Năm 2012, Lâm San là xã nghèo nhất huyện Cẩm Mỹ và là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 35%, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm chưa đầy 10 triệu đồng. Thế nhưng, hiện tại, cả xã chỉ còn 5 hộ nghèo, tương đương 0,25%, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 7 lần.
[links()]Năm 2012, Lâm San là xã nghèo nhất huyện Cẩm Mỹ và là một trong những xã đặc biệt khó khăn của tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 35%, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm chưa đầy 10 triệu đồng. Thế nhưng, hiện tại, cả xã chỉ còn 5 hộ nghèo, tương đương 0,25%, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 7 lần.
Chị Niềm Chủ Chánh (ấp 4, xã Lâm San) chăm sóc đàn dê. Ảnh:B.Mai |
Hành trình thoát nghèo của Lâm San được xem là động lực, là điểm sáng để các xã trong huyện nói riêng và nhiều xã còn khó khăn trong tỉnh nói chung học hỏi, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội.
* “Miền đất hứa”
Trên con đường bê tông sạch đẹp nối liền các ấp, ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San nói: “Nhiều lúc tôi nghĩ mình đang đi đâu đó chứ không phải ở Lâm San”.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho rằng, hành trình thoát nghèo của xã Lâm San rất đáng tự hào. Sự nỗ lực, quyết tâm và đồng lòng của chính quyền, nhân dân là yếu tố tiên quyết giúp xã Lâm San vươn lên. |
Lâm San trong ký ức của ông Bá là những con đường đất sình bám chặt bánh xe phải vài ba người đẩy hoặc... vác luôn xe; là nơi những căn nhà tranh thưa thớt nằm sâu trong rẫy tiêu hoặc rẫy cà phê, nơi người dân thiếu cả nước sinh hoạt lẫn nước tưới mỗi mùa khô... Nhưng cũng trong suy nghĩ của ông Bá, Lâm San giờ đây giống như “miền đất hứa” mà ông mong đợi mấy chục năm trước. Ông Bá cho rằng, sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của các cấp chính quyền là đòn bẩy vực dậy tinh thần cho người dân, dần đưa Lâm San thoát nghèo và phát triển.
Trong căn nhà khang trang, chị Niềm Chủ Chánh ở ấp 4 nói: “Không thể tin nổi tôi có cơ ngơi này ngay tại Lâm San, nơi mà nhiều năm trước tôi chỉ có gia tài duy nhất là sự nghèo khó và những khoản nợ”.
Chị Chánh là người gốc Hoa, đến Lâm San sinh sống từ những năm 80 của thế kỷ trước. Thời gian đầu chị trồng cà phê, đến khi rớt giá chuyển qua trồng tiêu. Sau 2 đợt tiêu bị nấm lá chết, gia đình chị “nghèo vẫn hoàn nghèo”. “Gia đình tôi khi đó vườn không nhà trống, 4 đứa con ăn học lại thêm khoản nợ ngân hàng gần 200 triệu đồng, nhiều lúc chỉ muốn bỏ đi biệt xứ” - chị Chánh nhớ lại.
Từ xã đặc biệt khó khăn 7 năm trước, Lâm San hiện có gần 90% tuyến đường ấp được đổ bê tông, 100% đường xã đổ nhựa; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt hơn 90%; hộ nghèo còn 0,25%, trong nhiều năm qua không phát sinh hộ tái nghèo. Thu nhập bình quân của người dân đạt hơn 70 triệu đồng/người/tháng. |
Được Hội Nông dân hỗ trợ, chị Chánh làm hồ sơ vay vốn lãi suất ưu đãi, rồi cải tạo 0,5 hécta đất trồng tiêu, gần 1 hécta còn lại trồng cỏ, bắp nuôi thêm dê, thỏ, gà... vừa làm vừa rút kinh nghiệm để làm tốt hơn. Năm 2017, với doanh thu hơn 300 triệu đồng, chị Niềm Chủ Chánh được UBND tỉnh tuyên dương là Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Hiện tại, gia đình chị Chánh chuyển sang làm tiêu hữu cơ kết hợp chăn nuôi để tăng thu nhập. 2 trong số 4 người con của chị đang học cao đẳng và đại học.
Một trường hợp khác vươn lên làm giàu là anh Lê Văn Tình ở ấp 4. Từng là hộ nghèo của xã, song nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự nỗ lực và quyết tâm thoát nghèo, anh Tình đã trở thành hộ khá giả với thu nhập trung bình gần 200 triệu đồng/năm.
Anh Tình kể: “Tôi gốc Bắc, vào Nam trồng tiêu theo kiểu “học lỏm”, không có kỹ thuật chăm sóc, không có điện lưới, không có giếng khoan khiến cái nghèo bám mãi. Thời điểm năm 2006, tiêu trúng giá, vừa thoát nghèo được 2 năm lại tái nghèo do giá xuống thấp quá, gia đình chặt bỏ hết tiêu trồng cà phê. Mãi đến khi có đường điện hạ thế, có đường bê tông và đặc biệt có cán bộ kỹ thuật nông nghiệp về tận rẫy hướng dẫn, tôi mới khá dần. Năm 2012 thì được xóa sổ hộ nghèo”.
Trong suy nghĩ của những người từng là hộ nghèo như ông Bá, chị Chánh hay anh Tình, xã Lâm San giờ đây đã hoàn toàn thay da đổi thịt. Là miền đất hứa giúp họ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
* Chính quyền, nhân dân đồng lòng
Ông Đào Minh Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Lâm San cho biết, tách ra từ xã Sông Ray năm 1994, mãi đến năm 2012, Lâm San mới chính thức thoát nghèo. Sau 3 năm thoát nghèo, Lâm San trở thành xã nông thôn mới, năm 2017 thì đạt nông thôn mới nâng cao và mục tiêu tiếp theo là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của huyện. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân được nâng cao, thu nhập bình quân trên 70 triệu đồng/người/năm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Anh Lê văn Tình, ấp 4, xã Lâm San, một trong những điển hình vươn lên thoát nghèo. Ảnh:B.Mai |
Chia sẻ về cách làm, Bí thư Đảng ủy xã Lâm San cho rằng, có lúc chính quyền phải “làm liều”. Không phải làm bừa mà phải có bước đột phá, đưa ra quyết định táo bạo. Ông dẫn chứng, quy định của ngành điện là dân phải đóng tiền trước mới đưa điện về từng hộ. Nhưng một xã nghèo như Lâm San thu nhập bình quân khi đó chỉ 7-8 triệu đồng/người/năm thì rất khó để có điện. Hiểu được điều này, chính quyền xã xin ứng kinh phí đầu tư làm 2 đường điện hạ thế vào rẫy tiêu, rẫy cà phê cho dân. Làm xong đường điện, xã mời người dân đến tham quan. Thấy điện mang lại lợi ích lớn trong tưới tiêu và sinh hoạt, dân tự bàn với nhau góp tiền kéo điện.
“Lãnh đạo phải quyết tâm, chịu khó và kiên trì. Phải nắm được điều kiện thực tế của địa phương và ý nguyện của người dân. Nói miệng người dân chưa tin, thì phải bằng hành động, bằng việc làm cụ thể” - ông Minh nói.
Đối với đường giao thông ấp, chính quyền xã Lâm San cũng áp dụng cách làm như đường điện. Thực hiện 1-2 tuyến đường ở những nơi thuận lợi trước, nhân dân thấy chính quyền làm được đã tự động hiến đất, góp công, góp tiền làm đường.
Thành công với đường điện, đường giao thông nhưng vẫn là xã nghèo, để tạo động lực cho người dân, chính quyền xã Lâm San đã bảo lãnh cho các hộ nghèo vay vốn ngân hàng khôi phục sản xuất; đề xuất huyện cử cán bộ kỹ thuật về tập huấn, hướng dẫn nông dân cách trồng, chăm sóc cây đạt hiệu quả; cử nông dân đi tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất hiệu quả về phổ biến lại cho những người khác... Nhờ đó, kinh tế Lâm San những năm qua đã chuyển mình và phát triển ấn tượng.
Mục tiêu đến năm 2020 là Lâm San trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, “xóa sổ” hộ nghèo. Trong định hướng phát triển kinh tế, sẽ chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, ổn định hướng đến sản xuất hàng hóa bền vững, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi để nâng cao thu nhập. Cùng với đó là sự phát triển kinh tế, quan tâm nâng cao đời sống văn hóa và ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống trong nhân dân.
Ban Mai