Báo Đồng Nai điện tử
En

Người nặng lòng với cây sen vùng nước lợ

04:11, 11/11/2019

Sen sấy Nhơn Trạch là sản phẩm hiện đang được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhưng ít ai biết rằng thương hiệu này được tạo nên bởi một người phụ nữ giàu tâm huyết với cây sen.

Sen sấy Nhơn Trạch là sản phẩm hiện đang được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Nhưng ít ai biết rằng thương hiệu này được tạo nên bởi một người phụ nữ giàu tâm huyết với cây sen.

Ngoài thu mua sen của nông dân, Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân) đang tạo việc làm cho hơn 40 lao động địa phương. Ảnh:H.Lộc
Ngoài thu mua sen của nông dân, Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân) đang tạo việc làm cho hơn 40 lao động địa phương. Ảnh:H.Lộc

Đó là bà Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân).

* Từ người trồng sen thành bà chủ

Quá trình từ một nông dân trồng lúa đến bà chủ cơ sở chế biến sen quy mô, bà Lệ đã trải qua nhiều gian nan, vất vả. Tuy nhiên, niềm đam mê với sen như một nguồn động lực cứ thôi thúc bà phải làm hơn nữa với loài cây có hương thơm dìu dịu, thanh khiết này.

Huyện Nhơn Trạch không chỉ được biết đến với những khu công nghiệp lớn nhỏ, những khu du lịch mang đậm dấu ấn vùng sông nước mà từ lâu, nơi đây còn nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như: trà Phú Hội, sen Long Tân, cốm dẹp Vĩnh Thanh...

Gần 20 năm trước, vào năm 2000, một doanh nghiệp Đài Loan có trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh đến đặt vấn đề hợp tác với người nông dân ở xã Long Tân và xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch để trồng sen và cam kết bao tiêu sản phẩm sen lụa tươi xuất khẩu. “Xã Long Tân khi đó trồng lúa nước, nhưng do đất sình lầy lại nhiễm phèn nên năng suất rất thấp. Được công ty nước ngoài cung cấp giống, kỹ thuật lại còn bao tiêu sản phẩm nên nhiều người ồ ạt chuyển sang trồng sen với mong muốn có được cuộc sống tốt hơn. Chưa đầy 2 năm, xã Long Tân, xã Phú Hội đã phát triển được hơn hơn 100 hécta sen” - bà Lệ kể.

Sau nhiều tháng ngày dày công chăm sóc, cây sen cũng đến kỳ thu hoạch. Nhìn những bông sen trắng hồng thơm mát đua nhau trổ bông, những gương sen tròn xoe từ từ lớn, nhiều nông dân thêm tin tưởng loài cây này sẽ giúp họ thay đổi cuộc sống. Thế nhưng, niềm vui không kéo dài. Đối tác chỉ thu mua những hạt sen to đều, vừa độ bánh tẻ (không non cũng không già) còn những gương sen không đạt yêu cầu về chất lượng, kích cỡ hạt thì đều bị loại ra.

Sen thu hoạch về được đưa đến điểm thu mua tập trung. Tại đây, chỉ những gương sen vừa chín tới mới được chọn, còn lại bị loại ra hết. Người nhà phải ngồi bóc hạt ra khỏi gương. Họ dùng một sàng lớn bằng inox, đổ từng mẻ hạt sen lên sàng qua sàng lại, chỉ những hạt còn sót lại trên sàng mới được đem cân tính tiền. Số sen bán được chẳng bao nhiêu trong khi số bỏ đi lại rất nhiều.

Anh Nguyễn Ngọc Giàu, Tổ trưởng Tổ hợp tác sen ấp Long Hiệu (xã Long Tân), hộ trồng sen lớn nhất ở huyện Nhơn Trạch với 14 hécta cho biết, vào mùa trúng, sen có thể thu lợi nhuận gấp 3 so với lúa. Tất cả các bộ phận của cây sen đều được cơ sở thu mua chế biến nên người trồng sen có thể thu về từ 80-100 triệu đồng/năm/hécta. Để gia tăng thu nhập, hiện một số hộ nông dân còn cải tạo ruộng, kết hợp trồng sen với nuôi cá, tôm vào mùa nước mặn, thu nhập có thể cao gấp 1,5-2 lần.

Mặt khác, cả xã chỉ có một điểm thu mua duy nhất, trong khi sản lượng sen thu hoạch lớn nên việc bán gương sen của bà con nông dân gặp rất nhiều khó khan. “Có người phải chờ đến đêm khuya mới bán được sen, có người vì không thu hoạch kịp hoặc sen bị loại ra nhiều quá, chán nản không thu hoạch đã để sen khô tại ruộng. Trồng sen vất vả, bán sen còn vất vả hơn. Cuộc sống của người trồng sen lao đao” - bà Lệ nhớ lại.

Tiếc nuối những gương sen thu về bị đại lý loại bỏ, bà Lệ nghĩ đến việc tự bóc hạt sen tươi đem bán. Lúc đầu, bà bán ở chợ địa phương nhưng chẳng ai mua. Bà đạp xe gần 15km ra chợ Long Thành bán. Mỗi ngày vài ba ký, rồi lên hàng chục ký. Về sau, bạn hàng nhiều, bà Lệ không bán sen cho thương lái nữa, đồng thời mua thêm sen của các hộ lân cận, thuê công bóc bỏ mối sỉ. Năm 2005, bà thành lập Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát. 

Lúc đầu, cơ sở của bà Lệ chỉ làm hạt tươi, thế nên những lúc “dội hàng” hoặc tiêu thụ không kịp, hạt sen bị thâm, bị già, phải đem bỏ, lỗ vốn. Tiếc của, tiếc công, bà Lệ nghĩ cách sơ chế sen khô, rồi chế biến trà từ lá và tim sen, làm bột sen từ những hạt sen để quá lứa, làm mứt sen... Từ chỗ chỉ bán được một sản phẩm duy nhất là hạt sen vừa độ dẻo, đúng kích cỡ, những người trồng sen ở Nhơn Trạch cùng lúc bán được tất cả các bộ phận của cây sen cho cơ sở chế biến ngay tại địa phương, ai cũng phấn khởi.

* Đưa hương sen Nhơn Trạch lan xa

Thời điểm người trồng sen chán nản vì doanh nghiệp đòi hỏi hợp đồng có những yêu cầu quá khắt khe, Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát lại chưa đủ mạnh để bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra cho bà con trong vùng, hàng chục hộ nông dân “quay lưng” lại với cây sen. Thế nhưng, chỉ vài năm, người ta lại thấy những hécta sen đua nhau trổ bông vì có cơ sở tại địa phương bao tiêu đầu ra.

Trên đà thành công, Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát phối hợp với một số hộ nông dân địa phương “nghiên cứu” phương án chuyển trồng lúa sang trồng sen ở vụ đông - xuân, mở rộng thêm vùng nguyên liệu ở xã Phú Lâm (huyện Tân Phú), vùng Trị An (huyện Vĩnh Cửu) và một số địa phương thuộc tỉnh Long An để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Cơ sở cũng đầu tư nâng cấp khu nhà xưởng, hệ thống máy bóc vỏ hạt sen tươi và máy sấy nông sản đảo chiều gió. Đây là hệ thống máy móc sản xuất theo công nghệ sấy sạch và hiện đại giúp tăng năng suất, giảm hao hụt nguyên liệu, giảm chi phí nhân công.

1. Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân) đang giới thiệu sản phẩm hạt sen sấy khô
1. Bà Nguyễn Thị Bích Lệ, chủ Cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát (ấp Vĩnh Tuy, xã Long Tân) đang giới thiệu sản phẩm hạt sen sấy khô. Ảnh:H.Lộc

Tình đến thời điểm hiện tại, cơ sở chế biến hạt sen ở Nhơn Trạch đã phát triển được 10 sản phẩm: trà lá và tim sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy, bột sen dinh dưỡng, mứt sen... 8/10 sản phẩm được công bố sản phẩm, 3/10 sản phẩm được UBND tỉnh cấp bằng chứng nhận Sản phẩm nông thôn tiêu biểu. Toàn bộ các sản phẩm đều do bà Lệ nghĩ ra, thử nghiệm và hoàn thiện. “Tôi đang nghiên cứu xay vỏ gương sen làm bột nhang và làm tinh bột củ sen. Đây có thể là 2 sản phẩm mới sẽ ra mắt ngay trong năm tới”  - chủ cơ sở “bật mí” .

Cùng với việc đầu tư máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nghiên cứu cho ra thị trường dòng sản phẩm mới, Cơ sở hạt sen sấy Trường Phát cũng đã lập đề án xây dựng nhãn hiệu độc quyền sen sấy Nhơn Trạch và tiến tới đưa sản phẩm vào siêu thị. “Đã có một đối tác liên hệ đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị BigC và một đối tác liên hệ đưa sản phẩm vào hệ thống cửa hàng tiện lợi, nhưng tôi chờ hoàn thiện nhà xưởng, hoàn thiện bao bì và lấy giấy chứng nhận độc quyền. Đưa sản phẩm vào được hệ thống các siêu thị sẽ là một lợi thế góp phần giúp tôi tăng sản lượng tiêu thụ, yên tâm phát triển các sản phẩm mới” - bà Lệ chia sẻ.

Cũng theo Phòng Kinh tế, mặc dù là huyện phát triển công nghiệp và được quy hoạch thành phố tương lai từ lâu, đất được ưu tiên cho công nghiệp và đô thị, tuy nhiên, với một sản phẩm đặc trưng và có lợi thế phát triển trên vùng đất nhiễm mặn như cây sen vẫn được tính toán để giữ, thậm chí phát triển thêm diện tích, chuyển đổi vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen.

Theo Phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch, với quan điểm đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, thời gian qua, các ngành chức năng của huyện, Trung tâm khuyến công thuộc Sở Công thương, Sở Khoa học - công nghệ đã hỗ trợ cơ sở đăng ký hoạt động, đăng ký sản phẩm độc quyền, làm chứng nhận chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh giai đoạn 2019-2020; hỗ trợ cơ sở máy sấy hạt sen trị giá 100 triệu đồng; hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh.

Từ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các sở, ngành và đặc biệt sự nỗ lực của doanh nghiệp, Cơ sở chế biến sen Trường Phát đã nhận được nhiều giấy chứng nhận, bằng chứng nhận của huyện, tỉnh, ngành nông nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng để đưa sản phẩm đến đông đảo người dùng.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều