Nghề làm tràm giống ở huyện Trảng Bom đã có nhiều năm nay với quy mô hàng trăm hộ, trải rộng trên nhiều xã. Từ chỗ tự phát, đến nay các cơ sở sản xuất tràm đều làm đăng ký kinh doanh và hình thành nên những vùng sản xuất tràm giống lớn. Hiện tại, tràm giống không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà cung cấp cho thị trường các tỉnh miền Trung, Tây nguyên với số lượng lớn.
Nghề làm tràm giống ở huyện Trảng Bom đã có nhiều năm nay với quy mô hàng trăm hộ, trải rộng trên nhiều xã. Từ chỗ tự phát, đến nay các cơ sở sản xuất tràm đều làm đăng ký kinh doanh và hình thành nên những vùng sản xuất tràm giống lớn. Hiện tại, tràm giống không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà cung cấp cho thị trường các tỉnh miền Trung, Tây nguyên với số lượng lớn.
Một công nhân tại cơ sở tràm giống Trung Hòa (ấp Tân Đạt, xã Đồi 61) đang kiểm tra chất lượng cây tràm giống trước khi xuất bán. Ảnh:B.Mai |
Nghề tràm giống tuy “lắm công phu” nhưng đem lại thu nhập khá và có thể thực hiện được trên vùng đất sỏi đá, khô cằn.
* Khấm khá nhờ ươm cây
Từ khoảng năm 2000 đến nay, phong trào trồng tràm để phủ xanh đất trống được nhiều nơi trong tỉnh, các tỉnh thực hiện rầm rộ. Kéo theo đó là nhu cầu cây giống tăng. Nhận thấy tiềm năng của nghề ươm cây, nhiều hộ dân ở huyện Trảng Bom đã bắt tay lập vườn tràm giống, cắt hom, ươm cây. Người có tiền thì làm vườn ươm rộng lên đến hàng hécta, người ít vốn thì tận dụng vài sào đất ngay trong vườn nhà. Chất lượng cây giống đạt, đầu ra ngày càng rộng mở khiến nông dân yên tâm làm nghề.
Theo Hội Nông dân xã Quảng Tiến, mô hình kinh tế vườn ươm mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa phương. Hiện tại trên địa bàn xã có khoảng 100 hộ làm nghề ươm cây, trong đó khoảng 50 hộ ươm cây tràm, còn lại ươm các loại cây xanh khác. Nhờ chất lượng vượt trội, giá cả hợp lý, cây tràm giống ở huyện Trảng Bom được nhiều vựa cây giống, nông dân trong và ngoài tỉnh tin tưởng lựa chọn. Nhờ đó, nghề làm tràm giống được giữ và phát triển trong nhiều năm qua. |
Anh Nguyễn Văn Trung (ấp Tân Đạt, xã Đồi 61) cho biết, gia đình anh có 3 sào đất, trước đây trồng bắp nhưng chỉ đủ ăn. Thấy bà con trong ấp ươm tràm, anh làm theo. 2 lứa đầu, do chưa có kinh nghiệm, chưa có mối bán cây nên anh bị lỗ. Vừa làm vừa học hỏi, đến nay anh Trung đã có 15 năm theo nghề. Trung bình mỗi năm cơ sở của anh bán ra thị trường khoảng 5 triệu cây giống, thu lời khoảng 200 triệu đồng.
“Lúc trước, tôi mua đọt (hom) tràm về ươm, nhưng chất lượng không đồng đều dẫn đến hao hụt nhiều, cây không khỏe mạnh. Về sau, tôi mua 3 hécta đất tại huyện Vĩnh Cửu trồng cây lấy giống. Nhờ đó lợi nhuận khá hơn, kiểm soát được chất lượng đọt” - anh Trung cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa (ấp Tân Đạt, xã Đồi 61), ở các vườn tràm giống đều phải gắn hệ thống phun sương, lúc mới ươm trung bình 3 phút phun nước 1 lần để tràm không bị héo lá, càng lớn thì số lần tưới càng giảm. Trong suốt 2 tháng, cây giống sinh trưởng và làm rễ phải thường xuyên kiểm tra, nếu cây bị nhiễm bệnh phải nhổ bỏ, xịt thuốc để tránh lây lan.
“Chất đất ở đây rất xấu, chỉ thích hợp trồng 3 loại cây là cao su, điều và tràm. Điều và cao su thì đỡ công chăm nhưng phải có diện tích lớn, có vốn đầu tư lâu dài bởi ít nhất trồng 3-6 năm mới được thu hoạch. Làm tràm giống công phu hơn nhưng chỉ cần vài sào đất đã trồng được hàng chục ngàn cây mỗi lứa, sau 2 tháng cho thu hoạch, thu nhập cao hơn nhiều so với điều và cao su. Do đó, nhiều năm qua chúng tôi gắn bó với nghề này” - một nông dân ở ấp Quảng Phát, xã Quảng Tiến chia sẻ.
* Khẳng định bằng chất lượng cây
Khoảng 10 năm nay, số hộ và quy mô các vườn ươm tràm giống ở huyện Trảng Bom ngày càng tăng, phổ biến tại 2 xã Quảng Tiến, Đồi 61. Từ chỗ tự phát, các hộ làm tràm giống đã thành lập cơ sở kinh doanh, tự đầu tư vườn cây giống, ươm tràm, bán cây ra thị trường mà không phải qua trung gian. Bình quân một cơ sở cung ứng ra thị trường từ vài triệu đến hàng chục triệu cây tràm giống mỗi năm. Vài năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã phối hợp với Trường đại học lâm nghiệp (phân hiệu Đồng Nai), mở các lớp tập huấn kỹ thuật ươm cây giống lâm nghiệp đạt hiệu quả; tạo điều kiện cho người dân vay vốn nhân rộng mô hình.
Anh Nguyễn Văn Trung, chủ Cơ sở tràm giống Trung Hòa (ấp Tân Đạt, xã Đồi 61) cho biết, hơn 10 năm qua, vườn tràm của anh và 2 người khác làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. “Lúc đầu chúng tôi bán cây giống cho các vựa cây địa phương. Mùa mưa, từ tháng 4-8, cây hút hàng được giá 400-500 đồng/cây, những tháng còn lại ế ẩm, giá thấp, có khi lỗ công. Về sau, tôi cùng 2 người anh em bắt xe ra Quảng Nam, Quảng Ngãi, lên Tây nguyên tìm mối bán hàng. Chúng tôi góp tiền mua xe chở cây giống giao tận nơi cho họ. Nhờ đó, có đầu ra ổn định quanh năm” - anh Trung cho hay.
Theo những hộ làm tràm giống, mùa mưa ở các vùng miền lệch nhau, do đó, từ tháng 1-3 dương lịch, cây tràm giống chủ yếu được các cơ sở chở ra các tỉnh miền Trung tiêu thụ, từ tháng 4-8 là thị trường các tỉnh miền Nam, những tháng cuối năm tiêu thụ chính tại khu vực Tây nguyên. Không trực tiếp bán cây cho người trồng, các cơ sở tràm giống liên kết với vựa, trung tâm giống cây lâm nghiệp các tỉnh để có đầu ra ổn định, lâu dài.
Ban Mai