Báo Đồng Nai điện tử
En

Diện mạo mới của Phú Vinh

09:01, 13/01/2020

Phú Vinh là một trong những xã miền núi của huyện Định Quán với 72% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là người Hoa. Những năm gần đây, diện mạo nông thôn của xã Phú Vinh thay đổi từng ngày, từ cơ sở hạ tầng đến chất lượng cuộc sống người dân.

Phú Vinh là một trong những xã miền núi của huyện Định Quán với 72% dân số là người dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là người Hoa. Những năm gần đây, diện mạo nông thôn của xã Phú Vinh thay đổi từng ngày, từ cơ sở hạ tầng đến chất lượng cuộc sống người dân.

100% tuyến đường huyện, xã, thôn, xóm trên địa bàn xã Phú Vinh được nhựa hóa, bê tông hóa. Trong ảnh: Đường vào xã Phú Vinh. Ảnh: M.Quân
100% tuyến đường huyện, xã, thôn, xóm trên địa bàn xã Phú Vinh được nhựa hóa, bê tông hóa. Trong ảnh: Đường vào xã Phú Vinh. Ảnh: M.Quân

Đó là kết quả sau nhiều năm nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương cùng các tầng lớp nhân dân tập trung xây dựng nông thôn mới (NTM), biến vùng đất còn nhiều khó khăn trở thành địa phương về đích sớm trong xây dựng NTM nâng cao với sự phát triển mạnh về kinh tế, hạ tầng nông thôn.

* Nhiều mô hình sản xuất giỏi

Năm 2014, xã Phú Vinh được công nhận đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân đầu người vào thời điểm đó đạt gần 37 triệu đồng/người/ năm. Xác định xây dựng NTM để nâng cao đời sống tinh thần vật chất cho nhân dân, với đặc thù là xã thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nên ngay sau khi đạt chuẩn NTM, lãnh đạo xã Phú Vinh đã nhận định phải xây dựng quy hoạch phát triển cây trồng chủ lực của xã.

Từ đó, các mô hình phát triển cây trồng chủ lực, chuyển đổi cây trồng, hệ thống tưới nước tiết kiệm... đã giúp nông dân tiếp cận được công nghệ mới, tạo sức lan tỏa mạnh trong việc áp dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nhiều diện tích các loại cây trồng cằn cỗi, vườn tạp đã được thay thế dần bằng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình nuôi gà trống thiến dưới tán cây bưởi, tán cây tiêu; mô hình chuyển đổi cây trồng từ cây điều, tiêu, cà phê năng suất thấp sang cây bưởi, mít; phát triển nhà nuôi chim yến...

Là một nông dân tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình nuôi gà trống thiến dưới tán cây bưởi, ông Vòng Cá Vĩnh (ấp Suối Soong 1) cho biết, khoảng 5 năm trước, gia đình ông được chính quyền địa phương hỗ trợ giống bưởi để chuyển đổi 2 hécta cây điều năng suất thấp sang cây bưởi. Để tăng thu nhập, ông Vĩnh đã nuôi gà trống thiến trong vườn bưởi của gia đình. Nhận thấy nuôi gà cho thu nhập khá, ông Vĩnh đã mạnh dạn đầu tư thêm gà giống, đến nay mỗi năm ông xuất khoảng 7 ngàn con gà. Trong dịp Tết năm 2020 này, ông Vĩnh có trên 1 ngàn con gà để bán. Đến nay, số lượng gà bán Tết đã được khách hàng đặt gần hết, giá trung bình từ 140-180 ngàn đồng/kg.

Không chỉ gia đình ông Vĩnh, xã Phú Vinh còn nhiều nông dân khác thành công khi áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả như: thay cà phê thành vườn bưởi có diện tích hơn 1 hécta của gia đình bà Lê Thị Lùn, xây dựng nhà yến của hơn 40 hộ gia đình cho thu nhập cao, đặc biệt là mô hình nuôi chim yến phát triển khá mạnh trên địa bàn xã Phú Vinh thời gian qua.

* Hoàn thiện hạ tầng nông thôn

Ngoài những mô hình kinh tế hiệu quả được tập trung thực hiện, xã Phú Vinh còn có sự thay đổi mạnh mẽ trong việc đầu tư, nâng cấp các công trình xây dựng cơ bản (nhà văn hóa xã, ấp; khu vui chơi giải trí thể thao cấp xã...), phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân.

Đánh giá về những lợi ích từ xây dựng NTM, một số người dân cho rằng chương trình NTM đã tác động không nhỏ đến đời sống bà con, nhờ có chương trình này mà các tuyến đường nông thôn trở nên sáng - xanh - sạch - đẹp, từ đó người dân cũng tự nâng cao trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo quản, phát huy thế mạnh có được từ địa phương.

Kết quả, từ năm 2015 đến nay, các tuyến đường trên địa bàn xã đã đạt tiêu chí NTM và NTM nâng cao, cụ thể như: 100% các tuyến đường do huyện quản lý; đường trục xã, liên xã; đường trục thôn, xóm... đã được bê tông hóa, nhựa hóa 100%. Tất cả các tuyến đường giao thông nông thôn được bảo trì thường xuyên và đảm bảo an toàn giao thông.

Từ kết quả đã đạt được trong những năm qua, đại diện lãnh đạo UBND xã Phú Vinh cho biết, thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân dân thực hiện các tuyến đường điện chiếu sáng công cộng theo đề án sáng - xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, giữ gìn những kết quả đạt được, đóng góp kinh phí để xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân sống tập trung tại các ấp trung tâm (ấp 1, 2, 3, 4, 5).

Ngoài ra, xã sẽ tăng cường áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nâng cao tỷ lệ người tham gia kinh tế tập thể nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Tiếp thị tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, tạo thị trường ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn xã.

Đến nay, xã Phú Vinh có thu nhập bình quân đầu người đạt trên 61 triệu đồng/người/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 1 hécta trồng trọt và nuôi trồng thủy sản (theo giá thực tế) đạt trên 150 triệu đồng; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của địa phương đạt trên 80%. Hiện nay, cơ cấu cây trồng địa phương đang chuyển dịch đúng hướng, diện tích sản xuất cây hằng năm đạt gần 428 hécta, cây lâu năm trên 1.720 hécta, đạt 100% kế hoạch. Nhiều nông dân vẫn đang mạnh dạn chuyển đổi sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh đối với một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: xoài xanh Đài Loan trên 110 hécta, cây trái có múi trên 127 hécta (bưởi, quýt, cam), cà phê  trên 166 hécta, cây điều trên 1.071 hécta. Giá trị sản xuất trồng trọt đạt gần 150 tỷ đồng, chiếm gần 80% giá trị sản xuất nông nghiệp (đã trừ chi phí).

Minh Quân

Tin xem nhiều