Huyện Nhơn Trạch đang có nhiều lợi thế trở thành trung tâm dịch vụ cảng lớn của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã quy hoạch cụm cảng biển, hệ thống các kho bãi, đường giao thông kết nối.
Huyện Nhơn Trạch đang có nhiều lợi thế trở thành trung tâm dịch vụ cảng lớn của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã quy hoạch cụm cảng biển, hệ thống các kho bãi, đường giao thông kết nối.
Bản đồ quy hoạch cảng Phước An và Khu công nghiệp dịch vụ hậu cần cảng Phước An, khu quy hoạch dịch vụ cảng lớn nhất tỉnh |
Ngoài ra, huyện cũng chủ động hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi để mời gọi nhà đầu tư.
* Tiềm năng hội tụ
Cùng với H.Long Thành, H.Nhơn Trạch là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm dịch vụ xuất nhập khẩu và logistics. Lợi thế lớn nhất là cảng Phước An và Khu công nghiệp (KCN) dịch vụ hậu cần cảng Phước An đang triển khai xây dựng. Điểm khác biệt ở cảng nước sâu này là có nhiều sông lớn (Đồng Nai, Đồng Môn, Lòng Tàu, Nhà Bè, Đồng Tranh, Thị Vải) giao thoa, gần biển và gần với cảng biển lớn nhất miền Nam, rất thuận lợi cho giao thương đường thủy.
Cụ thể, cảng Phước An được quy hoạch gồm 10 bến tàu có tổng chiều dài hơn 3km với diện tích đất sử dụng 183ha. Đi vào hoạt động, cảng sẽ là khu bến chính của cảng Đồng Nai, tiếp nhận tàu tổng hợp, container tải trọng lên đến 50-60 ngàn tấn. KCN dịch vụ hậu cần cảng Phước An quy mô gần 550ha được quy hoạch đầy đủ các dịch vụ: kho hàng hóa, bến sà lan, ga tàu trung chuyển… phục vụ cho vận chuyển, logistics đến và đi. Công suất khai thác dự kiến của KCN này đối với hàng container là khoảng 2,2 triệu Teus/năm và hàng tổng hợp là 4 triệu tấn/năm.
Phát biểu trong lần làm việc với H.Nhơn Trạch cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, trong tương lai, cảng Phước An sẽ trở thành khu kinh tế đối ngoại của tỉnh. Không chỉ đem lại nguồn thu lớn từ hoạt động xuất nhập khẩu, khu vực này còn kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, trong đó có dịch vụ, du lịch và các dự án đô thị cảnh quan. Cùng với sân bay Long Thành, cảng Phước An sẽ là trung tâm logistics, nơi xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh sự đầu tư của tỉnh, H.Nhơn Trạch cũng phải chủ động hoàn thiện hạ tầng kết nối, đào tạo nhân lực cho ngành dịch vụ và logistics. |
Về giao thông đường bộ, trên địa bàn H.Nhơn Trạch hiện đã có tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây qua phía Bắc. Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành phía Nam đang thi công. Đường vành đai 3 đi qua 4 tỉnh, thành, trong đó đoạn qua H.Nhơn Trạch hơn 10km đang triển khai. Ngoài ra, tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường liên cảng Phước An - Cái Mép, cầu cảng Cát Lái cũng đang tiến hành các bước xây dựng trong giai đoạn 2021-2025. Đây là những tuyến đường huyết mạch, có vai trò đặc biệt quan trọng trong liên kết và phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng. Tiềm năng phát triển ngành dịch vụ vận tải, xuất nhập khẩu và logistics của H.Nhơn Trạch còn hứa hẹn có bước đột phá lớn khi sân bay Long Thành (cách khoảng 30km) đi vào hoạt động. Ở giai đoạn 1, sân bay có công suất tiếp nhận 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng mỗi năm. So với các cảng biển khác, quãng đường từ sân bay Long Thành đến cảng Phước An và ngược lại là ngắn nhất.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có đến 10 KCN, cụm công nghiệp. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hiện phụ thuộc nhiều vào giao thông đường bộ, trong khi đó, hệ thống đường sá trên địa bàn huyện chưa hoàn thiện. Ngoài ra, các địa phương như: TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom, H.Long Thành cũng có nhiều KCN quy mô lớn, nhỏ đang và sắp đi vào hoạt động, có nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường thủy lớn. Đây là lợi thế để H.Nhơn Trạch phát triển logistics.
* Sẵn sàng tâm thế đón nhà đầu tư
Với cảng biển nước sâu, hệ thống đường cao tốc, sân bay Long Thành và gần 20 KCN trên địa bàn huyện và vùng phụ cận, H.Nhơn Trạch có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm dịch vụ cảng của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Để sẵn sàng đón các nhà đầu tư, H.Nhơn Trạch đang tập trung mở rộng các tuyến giao thông huyết mạch, xây dựng các tuyến giao thông kết nối Nhơn Trạch với các huyện, thị trong tỉnh, các tỉnh, thành lân cận và sân bay quốc tế Long Thành; quy hoạch sẵn các kho bãi, cảng cạn và bến thủy nội địa; cùng với đó, địa phương thực hiện chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ nhà đầu tư.
Trưởng phòng Quản lý đô thị H.Nhơn Trạch Trần Thu Hạnh cho rằng, để mở ra cơ hội phát triển ngành dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu và logistics của H.Nhơn Trạch, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã có chủ trương đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông có tính chất kết nối vùng và liên vùng, đó là: đường liên cảng Phú Hữu - Phước Khánh dọc sông Đồng Nai; đường 319 nối dài từ cảng Phước An qua các KCN đến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường nối từ vành đai 3 đến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành…
Ngoài ra, huyện còn xây dựng kế hoạch đầu tư mới, nâng cấp và mở rộng nhiều tuyến đường hiện hữu. Các tuyến đường này có kế hoạch triển khai trước hoặc cùng với xây dựng cảng Phước An và KCN dịch vụ hậu cần cảng Phước An. Riêng với các dự án của Trung ương trên địa bàn, huyện chủ động giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để chủ đầu tư khởi công và hoàn thành đúng kế hoạch.
Theo Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Lương Hữu Ích, định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 của tỉnh là H.Nhơn Trạch không phát triển thêm các cụm, KCN mà thu hút đầu tư có chọn lọc vào 1 cụm và 9 KCN đã được quy hoạch. Các dự án huyện ưu tiên lựa chọn thuộc ngành nghề mũi nhọn, thân thiện môi trường và phù hợp định hướng phát triển kinh tế công nghiệp của huyện.
Cũng theo lãnh đạo huyện, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, hằng năm, huyện tổ chức đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc. Cùng với đó là đổi mới và xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp; đào tạo và có chính sách thu hút lao động chất lượng cao cho các ngành dịch vụ mới.
Hoàng Lộc