Phường Hố Nai, TP.Biên Hòa hiện có hơn 30 cơ sở làm bánh chưng bán quanh năm. Hầu hết các chủ cơ sở và thợ làm bánh chưng quê gốc ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương), nơi có nghề làm bánh chưng lâu đời nhất Việt Nam. Do vậy, bánh chưng Hố Nai thơm, ngon và đặc biệt là để được lâu.
Phường Hố Nai, TP.Biên Hòa hiện có hơn 30 cơ sở làm bánh chưng bán quanh năm. Hầu hết các chủ cơ sở và thợ làm bánh chưng quê gốc ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Hưng (nay là Hải Dương), nơi có nghề làm bánh chưng lâu đời nhất Việt Nam. Do vậy, bánh chưng Hố Nai thơm, ngon và đặc biệt là để được lâu.
Kiểm tra công đoạn phơi bánh trước khi bọc hút chân không. Ảnh:B.Mai |
Những ngày này, các khu phố bánh chưng ở phường Hố Nai đang phải hoạt động hết công suất để phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
* Đỏ lửa quanh năm
KP.13 là nơi tập trung nhiều cơ sở gói bánh chưng nhất ở phường Hố Nai. Bánh chưng Hố Nai đã được thị trường trong và ngoài tỉnh tin dùng.
Cơ sở bánh chưng Tiến Mạnh nằm ở đầu KP.13 là cơ sở bánh chưng lớn và gần như lâu đời nhất ở đây. Thời điểm cuối năm, trung bình có 30 lao động vừa làm các công đoạn gói bánh vừa giao hàng cho khách ở xa. Chị Yến, chủ cơ sở bánh chưng Tiến Mạnh cho biết, gia đình chị có thâm niên gói bánh chưng gần 30 năm và cũng có bí quyết riêng nên sản phẩm bánh của gia đình được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nếu như các ngày thường, cơ sở gói khoảng 100kg gạo, thì dịp Tết phải tăng lên 300kg gạo. Cơ sở phải thuê thêm nhiều nhân công để gói bánh, giao bánh cho khách. Ngoài bánh chưng mặn, cơ sở này cũng làm hơn 100 bánh chưng chay cho các chùa. Thị trường tiêu thụ bánh chưng của cơ sở này là trong tỉnh, TP.Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tương tự, cơ sở bánh chưng Linh Động (phường Hố Nai) cũng làm nghề quanh năm. Chủ cơ sở cho biết đã nhận đơn đến ngày 28 Tết và không nhận thêm. Trong số hơn 20 thợ gói bánh chưng ở cơ sở này, chúng tôi ấn tượng với một cụ bà lớn tuổi vẫn miệt mài gói bánh chưng. Đó là bà Phạm Thị Tất, 66 tuổi.
Bà Tất cho biết, từ khi cả nhà bà dắt díu nhau vào Nam sinh sống, sẵn có nghề làm bánh chưng truyền thống, bà cùng các con thử làm bánh kiếm kế sinh nhai. Không ngờ lại sống được với nghề cho đến ngày nay. “Bánh chưng Nam Sách nổi tiếng nhờ hương vị thơm ngon, hình thức đẹp mắt và đặc biệt để được lâu hơn bánh ở những nơi khác nên được người dùng, mối ưa chuộng” - bà Tất chia sẻ.
Những người trong nghề cho biết, để có được những chiếc bánh chưng ngon, đẹp mắt phải chọn nếp cái hoa vàng với hạt tròn, mẩy, bóng, đều, thơm. Đậu xanh phải chọn loại đậu mới. Thịt gói bánh chưng ngon nhất là ba rọi, không quá béo và phải tuyển chọn từ các cơ sở giết mổ uy tín, có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, thịt ra lò sau 2-3 giờ gói là ngon nhất và bánh lâu bị thiu hơn. Bánh chưng nấu bằng củi sẽ chín đều, màu lá đẹp hơn là nấu bằng nồi điện, gas. Trung bình mỗi lò bánh chưng phải đun 8-10 tiếng, tùy theo kích cỡ bánh. Do đó, dịp Tết, các lò bánh chưng ở Hố Nai không khi nào tắt lửa.
* Xây dựng thương hiệu cho bánh chưng
Những người làm nghề cho biết, trước đây, mỗi ngày họ chỉ gói vài chục chiếc bánh chưng nhỏ bằng nắm xôi bán cho học sinh, những người lao động vất vả ăn sáng để có sức khỏe và no được lâu. Nhờ chất lượng và giá cả hợp lý, bánh chưng Hố Nai nhanh chóng chiếm được cảm tình người tiêu dùng. Hiện tại, nhiều cơ sở bánh chưng như: Tiến Mạnh, Linh Động, Tuấn Ảnh, Hố Nai, Thúy Nga đang cung cấp bánh cho siêu thị Co.opmart, City mart, BigC và Lotte Mart các tỉnh Nam bộ. Ngoài ra, một số cơ sở bánh chưng nhận gia công cho các đơn vị kinh doanh thực phẩm.
Thợ đang gói bánh chưng |
Chủ cơ sở bánh chưng Linh Động, đơn vị đang cung cấp bánh cho các siêu thị Co.opmart TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, để đưa sản phẩm là thực phẩm ăn liền vào siêu thị không đơn giản. Phía đối tác phải tiến hành rất nhiều quy trình, công đoạn kiểm nghiệm về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. “Bánh chưng của chúng tôi được siêu thị, người dùng tin chọn vì ngoài chất lượng ngon, màu sắc đẹp còn có cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm. Tất cả các khâu đều phải sạch. Bánh sau khi nấu chín được rửa qua nước lạnh, quạt khô, hút chân không rồi giao cho khách” - chủ cơ sở này cho hay.
Theo tiết lộ của những người trong nghề, nhiều gia đình ở KP.13 đã trở nên khá giả với doanh thu mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng nhờ nghề làm bánh chưng. Vào dịp Tết, nhiều cơ sở bánh chưng phải thuê thêm lao động thời vụ để phụ gói bánh. Cơ sở nào có nhiều thợ thì nhận nhiều đơn hàng, những cơ sở không tìm được người làm phải từ chối bớt. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng, hiện nay một số cơ sở còn nhận gói bánh chưng chay, bánh chưng nhân tôm khô, bánh chưng nhân heo quay...
Một điều khá thú vị là mỗi cơ sở bánh chưng ở Hố Nai đều có tên riêng, tuy nhiên, rất ít khi người ta dán nhãn tên cơ sở của mình lên bánh chưng. Một chủ cơ sở giải thích, mình làm nghề bán cho “mối” năm này qua năm khác, nếu dán tên, dán số điện thoại lên từng chiếc bánh còn ai mua qua “mối” nữa. Vì thế, những chiếc bánh chưng Hố Nai để trần, chỉ có các lô bánh nhập vào siêu thị, trung tâm thương mại mới có tên.
Năm nay, giá cả các loại thực phẩm mà đặc biệt là thịt heo tăng nên giá bánh chưng cũng tăng theo. Theo đó, giá bánh chưng mua tại cơ sở loại 1kg là 75 ngàn đồng/chiếc, tăng 5 ngàn đồng so với năm trước; loại 2kg giá 140 ngàn đồng/chiếc; bánh chay giữ nguyên giá cũ 60-65 ngàn đồng/chiếc tùy cơ sở bán ra.
Ban Mai