Nhờ nguồn nước ổn định từ các công trình thủy lợi, nhiều hộ dân ở xã Sông Ray đã phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nhờ nguồn nước ổn định từ các công trình thủy lợi, nhiều hộ dân ở xã Sông Ray đã phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ao cá được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP của ông Ngô Bá Hóa, ấp 10, xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ. Ảnh: B.Mai |
Mô hình này đang mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại xã vùng xa của huyện Cẩm Mỹ.
* Tận dụng lợi thế tự nhiên
Từ lâu, xã Sông Ray được biết đến là vùng trồng cây dâu tằm và lúa nước lớn nhất H.Cẩm Mỹ. Nhờ lợi thế tự nhiên, định hướng phát triển của địa phương, cùng với sự thích ứng của người dân, một nghề mới đã hình thành và đang phát triển đó là nuôi cá nước ngọt trong ao.
Ông Ngô Bá Hóa (ấp 10), hộ nuôi cá lớn nhất xã Sông Ray cho biết, trước đây, người dân sinh sống ven sông, suối đã biết tận dụng nguồn nước để nuôi cá. Tuy nhiên, do nguồn nước không ổn định, nuôi nhỏ lẻ và không tuân theo quy trình kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế rất thấp. Từ khi các công trình thủy lợi dẫn nước từ các con suối và hồ chứa trên sông Ray về đồng ruộng đi vào hoạt động ổn định (năm 2016), nghề nuôi cá ao cũng phát triển mạnh. Đơn cử như gia đình ông, từ vài sào đất ruộng cải tạo lại, đến nay đã phát triển được 3,5ha ao nuôi các loại cá: rô phi, trôi, chép với sản lượng trung bình 60 tấn/năm, lợi nhuận 300 triệu đồng/năm.
Cũng thành công với mô hình nuôi cá nước ngọt trong ao, ông Đỗ Đăng Sỹ (ấp 10) cho hay, tận dụng nguồn nước dẫn về các vùng sản xuất nông nghiệp, ông và nhiều hộ gia đình trong xã đã đào ao nuôi cá. “Mô hình nuôi cá nước ngọt đem lại hiệu quả kinh tế hơn hẳn cây lúa và nhiều loại cây trồng khác. Trung bình mỗi năm tôi thu lợi khoảng 250 triệu đồng từ 3ha ao nuôi cá” - ông Sỹ cho hay.
Theo thống kê, hiện tại, xã Sông Ray có gần 400 hộ nuôi cá nước ngọt trong ao với tổng diện tích 70ha. Lợi nhuận trung bình từ 70-100 triệu đồng/ha/năm.
Bà Bùi Thị Liên, Phó chủ tịch UBND xã Sông Ray cho rằng, nghề nuôi cá trong ao đang mở ra hướng đi mới cho hàng trăm hộ dân và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn xã. “Để hỗ trợ các hộ nuôi cá, xã đã mở các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi cho bà con. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng làm cầu nối để hỗ trợ nông dân vay vốn đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi” - bà Liên nói.
* Nhân rộng mô hình nuôi cá VietGAP
Nhờ sự quan tâm và định hướng phát triển của chính quyền địa phương, nhiều hộ nuôi cá ở Sông Ray đã chuyển từ hình thức nuôi truyền thống sang hướng VietGAP để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Là người tiên phong chuyển sang mô hình nuôi cá theo quy trình kỹ thuật VietGAP, bà Đồng Thị Hường (ấp 10) cho biết, so với cách nuôi truyền thống, mô hình nuôi cá VietGAP cho cá ăn lượng cám vừa phải, định kỳ cho nước ở ngoài kênh mương vào ao; sau mỗi đợt thu hoạch không thả cá giống ngay mà phải khử trùng ao nuôi bằng vôi bột, phơi bùn khoảng 2 tuần để hạn chế mầm bệnh cho cá. Hiện tại ao nuôi có diện tích mặt nước gần 5ha của bà Hường cho thu hoạch 35-40 tấn cá lóc/năm. Với giá bán trung bình 50 ngàn đồng/kg, bà Hường thu về hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận khoảng 1/3.
“Tôi có kinh nghiệm nuôi cá ao từ trước nên chuyển sang mô hình VietGAP không gặp nhiều khó khăn. Cám có công ty chở đến tận nơi, kỹ thuật có cán bộ xuống hướng dẫn, thương lái tự lên lịch thu hoạch cá, rất tiện lợi. Tôi đang đầu tư bể tự sản xuất con giống phục vụ cho gia đình và cung cấp cho các hộ nuôi trong vùng” - bà Hồng chia sẻ kế hoạch.
Cũng là hộ được chứng nhận chăn nuôi theo quy trình sạch, ông Ngô Bá Hóa cho biết, trước đây, đầu ra và giá của cá rất bấp bênh. Từ khi chuyển sang mô hình nuôi cá VietGAP, gia đình ông và nhiều hộ khác trong xã được công ty chế biến thủy hải sản xuất khẩu ở tỉnh Tiền Giang đến thu gom. Ngoài ra, các thương lái trong và ngoài tỉnh đến đặt hàng đưa về chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (TP.HCM) tiêu thụ.
Ông Vũ Hồng Quảng, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi cá VietGAP xã Sông Ray, cho biết, đã có 11 thành viên với hơn 10ha ao nuôi được chứng nhận đủ tiêu chuẩn VietGAP. Theo đánh giá của tổ hợp tác, nuôi theo quy trình VietGAP ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, tiết kiệm được lượng thức ăn và quan trọng hơn là đầu ra ổn định, giá cao hơn. “Hiện tại, nhiều hộ dân đang áp dụng nuôi cá theo quy trình kỹ thuật GAP. Chúng tôi hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc cá, chừng nào được chứng nhận tiêu chuẩn GAP chúng tôi mới tiến hành kết nạp tổ viên” - ông Quảng cho hay.
Bà Bùi Thị Liên, Phó chủ tịch UBND xã Sông Ray cho biết thêm, hiện tại địa phương đã thành lập được 1 tổ hợp tác nuôi cá sạch ở ấp 10. Tới đây sẽ thành lập tổ hợp tác nuôi cá ở các ấp khác và liên kết các tổ để thành lập HTX. “Mô hình nuôi cá sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, chúng tôi đang khuyến khích người dân chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp sạch để có sản phẩm chất lượng, đầu ra tốt hơn” - bà Liên nói.
Ban Mai