Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng các dự án liên kết trong sản xuất nông nghiệp

10:05, 26/05/2021

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, thời gian qua, H.Trảng Bom đã chú trọng xây dựng và phát triển các dự án, chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, thời gian qua, H.Trảng Bom đã chú trọng xây dựng và phát triển các dự án, chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.

Hơn 3,6 ngàn ha chuối trên địa bàn H.Trảng Bom chưa hình thành được hợp đồng liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Ảnh: H.Lộc
Hơn 3,6 ngàn ha chuối trên địa bàn H.Trảng Bom chưa hình thành được hợp đồng liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Ảnh: H.Lộc

* 2 cánh đồng lớn, 12 chuỗi liên kết

Theo báo cáo của UBND H.Trảng Bom, trên địa bàn hiện có 2 cánh đồng lớn và 12 chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Các mô hình này đã tạo được mối liên kết ổn định giữa người sản xuất hàng hóa và doanh nghiệp thu mua sản phẩm; góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và hoàn thiện các hạ tầng cơ sở vùng nông thôn.

Vùng đất khô hạn, cằn cỗi xã An Viễn trước đây là vùng trồng điều lớn của tỉnh. Từ khi triển khai dự án Cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây ca cao xen điều, vùng đất này đang dần thay đổi, thu nhập của nông dân ngày càng cao.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo H.Trảng Bom về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giữa tháng 5 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, thời gian qua, H.Trảng Bom có nhiều nỗ lực xây dựng, phát triển các dự án, chuỗi liên kết trong nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhưng nhiều sản phẩm chủ lực của địa phương như: chuối, bưởi chưa hình thành được hợp đồng liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Huyện phải rà soát lại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; gỡ vướng đầu ra ở các chuỗi, dự án liên kết; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và tổ chức lại sản xuất, phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị nông sản.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Viễn Đường Minh Giang cho biết, thực hiện dự án này, huyện đã đầu tư mới 4 tuyến đường giao thông, 2 đường điện trung thế, 5 đường điện hạ thế và 3 trạm biến áp để phục vụ tưới tiêu và vận chuyển nông sản. Ngoài ra, huyện hỗ trợ nông dân 30% kinh phí mua cây giống, 30% chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Hiện HTX phát triển được khoảng 500ha ca cao xen điều. Sản phẩm ca cao được Công ty TNHH Bamboo Agriculture ký hợp đồng thu mua với giá 6,2 ngàn đồng/kg; trong đó, nông dân thực nhận 6 ngàn đồng, 200 đồng bớt lại trang trải các chi phí như hội thảo, liên hoan tổng kết năm. Đối với điều, HTX thu mua và ký hợp đồng tiêu thụ với một công ty ở H.Long Thành với giá sàn 18 ngàn đồng/kg.

Một dự án liên kết chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp khác cũng được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân là Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại các xã: Bàu Hàm, Sông Thao, Cây Gáo…

Ông Ngô Thái Thọ (ngụ xã Bàu Hàm) có 3ha bưởi da xanh cho hay, trước khi tham gia dự án, ông sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không có kế hoạch, năng suất đạt cao (25 tấn/ha/năm) nhưng cây suy kiệt, chi phí bỏ ra nhiều. Khi tham gia dự án, ông ưu tiên sử dụng phân hữu cơ (phân bò, phân chim cút), thuốc bảo vệ thực vật sinh học và điều tiết liều lượng dùng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn nên đạt được cả 3 mục đích: năng suất (25-27 tấn/ha/năm), chất lượng (kiểm định không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật), lợi nhuận (tăng khoảng 30%). Sản phẩm được thương lái mua tại vườn.

Các chuỗi liên kết khác như: chuỗi liên kết ca cao tại xã Trung Hòa của Tổ hợp tác ca cao Trung Hòa; chuỗi liên kết cây điều tại xã Tây Hòa của Tổ hợp tác điều Tây Hòa; 2 chuỗi liên kết nấm tại xã Sông Trầu cũng thu hút được nhiều nông dân tham gia. Các dự án liên kết chăn nuôi do doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hợp tác với nông dân.

* Tính toán chuyện bền vững

Mặc dù được đánh giá là khá hiệu quả, góp phần hình thành nên các vùng sản xuất tập trung để tạo ra lượng hàng hóa nhiều và đồng đều, thuận tiện kêu gọi các nhà đầu tư, tuy nhiên một số dự án liên kết trong nông nghiệp trên địa bàn H.Trảng Bom chưa phát huy được hiệu quả, bị đứt gãy chuỗi. Điển hình như dự án Sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Thời điểm triển khai dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP và liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ (năm 2017), trên địa bàn xã Thanh Bình có hơn 820ha tiêu, xã Cây Gáo có hơn 230ha. Hiện tại, dự án đã kết thúc (từ cuối năm 2020) nhưng trên địa bàn 2 xã chỉ còn vài chục ha tiêu.

Ông Hoàng Văn Lập, Tổ trưởng Tổ hợp tác tiêu Thanh Bình cho biết, đây là dự án chuyển giao khoa học công nghệ của Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ. Chủ dự án chỉ hỗ trợ tập huấn kỹ thuật chăm sóc cho nông dân trồng chứ không hỗ trợ đầu ra. Khi giá tiêu xuống thấp, người dân chán nản chặt bỏ hết. “Tôi tham gia dự án để mong nhận được chứng nhận GlobalGAP. Nhưng cách đây 2 năm, tôi phải chặt bỏ tiêu để trồng chuối vì giá quá thấp, đầu ra không có, đơn vị chuyển giao dự án không có hỗ trợ gì” - ông Lập chia sẻ.

Đại diện Hội Nông dân xã Thanh Bình cho hay, thời gian qua, có nhiều đơn vị đề xuất làm dự án nông nghiệp trên địa bàn, có đơn vị tâm huyết, nhiệt tình nhưng cũng có đơn vị đề xuất làm dự án với mục đích bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây con giống với giá cao. Xã khuyến khích phát triển các dự án chuyển đổi cây trồng nhằm tăng thu nhập cho nông dân, đầu ra ổn định của sản phẩm nhưng yêu cầu phải thông qua chính quyền, có cam kết tiêu thụ sản phẩm và do đơn vị có uy tín thực hiện.

Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình cho rằng, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia. Song, thực tế hiện nay, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ còn nhiều hạn chế. “Tôi có liên kết tiêu thụ nông sản với nông dân nhưng thực tế liên kết này chưa bền vững, dễ đứt gãy. Khi đắt hàng, nông dân đem bán cho thương lái, đến khi dội hàng thì gọi HTX đến mua” - ông Hùng chia sẻ.

Phòng Kinh tế H.Trảng Bom cho rằng, khó khăn trong việc triển khai các dự án liên kết nông nghiệp là tốc độ công nghiệp hóa trên địa bàn nhanh, nhiều nông dân không mặn mà với việc sản xuất nông nghiệp; các dự án thuộc dạng chuyển giao, nghiên cứu chưa có kết nối đầu ra; nông dân vẫn còn tư duy thích sản xuất theo nhu cầu thị trường, bán sản phẩm cho thương lái.  

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều