệt phương án bồi thường cho 27 hộ với gần 50% diện tích đất phải thu hồi từ các hộ dân, đã có 3 doanh nghiệp hoạt động trên tổng diện tích hơn 16ha. Chủ đầu tư đang đề xuất điều chỉnh diện tích.

CCN ô tô Đô Thành quy mô 68ha, do Công ty Ô tô Đô Thành làm chủ đầu tư hạ tầng. Công ty có nhà máy đang hoạt động trong cụm với diện tích hơn 18ha. Chủ đầu tư hạ tầng đang tiếp tục thỏa thuận với các hộ dân để có mặt bằng triển khai hạ tầng.

Theo Chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Văn Tiếp, việc triển khai đầu tư hạ tầng các CCN trên địa bàn huyện thời gian qua chậm so với tiến độ dự án đã được phê duyệt, dẫn đến một số chủ đầu tư xin điều chỉnh, gia hạn dự án. Đến thời điểm hiện tại, chưa có CCN nào hoàn thành việc đầu tư hạ tầng. Điều này ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào CCN, không đáp ứng được mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện.

* Giải quyết vướng mắc

Hiện nay, quỹ đất để phát triển các khu công nghiệp quy mô lớn trên địa bàn H.Long Thành có hạn, việc phát triển các CCN theo quy hoạch đã được duyệt thuộc diện ưu tiên. Phát triển CCN không chỉ giúp địa phương thu hút các dự án, ngành nghề ưu tiên để phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần quy hoạch lại các ngành nghề sản xuất, vùng sản xuất công nghiệp tập trung để giảm ô nhiễm môi trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động khu vực nông thôn.

Bà Phạm Thị Thủy Trang, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị H.Long Thành cho rằng, việc phát triển các CCN trên địa bàn còn nhiều vướng mắc. Bên cạnh khó khăn trong việc huy động nguồn vốn đầu tư, chậm bố trí kinh phí để giải phóng mặt bằng các dự án CCN còn gặp khó khăn do phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục, mỗi thủ tục qua nhiều bước, mỗi bước phải chờ thẩm định và phê duyệt như: thành lập CCN, cấp quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết, đánh giá tác động môi trường, thủ tục đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, cấp phép xây dựng, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy… Trung bình tổng thời gian để hoàn tất các thủ tục khoảng 2-3 năm, chưa kể một số cụm mất nhiều thời gian hơn do gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, chủ đầu tư mất khoảng 1-2 năm để xây dựng hạ tầng, sau đó tổ chức nghiệm thu công trình mới được tiếp nhận dự án để sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, các dự án CCN đều vướng về mặt bằng. Nhiều trường hợp không xác định được nguồn gốc đất, người dân không đồng thuận với đơn giá bồi thường đã được tỉnh phê duyệt. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thủ tục thu hồi đất chậm trễ. Do đó, huyện sẽ ưu tiên nguồn lực hỗ trợ chủ đầu tư trong khâu này.

Chủ tịch UBND H.Long Thành Lê Văn Tiếp cho rằng, trong 5 năm tới, việc tiếp tục thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là mũi nhọn kinh tế của huyện. Bên cạnh việc duy trì và phát triển các khu công nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt, huyện sẽ tập trung đôn đốc, hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN. Cùng với đó là ưu tiên nguồn vốn và kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kết nối, các hạng mục thiết yếu nhằm tạo môi trường thu hút đầu tư thuận lợi và hỗ trợ kêu gọi đầu tư vào các CCN.

Về định hướng phát triển đối với các CCN, huyện đang triển khai lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và lập quy hoạch chung xây dựng tại các xã. Huyện xác định tiếp tục triển khai và đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng để 4 CCN trở thành nơi đầu tư lý tưởng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, qua rà soát, huyện cập nhật quy hoạch bổ sung 1 CCN tại xã Bình An với quy mô 75ha đáp ứng mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp địa phương.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều