Vài năm trở lại đây, các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và văn hóa ở H.Long Thành được đầu tư khai thác.
Vài năm trở lại đây, các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và văn hóa ở H.Long Thành được đầu tư khai thác.
Các em học sinh trải nghiệm chăm sóc rau tại Nông trại Cuộc sống xanh (xã Tân Hiệp). Ảnh: B.Mai |
Nhờ lợi thế về địa lý, đa dạng đặc sản địa phương kết hợp với hướng đi đúng đắn, các điểm du lịch xanh ở đây ngày càng quen thuộc với du khách thập phương, đem lại nguồn thu đáng kể.
* Green Life Farm - trồng trọt thực nghiệm
Nhận thấy mô hình giáo dục thực nghiệm ngày càng được nhiều gia đình, trường học quan tâm, năm 2017, ông Hồ Quế Vân (xã Tân Hiệp, H.Long Thành) quyết định cải tạo mảnh vườn 2ha của gia đình làm trang trại nông nghiệp với tên gọi Cuộc Sống Xanh (Green Life Farm). Đây là nông trại đầu tiên và quy mô nhất hiện nay ở Đồng Nai hướng đến phục vụ nhu cầu học thực nghiệm cho đối tượng học sinh, sinh viên, chủ yếu là khối từ mầm non đến THCS.
Sau nhiều lần mở rộng, nâng cấp, nông trại hiện có quy mô 5ha, được chia thành 13 phân khu chức năng. Trong đó có khu phục vụ nhu cầu học thực nghiệm cho học sinh, sinh viên như: xới đất, trồng lúa, bón phân, chăm sóc rau; khu vực trò chơi vận động nâng cao tinh thần đồng đội như: đấu trường súng nước, vượt chướng ngại vật, kéo co, bịt mắt bắt vịt, be mương bắt cá. Không gian ẩm thực và nghỉ ngơi có hệ thống nhà lá, nhà ăn cùng lúc phục vụ khoảng 1,2 ngàn người; chợ quê chuyên bán đặc sản của địa phương và sản phẩm của nông trại.
Ông Vân chia sẻ, từng có nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục, ông nhận thấy mô hình Giáo dục thực nghiệm rất cần thiết với học sinh, sinh viên. Green Life Farm ra đời nhằm mục đích tạo môi trường giúp cho những bài học lý thuyết bớt khô cứng, giúp các bạn nhỏ tìm hiểu công việc thường nhật của người nông dân, từ đó biết trân trọng thực phẩm ăn hằng ngày. Thông qua buổi học thực nghiệm đầy thú vị, thầy cô, gia đình có thể đánh giá khả năng quan sát, tư duy ngôn ngữ và hành vi của học sinh, con em mình.
Ở nông trại, từng tiểu cảnh, mô hình, con đường đều hướng đến truyền đạt thông điệp tốt đẹp, đức tính tốt cho học sinh. Chẳng hạn như: đại lộ Nhân Văn, đường Vị Tha, đường Yêu Thương, đường Khám Phá, đường Trải Nghiệm…
Ông Vân cho biết, để quảng bá cho mô hình giáo dục thực nghiệm mới mẻ này, nông trại đã kết nối với các công ty dịch vụ du lịch - lữ hành, các trung tâm anh ngữ, nhà thiếu nhi, các trường học trong và ngoài tỉnh giới thiệu điểm đến, các loại hình dịch vụ cũng như tìm hiểu thêm nhu cầu trải nghiệm của các nhóm đối tượng, từ đó có sự điều chỉnh phù hợp. “Sắp tới, nông trại sẽ có thêm các buổi huấn luyện kỹ năng sống cho học sinh như: kỹ năng sinh tồn, ứng phó khi đi lạc, thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn, sự cố; phòng chống xâm hại, bắt cóc trẻ em; hướng dẫn phân loại rác thải và làm vật liệu tái chế để hạn chế ô nhiễm môi trường và kết nối với Nhà văn hóa dân tộc S’tiêng trên địa bàn xã làm điểm tham quan...” - ông Vân chia sẻ.
Vào thời điểm trước dịch Covid-19 xảy ra, trung bình mỗi ngày, Green Life Farm đón khoảng 2 ngàn lượt học sinh, phụ huynh đến tham quan, trải nghiệm. “Green Life Farm đang dần trở thành điểm đến ngoại khóa yêu thích của nhiều trường học, trung tâm giáo dục, trung tâm ngoại ngữ không chỉ ở Đồng Nai mà còn từ các tỉnh, thành lân cận” - chủ nông trại cho hay.
* Du lịch trang trại sôi động
Ngoài Green Life Farm, ở H.Long Thành còn khá nhiều mô hình du lịch cộng đồng gắn với các trang trại nông nghiệp như: HTX Nông nghiệp xanh (xã Lộc An) cho học sinh thực nghiệm trồng rau mầm; Trang trại bò sữa Năm Trí (xã Lộc An) cho học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu quy trình chăm sóc, lai tạo bò giống, vắt và chưng cất sữa truyền thống; HTX Nông sản sạch Bàu Tre (xã Bình Sơn) bán vé cho du khách vào vườn thưởng thức trái cây khi đến mùa…
Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh chia sẻ, HTX đã chuẩn bị đất, khu nghỉ ngơi, nhân sự để triển khai mô hình thực nghiệm trồng rau mầm cho học sinh các trường trên địa bàn. Theo đó, các em sẽ tự tay làm đất, gieo hạt theo sự hướng dẫn, HTX chăm sóc mỗi ngày, đến kỳ các em quay lại thu hoạch và được mang sản phẩm về nhà.
Mặc dù được một đơn vị đặt vấn đề bao tiêu sầu riêng sạch với giá hơn 100 ngàn đồng/kg nhưng bà Đỗ Thị Thơm, Giám đốc HTX Nông sản sạch Bàu Tre lại chọn cách tự bán. Theo bà Thơm, đơn vị liên hệ chỉ muốn mua đặc sản sầu riêng Long Thành, trong khi đó, HTX còn có chôm chôm, măng cụt, bơ, gà thả vườn đều rất ngon. Việc đầu tư mô hình du lịch sinh thái này sẽ giúp HTX quảng bá được sản phẩm đến người tiêu dùng tốt hơn, bán được nhiều sản phẩm hơn cho du khách thưởng thức tại chỗ và mua về làm quà.
Bên khu đất 15ha nằm sát sườn khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đang sắp hình thành khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, ông Võ Hữu Thời (xã Lộc An) cho biết, công trình đã khởi động được hơn 1 năm. Dự kiến, năm 2022 sẽ hoàn thiện mảng du lịch sinh thái và năm 2025 sẽ đưa vào hoạt động khu nghỉ dưỡng cao cấp, cùng thời điểm giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động. Dự án do cá nhân ông đầu tư khoảng 45-50 tỷ đồng.
“Sau này, người dân về khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn sinh sống, thêm vào đó một lượng lớn chuyên gia, kỹ sư, nhân viên phục vụ sân bay về đây sống và làm việc thì nhu cầu dịch vụ, đặc biệt là giải trí, nghỉ dưỡng tại chỗ sẽ phát sinh. Tôi đầu tư ngay từ bây giờ, đến khi đó khai thác là vừa” - ông Thời chia sẻ.
Trong quá trình đầu tư dự án, ông Thời duy trì trang trại heo, nuôi yến, kết hợp với dịch vụ câu cá giải trí để có thêm nguồn thu. Cao điểm, mỗi ngày ao cá của ông Thời đón hàng trăm lượt người, chủ yếu là công nhân đến câu cá giải trí.
Ông Thời cho biết, dịch vụ du lịch sinh thái xanh của trang trại đã được địa phương chọn là sản phẩm, dịch vụ OCOP, tương lai, ông sẽ kết nối với các hộ nông dân, HTX nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đưa sản phẩm thế mạnh của địa phương vào khu du lịch sinh thái nhằm đa dạng hóa sản phẩm và kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn thành tour.
Ban Mai