Cẩm Mỹ là một trong 3 huyện được chọn thực hiện dự án Liên kết trồng, tiêu thụ cà phê (gọi tắt là dự án Cà phê 4C). Mặc dù được hỗ trợ chi phí đầu tư, được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường, nhưng thời gian gần đây, nhiều nông dân đã không còn mặn mà với cây cà phê, chính quyền cũng đang xin hủy bỏ dự án.
Cẩm Mỹ là một trong 3 huyện được chọn thực hiện dự án Liên kết trồng, tiêu thụ cà phê (gọi tắt là dự án Cà phê 4C). Mặc dù được hỗ trợ chi phí đầu tư, được bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường, nhưng thời gian gần đây, nhiều nông dân đã không còn mặn mà với cây cà phê, chính quyền cũng đang xin hủy bỏ dự án.
Ông Khương Lê Minh (ấp 4, xã Xuân Quế) chặt 8 sào cà phê thuộc dự án Cà phê 4C vì không hiệu quả. Ảnh: H.Lộc |
Nguyên nhân là do hiệu quả kinh tế của cây cà phê không cao như các loại cây trồng khác, công tác thu mua nhiều bất cập.
* Hiệu quả kinh tế thấp
Trước đây, H.Cẩm Mỹ là địa phương trồng cây cà phê lớn của tỉnh. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, năng suất cây giảm, mất giá liên tiếp, nhiều nông dân chặt bỏ cây cà phê làm diện tích trồng cà phê trên địa bàn huyện giảm mạnh.
Ông Khương Lê Minh (ấp 4, xã Xuân Quế) có 0,8ha cà phê. Khoảng 5 năm trước, ông được chính quyền hỗ trợ hơn 20 triệu đồng làm hệ thống tưới nước tiết kiệm và 3,2 tạ phân hữu cơ vi sinh, được tạo điều kiện đi học nhiều buổi về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cà phê, được triển khai chương trình thu mua với mức giá cộng thêm 300 đồng/kg cho các hộ gia đình tham gia dự án… Thế nhưng, sau vụ thu hoạch cuối năm 2020, ông Khương chặt bỏ toàn bộ cây cà phê trên 10 năm tuổi.
Năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt dự án Xây dựng cánh đồng lớn cà phê 4C tại 3 huyện: Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc với tổng diện tích trên 600ha với mục tiêu tạo ra những vùng chuyên canh cà phê với sản lượng hàng hóa lớn, đạt chất lượng cao nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều chính sách ưu đãi cho nông dân đã được triển khai. Nhưng hiện tại, nhiều nông dân không còn mặn mà với cây cà phê, chính quyền H.Xuân Lộc, Cẩm Mỹ xin bỏ dự án. |
Ông Khương cho biết, với 0,8ha cà phê, mỗi năm ông thu gần 1 tấn hạt. Với giá bán khoảng 5 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí phân, thuốc, công hái, ông lời hơn 10 triệu đồng. Do đó, ông quyết định chặt cây cà phê để trồng sầu riêng. “Mặc dù rất tiếc nhưng tôi phải chặt cà phê vì hiệu quả kinh tế quá thấp. Gần 1ha cà phê mỗi năm chỉ lời hơn 10 triệu đồng, thì chỉ bằng đi hái cà phê mướn trong 2 tháng” - ông Khương nói. Cũng theo ông Khương, mặc dù là hộ tham gia dự án cà phê 4C nhưng ông chưa từng bán sản phẩm cho HTX. Lý do là phải thu hoạch, ủ, phơi, chà hạt theo quy trình rất mất công, xong vụ thu hoạch HTX mới thanh toán tiền.
Gia đình bà Đỗ Thị Vi (ấp Suối Râm, xã Xuân Quế) trước đây có 2ha cà phê nay chỉ còn 0,4ha. Vụ cà phê năm 2020 bà thu hoạch được 4 tạ, bán giá 5,6 ngàn đồng/kg, tính ra lỗ công hái. “Tôi giữ lại 0,4ha cà phê không phải vì hiệu quả kinh tế mà phần diện tích này nằm dưới đường dây điện trung thế, không trồng cây ăn quả thân cao được” - bà Vi chia sẻ.
Khoảng 1 tháng trước, gia đình anh Lê Sỹ (ấp Suối Râm, xã Xuân Quế) cũng chặt bỏ 0,5ha cà phê thuộc dự án Cà phê 4C. Theo anh Sỹ, năng suất kém, giá thấp, công thu hoạch cao là lý do khiến nông dân không còn mặn mà với cây cà phê. “Trước đây, tôi trồng cà phê vì vùng này khô hạn, không có nước tưới. Tôi dự định sẽ xuống giống sầu riêng thái vào mùa mưa tới” - ông Sỹ cho hay.
* Xin hủy bỏ dự án
Ông Võ Hồng Hạnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quế cho biết, cà phê từng là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của bà con nông dân trên địa bàn xã. Thế nhưng gần đây, loại cây này lại mất mùa, mất giá liên tục khiến đời sống bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Thời điểm triển khai dự án Cà phê 4C, xã Xuân Quế có trên 60ha, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 13ha, đa phần xen canh với các loại cây khác chứ không thuần cây cà phê như trước.
Tại xã Xuân Tây, nhiều diện tích cây cà phê trong vùng dự án cũng dần bị thu hẹp thay thế cho các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn như: bưởi da xanh, sầu riêng, bơ, chôm chôm thái, tiêu hữu cơ, rau màu.
Anh Lê Văn Tình (xã Xuân Tây) trước đây trồng cà phê (nay đã chuyển sang trồng bơ) chia sẻ, giá cả và đầu ra cho nông sản là 2 vấn đề trăn trở nhất của nông dân. Với nông dân trồng cà phê, mặc dù được bao tiêu đầu ra với mức giá cao hơn giá thị trường 300 đồng/kg nhưng không mặn mà với dự án vì năng suất kém, hiệu quả kinh tế không có, quy trình thu mua không linh hoạt. Anh Tình nêu ví dụ, nếu bán cà phê cho HTX, nông dân phải chờ chuỗi hạt chín đỏ trên 90% mới thu hoạch, hái xong phải phơi ngay để hạt không bị ngả màu nâu đậm, sau khi mùa vụ kết thúc HTX mới trả tiền. Còn nếu bán cho thương lái, nông dân được ứng trước tiền phân, thuốc, được bán hạt tươi hoặc phơi khô.
Theo Trưởng phòng NN-PTNT H.Cẩm Mỹ Ngô Hữu Phụng, trước khi triển khai dự án cánh đồng lớn cà phê 4C, H.Cẩm Mỹ có khoảng 6 ngàn ha cà phê. Năm 2015, UBND tỉnh phê duyệt dự án cánh đồng lớn cà phê trên 3 huyện, trong đó H.Cẩm Mỹ có các xã Xuân Quế, Xuân Tây với quy mô hơn 100ha, 105 hộ tham gia. Những năm gần đây, giá cà phê xuống thấp, nhiều diện tích già cỗi cho năng suất thấp nên nhiều nông dân đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Hiện diện tích cà phê trong vùng dự án chỉ còn lại 28ha (giảm 73%), 53 hộ. Trong đó, xã Xuân Quế còn khoảng 13ha, xã Xuân Tây còn khoảng 15ha, không đáp ứng được điều kiện phải có từ 50ha trở lên của dự án Cà phê 4C.
Trước thực tế đó, Phòng NN-PTNT huyện đã tham mưu UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh và Sở NN-PTNT bỏ dự án Cánh đồng lớn cà phê 4C trên địa bàn H.Cẩm Mỹ, cho phát triển đa dạng hóa cây trồng theo định hướng chung của huyện và quy hoạch từng vùng. Trong đó, tập trung phát triển các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có lợi thế, tiềm năng xuất khẩu và chế biến, đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho cụm công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh quy hoạch trên địa bàn huyện.
Hoàng Lộc