Sau Tết Nguyên đán, nhiều cánh đồng lúa và hoa màu trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ bước vào vụ gieo trồng đúng lịch. Có được điều này là nhờ chính quyền địa phương những năm qua đã tăng cường đầu tư hồ đập, bê tông hóa kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy; người nông dân chủ động làm đất sớm, thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
Sau Tết Nguyên đán, nhiều cánh đồng lúa và hoa màu trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ bước vào vụ gieo trồng đúng lịch. Có được điều này là nhờ chính quyền địa phương những năm qua đã tăng cường đầu tư hồ đập, bê tông hóa kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy; người nông dân chủ động làm đất sớm, thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
Một công trình kênh mương nội đồng được UBND huyện Cẩm Mỹ đầu tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: H.Lộc |
* Nhiều công trình mới đưa vào khai thác
Theo đánh giá của UBND huyện Cẩm Mỹ, vài năm trở lại đây, tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp vào mùa khô trên địa bàn huyện giảm hẳn. Nông dân ở các xã chủ động xuống giống ngay sau Tết Nguyên đán mà không phải trắng đêm dẫn nước vào ruộng. Đó là nhờ hệ thống các kênh mương được dẫn trực tiếp từ hồ, đập về tận cánh đồng.
Ông Hoàng Kim Thiện, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ cho biết, ngoài các công trình thủy lợi lớn do các doanh nghiệp đầu tư, khai thác, 3 năm trở lại đây, hơn 20 công trình thủy lợi do tỉnh, huyện đầu tư trên địa bàn được đưa vào sử dụng góp phần giải quyết căn cơ bài toán thiếu nước tưới trong sản xuất nông nghiệp mùa khô.
Chỉ tính riêng năm 2019, đã có 12 công trình thủy lợi được hoàn thiện và đưa vào khai thác. Trong đó có nhiều công trình quy mô, cung cấp nước tưới trên diện rộng như: công trình sửa chữa hồ Suối Đôi với tổng kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng và công trình sửa chữa hồ Giao Thông với tổng kinh phí đầu tư gần 2 tỷ đồng, cùng ở xã Lâm San; công trình sửa chữa hồ Suối Ran ở xã Xuân Tây với kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng và nhiều công trình kênh mương nội đồng được nâng cấp, mở rộng, xây mới.
Cũng theo ông Thiện, đầu mùa khô năm 2020, huyện đã phê duyệt kinh phí đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp 7 công trình với tổng vốn hơn 8,6 tỷ đồng. Trong đó tập trung vào các tuyến kênh mương dẫn và thoát nước, bê tông hóa các công trình. Hiện tại, các dự án đang đồng loạt triển khai, dự kiến hoàn thành trước mùa mưa.
“Năm 2019, huyện Cẩm Mỹ không bị thiếu nước sản xuất nông nghiệp. Theo dự báo của Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, năm 2020, trừ lượng nước ngầm tại các hồ, đập ở huyện Cẩm Mỹ giảm khoảng 10-30%. Do đó, ngay từ đầu mùa khô, Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã tham mưu cho Ban Quản lý các công trình thủy lợi huyện, các đơn vị quản lý và khai thác hồ chứa nước trên địa bàn chủ động tích nước tưới từ mùa mưa năm trước, điều tiết nước hợp lý” - ông Thiện chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ thông tin, nhận định được tình hình khan hiếm nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã giao cho các đơn vị quản lý hồ, đập chủ động tích trữ nước, các ngành chức năng phân chia lịch tưới phù hợp.
Cùng với đó là chỉ đạo các đơn vị chú trọng giải pháp: duy tu, sửa chữa, nạo vét nhằm nâng cao hiệu quả và công suất hoạt động các công trình thủy lợi hiện hữu; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi đã được tỉnh, huyện phê duyệt; nghiên cứu thay đổi cơ cấu cây trồng, lịch gieo trồng phù hợp từng vùng. Bên cạnh đó, tuyên truyền người dân bảo vệ nguồn nước ngầm bằng cách sử dụng nước tiết kiệm và ứng dụng các mô hình tưới nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp.
* Chủ động thay đổi trong sản xuất
Trước đây, sau Tết, phần lớn diện tích đất trên các cánh đồng lúa và hoa màu thuộc địa phận các xã: Xuân Đông, Xuân Tây, Sông Ray thường bị bỏ hoang do không có nước hoặc không đủ nước tưới. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, người nông dân canh tác được quanh năm. Không chỉ đảm bảo nước tưới cho các cánh đồng hiện hữu, diện tích đất sản xuất cây trồng hằng năm còn gia tăng nhờ hệ thống thủy lợi được bê tông hóa về từng thửa ruộng.
Anh Hoàng Văn Đức (ấp 2, xã Sông Ray) cho biết, trước đây mỗi năm anh trồng được 1 vụ lúa, 1 vụ bắp, tuy nhiên do thiếu nước sản xuất vào cuối kỳ thu hoạch bắp nên năng suất thấp, lợi nhuận không có. 5 năm trước, anh Đức mạnh dạn chuyển 1,5 hécta đất lúa sang trồng dâu nuôi tằm và kinh tế dần cải thiện. “Trung bình mỗi năm tôi thu lời khoảng 300 triệu đồng” - anh Đức nói. Nguyên nhân chính theo anh Đức là do nguồn nước trồng lúa khi đó chưa ổn định trong khi cây dâu cần lượng nước ít hơn.
Tương tự, ông Hồ Tấn Huy (ấp Cọ Dầu 1, xã Xuân Đông) cũng chủ động thay trồng 2 vụ bắp vào mùa khô để hạn chế tình trạng thiếu nước tưới, tăng thu nhập. “Tôi trồng lúa mấy chục năm nhưng năng suất vẫn kém do không chủ động được nguồn nước. Năm trúng mùa tôi lời khoảng 25 triệu đồng, năm thất mùa thì tôi lỗ công chăm. Từ khi chuyển sang làm 1 vụ lúa, 2 vụ bắp, tôi vừa có gạo sạch để ăn vừa có thu nhập cao hơn” - ông Huy chia sẻ.
Theo ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San, 3 năm gần đây, trên địa bàn xã cơ bản không thiếu nước tưới. Năm 2019, 2 hồ chứa là Suối Đôi và Giao Thông nằm trên địa bàn xã được sửa chữa, nâng cấp nên 2,5 ngàn hécta tiêu, gần 1 ngàn hécta cây ăn quả các loại không bị thiếu nước. “Chúng tôi hy vọng mùa khô năm nay cũng không bị thiếu nước. Một phần diện tích tiêu, cà phê đang được nông dân chuyển đổi sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn như bơ, sầu riêng” - ông Bá chia sẻ.
Ngành Nông nghiệp huyện Cẩm Mỹ cho biết, trước diễn biến của thời tiết và dự báo trữ lượng nước ngầm giảm, địa phương đã xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó, trong đó tập trung đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi; phân chia lịch tưới; vận động người dân trồng các loại cây thích nghi với điều kiện khô hạn như: đậu phộng, bắp để giảm bớt áp lực tiêu thụ nước, đồng thời mang đến giá trị kinh tế khá hơn.
Do đặc điểm các sông, suối trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ ngắn và dốc, khả năng giữ nước kém nên nhiều năm qua, địa phương này thường thiếu nước sản xuất mùa khô. Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm của tỉnh, sự chủ động của địa phương, hàng chục công trình thủy lợi đã được đầu tư, nâng cấp, góp phần làm giải quyết tình trạng thiếu nước mùa khô. Theo thống kê, trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ có 22 công trình thủy lợi, trong đó 16 công trình do huyện quản lý; 6 hồ chứa nước; 13 đập dâng. Năm 2020, địa phương đã phê duyệt thêm 7 công trình thủy lợi nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu tưới, tiêu nước trong sản xuất nông nghiệp. |
Hoàng Lộc