Nằm ngay vị trí là đầu mối giao thông trên các tuyến quốc lộ, cao tốc nối liền các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, huyện Thống Nhất đang đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển ngành công nghiệp tại địa phương.
Nằm ngay vị trí là đầu mối giao thông trên các tuyến quốc lộ, cao tốc nối liền các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, huyện Thống Nhất đang đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển ngành công nghiệp tại địa phương.
Một góc Khu công nghiệp Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Ảnh: T.Mộc |
[links()]Gần 1,1 ngàn hécta diện tích đất quy hoạch cho 5 khu, cụm công nghiệp (CCN) cũng như các dự án giao thông quan trọng của huyện đã và đang được triển khai để chào đón các nhà đầu tư.
* Khuyến khích nhà đầu tư
Theo Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thống Nhất, 5 khu công nghiệp (KCN), CCN đã được phê duyệt quy hoạch trên địa bàn huyện, gồm 3 KCN: Dầu Giây 403 hécta, Gia Kiệm 330 hécta và Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico - xã Lộ 25 273 hécta; 2 CCN là CCN Hưng Lộc gần 42 hécta và CCN Quang Trung 80 hécta.
Với chính sách khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia hoạt động, sản xuất tại các KCN, CCN trên địa bàn huyện, thời gian qua, các doanh nghiệp khi đầu tư vào huyện Thống Nhất luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực trong giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, từ việc lập dự án, giới thiệu địa điểm đến đền bù giải tỏa để sớm giao đất cho doanh nghiệp đầu tư dự án.
Điển hình như KCN Dầu Giây được hình thành sớm nhất vào năm 2006, do Công ty cổ phần KCN Dầu Giây làm chủ đầu tư. Đây là KCN có vị trí thuận tiện khi được xây dựng trên tuyến tỉnh lộ 769, nối liền với các tuyến quốc lộ 1, 20, 51, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây… KCN Dầu Giây có diện tích thời điểm mới thành lập trên 328 hécta, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 70%. Trước nhu cầu muốn được đầu tư, hoạt động tại KCN của một số doanh nghiệp nên KCN Dầu Giây vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho mở rộng thêm 75 hécta. Với quyết định này, ngoài 15 doanh nghiệp hoạt động ổn định từ nhiều năm nay, dự kiến đến cuối năm 2020 có thêm 6 doanh nghiệp đi vào hoạt động, sẽ có khoảng 2-3 ngàn lao động được tuyển dụng làm việc cho các doanh nghiệp trên.
Tương tự, các KCN, CCN như: KCN Gia Kiệm, Khu liên hợp công nông nghiệp Dofico - xã Lộ 25, CCN Quang Trung, Hưng Lộc được đánh giá là những vị trí có tiềm năng, thuận tiện cho các nhà đầu tư với hệ thống giao thông được kết nối đồng bộ, khoảng cách giữa các KCN cũng được phân bổ đều, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tuyển dụng lao động dễ dàng hơn.
* Nguồn lao động dồi dào
Theo số liệu thống kê, huyện Thống Nhất có khoảng 102 ngàn người trong độ tuổi lao động. Trong đó, lao động lĩnh vực thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 37%, còn lại lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp - xây dựng đều trên 30%. Trong khi đó, số người lao động trong các KCN, CCN trên địa bàn huyện khoảng 4 ngàn người. Như vậy, số còn lại hiện đang phải đi làm xa tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Theo xu hướng chung, lao động nông nghiệp hiện nay cũng đang có sự dịch chuyển dần sang lao động công nghiệp. Từ những thông tin trên có thể thấy rằng, lực lượng lao động tại địa phương hiện nay khá dồi dào, có thể đáp ứng cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Thống Nhất. Chưa kể các địa bàn như: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc cũng còn không ít người dân trong độ tuổi lao động đang có nhu cầu tìm việc làm.
Một doanh nghiệp đang xây dựng nhà xưởng mới tại Khu công nghiệp Dầu Giây. Ảnh: T.Mộc |
Làm công nhân may cho một doanh nghiệp tại KCN Gia Kiệm được hơn 4 năm nay, bà Trần Thị Hiên (ngụ xã La Ngà, huyện Định Quán) cho biết, từ khi làm công nhân may tới nay, nguồn thu nhập của bà ổn định hơn những năm trước đi làm rẫy thuê. Dù khoảng cách từ nhà tới chỗ làm hơn 10km nhưng hằng ngày bà Hiên đi xe buýt hoặc đi xe đưa rước công nhân đều rất thuận tiện. “Trong công ty có khá nhiều công nhân ở khu vực nhà tôi đi làm hằng ngày bằng xe buýt hoặc xe máy, có người đăng ký đi xe đưa rước của công ty. Từ ngày công ty hoạt động, tôi có cơ hội làm việc xuyên suốt nên thu nhập ổn định, đời sống kinh tế gia đình chủ động hơn trước rất nhiều”- bà Hiên chia sẻ thêm.
Cũng kỳ vọng vào sự phát triển các KCN, CCN trên địa bàn huyện, đặc biệt là CCN Quang Trung đóng ngay tại địa phương, Phó chủ tịch UBND xã Quang Trung Trương Tuấn Đạt cho biết, trên địa bàn xã Quang Trung hiện đang có khá nhiều người lao động phải đi làm công nhân cho các công ty ở TP.Long Khánh, huyện Trảng Bom nên đi lại còn nhiều bất tiện. Nếu CCN sớm có doanh nghiệp hoạt động thì người dân địa phương có cơ hội làm gần nhà hơn. Không chỉ việc làm cho người dân, theo ông Đạt, khi công nghiệp phát triển sẽ kéo theo nhiều loại hình dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho địa phương.
Ông Trần Quang Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thống Nhất cho biết, với vai trò, trách nhiệm là cơ quan tham mưu cho UBND huyện trong việc thu hút, kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp vào các KCN, CCN của huyện, phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện đề xuất các giải pháp hiệu quả nhất trong mời gọi các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có chiến lược lâu dài về các lĩnh vực may mặc, cơ khí, dịch vụ… vừa để phát triển kinh tế địa phương, vừa giúp người dân làm việc gần nhà, tiết kiệm chi phí đi lại, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. |
Thủy Mộc