Lâu nay, việc giao thương vận chuyển hàng hóa, nông sản trên địa bàn xã Thanh Sơn (H.Định Quán) còn nhiều khó khăn bởi tất cả các loại xe chở hàng hóa đều phải đi bằng phà với cước phí rất cao. Do đó, mong muốn lớn nhất của người dân trong xã là có một cây cầu để phục vụ sản xuất, đi lại trong vùng.
Lâu nay, việc giao thương vận chuyển hàng hóa, nông sản trên địa bàn xã Thanh Sơn (H.Định Quán) còn nhiều khó khăn bởi tất cả các loại xe chở hàng hóa đều phải đi bằng phà với cước phí rất cao. Do đó, mong muốn lớn nhất của người dân trong xã là có một cây cầu để phục vụ sản xuất, đi lại trong vùng.
Những chuyến xe qua phà. Ảnh: N.Liên |
Đáp ứng mong mỏi ấy của người dân, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cầu Thanh Sơn. Tuy nhiên, hiện tại dự án vẫn chưa được khởi công, người dân ngày ngày mong chờ cây cầu sớm được xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con trong vùng.
* Giao thương cách trở
Kể từ khi khánh thành cây cầu treo Thanh Sơn vào năm 2016, phà Thanh Sơn cách đó không xa không còn cảnh tấp nập xe máy, xe ô tô nhỏ chờ qua phà. Tuy nhiên, các loại xe tải nặng vận chuyển hàng hóa cồng kềnh thì vẫn phải xếp hàng chờ phà qua sông.
Ông Phan Tấn Thành, kinh doanh lĩnh vực ống nước tại TT.Tân Phú thường xuyên mỗi tuần 4-5 lần chở hàng giao cho khách tại xã Thanh Sơn. Mỗi lượt đi về qua phà Thanh Sơn, ông Thành phải trả 150 ngàn đồng và tốn khoảng 15 phút cho mỗi chuyến qua sông. Ông Thành cho biết, năm 2016 khi nghe tin xã Thanh Sơn có cầu mới, nhiều người tưởng bà con sẽ được đi lại bằng cầu nhưng đó chỉ là cây cầu treo, chủ yếu phục vụ nhu cầu dân sinh và giới hạn loại xe qua cầu nên tất cả xe chở hàng vẫn phải “lụy đò”. Ông Thành chia sẻ, xã Thanh Sơn những năm gần đây phát triển rất mạnh dù còn bị “ngăn sông cách đò”. “Do đó, tôi cho rằng nếu dự án cầu sớm được triển khai sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, hơn nữa, giao thương thuận tiện thì bà con nông dân sẽ là những người hưởng lợi, có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình” - ông Thành nói.
Cũng như ông Thành, gia đình bà Hồ Thị Khanh (ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định) hiện có đất đang canh tác ở xã Thanh Sơn, bản thân gia đình bà cũng ở gần cây cầu treo Thanh Sơn và bến phà Thanh Sơn cho biết, tốc độ tăng lưu lượng giao thông giữa các địa phương khác vào Thanh Sơn thời gian gần đây khá nhanh, đặc biệt là các loại xe ô tô của hộ gia đình. Chứng kiến cảnh dịp lễ, Tết xe ô tô 4-5 chỗ và các loại xe khác xếp hàng để chờ qua cầu treo, gây cản trở giao thông, bà Khanh mong muốn cơ quan chức năng sớm triển khai dự án cầu mới để đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân.
* Mong sớm triển khai xây cầu
Hầu hết người dân xã Thanh Sơn đều mong muốn có cây cầu mới để phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn, thúc đẩy xã Thanh Sơn phát triển. Thậm chí, nhiều gia đình có đất nằm trong dự án xây dựng cầu vẫn vui vẻ chấp nhận, chỉ mong cây cầu sớm hình thành, phục vụ đi lại cho người dân.
Như trường hợp bà Lê Thị Lợi (ấp 1, xã Thanh Sơn) khi thấy cán bộ đo đạc xuống kiểm tra hiện trường, bà Lợi biết được căn nhà gia đình bà đang sinh sống rơi vào diện tích quy hoạch làm cầu với diện tích khá nhiều nhưng bà Lợi vẫn vui vẻ chấp nhận, bởi hơn ai hết bà hằng ngày chứng kiến cảnh “qua sông lụy đò”, những rủi ro tai nạn khi qua sông bằng phà.
Hay như ông Lê Trọng Xuyến (ấp Hòa Trung, xã Ngọc Định) cũng cho biết, ông sẽ vui vẻ bàn giao mặt bằng nếu dự án làm cầu Thanh Sơn có đi qua trên đất của gia đình ông. “Bà con ở đây ai cũng đồng tình ủng hộ, nhiều lần thấy cán bộ đo vẽ mà nhiều năm nay vẫn chưa thấy động tĩnh. Chúng tôi rất mong dự án sớm triển khai vì nhu cầu vận chuyển hàng hóa ra vào Thanh Sơn rất lớn và tăng lên từng ngày, nhất là mùa thu hoạch cây gỗ như hiện tại, các xe chở cây luôn chất đầy mỗi khi lên phà rất không an toàn” - ông Xuyến cho biết thêm.
Chia sẻ những mong muốn của bà con về một cây cầu mà tất cả các loại xe đều có thể lưu thông được, Chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Quang Tú cho biết, cầu Thanh Sơn không chỉ là mong muốn của bà con mà còn là nỗi trăn trở của cả lãnh đạo. “Xã Thanh Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, những năm gần đây, Thanh Sơn có sự phát triển mạnh nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Nếu vấn đề giao thông được thông suốt, Thanh Sơn có thể kết nối với với các huyện, tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, giao thông còn giúp địa phương khai thác tiềm năng du lịch, giao lưu văn hóa, xã hội, thúc đẩy phát triển toàn diện cho Thanh Sơn” - ông Tú nhận định.
Dự án cầu Thanh Sơn dự kiến khởi công vào quý III-2020, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư. Nguồn kinh phí thực hiện dự án được trích từ ngân sách tỉnh. Để dự án được triển khai sớm, tỉnh đã từng chỉ đạo các sở, ngành liên quan ưu tiên rà soát bố trí ngân sách thực hiện cây cầu trong thời gian sớm nhất. |
Thủy Mộc