Cánh đồng xã Lang Minh là vùng trũng của H.Xuân Lộc. Trước đây, người dân thường trồng 2-3 vụ lúa/năm, nhưng năng suất vụ đông - xuân không cao do thường xuyên thiếu nước.
Cánh đồng xã Lang Minh là vùng trũng của H.Xuân Lộc. Trước đây, người dân thường trồng 2-3 vụ lúa/năm, nhưng năng suất vụ đông - xuân không cao do thường xuyên thiếu nước.
Nông dân ấp Đông Minh, xã Lang Minh thu hoạch cây bắp. Ảnh: H.Lộc |
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với biến đổi khí hậu, mô hình trồng lúa bắp kết hợp được hình thành và đem lại hiệu quả vượt trội với thu nhập lên đến 200 triệu đồng/ha/năm.
* Thành công nhờ chuyển đổi cây trồng
Những ngày này, bà con nông dân xã Lang Minh đang bước vào vụ thu hoạch đông - xuân. Đây là vụ bắp lớn nhất trong năm với diện tích lên đến hơn 700ha. Năm nay, bắp trúng mùa, trúng giá nên ai nấy đều phấn khởi.
Ông Nông Văn Quý, ấp Đông Minh, người gắn bó với cánh đồng này hơn 30 năm cho biết, trung bình 1ha bắp cho 10-12 tấn hạt/vụ. Nếu trồng được 2 vụ bắp, thu nhập bình quân khoảng 160-180 triệu đồng, cộng thêm 1 vụ lúa khoảng 30 triệu đồng nữa, trừ công và các chi phí đầu vào còn lời khoảng 160 triệu đồng. Trong khi trước đây trồng lúa đơn thuần, năng suất tối đa chỉ đạt khoảng 6 tấn/vụ/ha. Nếu trồng được 2 vụ thuận lợi, thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm. Có năm, nông dân không thể xuống giống hoặc có xuống giống nhưng không được thu hoạch lúa vì thiếu nước.
Vụ đông - xuân 2021, xã Lang Minh trồng hơn 700ha bắp. Nhờ thời tiết thuận lợi, hệ thống thủy lợi đảm bảo, năng suất bắp đạt 60-70 tấn/ha (loại trồng lấy cây) và 10-12 tấn/ha (đối với bắp lấy hạt). Sản phẩm đang được bán cho các trang trại chăn nuôi, thương lái với giá bán bình quân 950 ngàn đồng/tấn bắp cây và 7,5 triệu đồng/tấn bắp, sau khi trừ chi phí nông dân thu lời 40-60 triệu đồng/vụ, gấp 2-2,5 lần so với trồng lúa. |
“Trồng bắp có lợi hơn nhiều so với trồng lúa, không chỉ tiết kiệm được công chăm bón, chi phí thuốc trừ sâu mà còn né được tình trạng khô hạn vụ đông - xuân. Tuy nhiên, tôi không trồng bắp hoàn toàn mà duy trì 2 vụ bắp 1 vụ lúa vì mùa mưa ngập nước, trồng bắp không hiệu quả. Việc luân phiên cây trồng cũng góp phần cải tạo đất, tăng năng suất cho vụ sau” - ông Quý nói.
Ông Nguyễn Văn Thái, ấp Tân Bình nhớ lại, lúc mới thực hiện chuyển đổi từ cây lúa sang cây bắp để tránh hạn, ai cũng lo lắng. Vụ đầu tiên, cả xã trồng được khoảng 100ha bắp nhưng không liền ruộng, chủ yếu đất ruộng của đảng viên, những người làm công tác xã hội ở xã, ấp. Đến kỳ thu hoạch, năng suất bắp bình quân đạt 9-10 tạ/sào, tính ra lợi hơn lúa. Thế là mô hình 2 vụ lúa 1 vụ bắp/năm, rồi 2 vụ bắp 1 vụ lúa/năm ra đời, kinh tế gia đình ông dần dần khá lên.
Ông Lại Quốc Tặng, Phó chủ tịch UBND xã Lang Minh cho biết, vụ đông - xuân năm nay, nhờ lượng nước từ đập dâng Lang Minh và đập dâng hồ Gia Măng mới đi vào hoạt động năm 2020 nên không xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất như những năm trước. Diện tích gieo trồng cây ngắn ngày toàn xã đạt 730/730ha, trong đó cây bắp chiếm hơn 710ha. Khoảng 50% diện tích trồng bắp bán cây cho các trang trại, HTX làm thức ăn cho gia súc, 50% còn lại trồng bắp lấy hạt bán cho Công ty TNHH TMDV Sản xuất chăn nuôi Thanh Đức, một số doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm trên địa bàn, các thương lái trong và ngoài huyện.
Cũng theo ông Tặng, trước đây khi còn sản xuất 2-3 vụ lúa/năm nông dân chủ yếu lấy công làm lời, lợi nhuận không đáng kể. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phòng và chống hạn, mô hình 2 vụ lúa 1 vụ bắp, 2 vụ bắp 1 vụ lúa, thậm chí 3-4 vụ bắp được hình thành và đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Xã đã thành lập CLB Năng suất bắp cao, Tổ Điều phối thủy lợi. Hằng năm, xã đều có kế hoạch gieo trồng, kế hoạch lấy nước và thông tin cụ thể đến bà con nông dân lịch xuống giống đồng loạt.
* Giữ vùng chuyên canh lúa, bắp
Mặc dù cây bắp đã và đang đem lại hiệu quả thấy rõ, tuy nhiên, tại cánh đồng Lang Minh mỗi năm vẫn có hàng ngàn ha lúa được trồng ở vụ hè - thu (khoảng 400ha) và xen bắp ở các vụ khác trong năm.
Ông Trần Sơn Kim, Chủ tịch UBND xã Lang Minh cho rằng, cây bắp vừa có hiệu quả kinh tế vừa góp phần tiết kiệm nước tưới lại có đầu ra ổn định, tuy nhiên, vì cánh đồng Lang Minh nằm trong vùng quy hoạch trồng lúa nước (bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế chuyển đổi) của tỉnh nên khoảng 400ha vẫn được luân phiên trồng lúa. Xã khuyến cáo người dân trồng các giống lúa có năng suất vào vụ hè - thu vì mùa này mưa nhiều, nước từ các nơi dồn về cánh đồng, không thích hợp trồng các loại cây khác. Một số vùng trũng nông dân vẫn duy trì trồng 2-3 vụ lúa/năm để giữ đất lúa và góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
Theo ông Kim, hiện hệ thống tưới, tiêu nước trên cánh đồng Lang Minh cơ bản ổn định. Để giữ vùng quy hoạch đất lúa, xã chỉ cho phép chuyển đổi sang trồng 3-4 vụ bắp/năm hoặc hoa màu (cây ngắn ngày) đối với diện tích đất nền cao, nguồn nước thủy lợi chưa phủ đến và diện tích trồng lúa không hiệu quả. Không cho trồng cây ăn quả, cây lâu năm trên đất lúa.
Chia sẻ thêm về mô hình lúa bắp, ông Kim cho rằng, cây lúa hiệu quả kinh tế thấp hơn nhưng phù hợp với đặc điểm cánh đồng của xã. Cây bắp tuy có hiệu quả kinh tế hơn, nhưng đầu ra chưa bền. “Hiện tại, bắp thu hoạch đến đâu HTX và thương lái địa phương mua đến đó, tuy nhiên giữa người mua và người bán không có bất kỳ hợp đồng, cam kết nào. Giá cả bấp bênh và phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Tới đây, xã sẽ thành lập chuỗi liên kết cây bắp để người nông dân yên tâm sản xuất. Điều này cũng phù hợp với xu hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ” - ông Kim cho hay.
Ông Nông Văn Quý, ấp Đông Minh chia sẻ, trăn trở lớn nhất của nông dân hiện nay là đầu ra cho nông sản. “Lúc trước tôi bán bắp cho một thương lái địa phương. Họ tự thu hoạch, tự chở bắp đi cân và đưa biên lai về. Một lần, tôi đề nghị đi theo xe đến điểm cân để kiểm tra, họ ngưng không mua bắp nữa. Nếu có đơn vị đứng ra bao tiêu đầu ra với mức giá ổn định, mua bán minh bạch thì quá tốt” - ông Quý cho hay.
Hoàng Lộc