Báo Đồng Nai điện tử
En

Gỡ khó cho ngành gốm truyền thống

04:09, 23/09/2019

Mới đây, UBND TP.Biên Hòa, Sở Công thương, Cục Thuế Đồng Nai đã họp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm thuộc diện di dời vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (Cụm công nghiệp) nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trong ngành.

Mới đây, UBND TP.Biên Hòa, Sở Công thương, Cục Thuế Đồng Nai đã họp với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gốm thuộc diện di dời vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (Cụm công nghiệp) nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trong ngành.

Sản xuất gốm đất đen truyền thống ở một cơ sở nằm ngoài Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh
Sản xuất gốm đất đen truyền thống ở một cơ sở nằm ngoài Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh. Ảnh: Hoàng Lộc

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục hưởng ưu đãi thuế, hoàn thiện các thủ tục và bàn giao mặt bằng cho các doanh nghiệp còn lại... là những nội dung thành phố ưu tiên tháo gỡ cho doanh nghiệp.

* Doanh nghiệp vào cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả

Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai cho biết, đến thời điểm hiện tại, 28/31 cơ sở gốm đã xây dựng nhà xưởng và đi vào hoạt động tại cụm công nghiệp, 3 cơ sở còn lại chưa được bàn giao mặt bằng.

Đa phần các cơ sở vào cụm công nghiệp hoạt động khá hiệu quả, doanh thu tăng 30-50%. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng cơ sở gốm vừa đốt lò ga trong cụm công nghiệp vừa đốt lò củi ngoài do chưa hoàn thiện hệ thống lò đốt. 

"Cơ sở hạ tầng như điện, nước phục vụ sản xuất khá ổn, giao thông thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Với diện tích 5 ngàn m2, chúng tôi hiện có 30 thợ làm gốm mỹ nghệ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tuy quy mô diện tích, số lượng thợ không bằng trước khi vào cụm công nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được lượng hàng theo yêu cầu của khách hàng. Trở ngại nhỏ của chúng tôi hiện nay đó là chưa xuất khẩu trực tiếp được sản phẩm mà phải thông qua một đối tác khác, điều này cũng làm giảm đáng kể lợi nhuận" - đại diện Công ty TNHH một thành viên Song Tiến cho biết.

Nói về những vướng mắc cần tháo gỡ của các cơ sở gốm trong cụm công nghiệp, ông Vòng Khiềng, Tổng thư ký Hiệp hội cho rằng, quy định hưởng ưu đãi thuế đất cho các doanh nghiệp rất rõ ràng, nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục khiến cho nhiều doanh nghiệp dù nằm trong danh sách được miễn nhưng vẫn bị yêu cầu đóng thuế đất từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, sự chậm trễ trong quyết toán đầu tư dẫn đến chưa có doanh nghiệp nào được hưởng hỗ trợ 60% tổng mức đầu tư hạ tầng theo quy định của tỉnh.

Cũng theo quyết định của tỉnh, doanh nghiệp vào cụm công nghiệp được hỗ trợ vay vốn đầu tư trung hạn, dài hạn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đồng Nai nhưng đến nay, mới chỉ có 2 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này. Nguyên nhân là do các cơ sở này thiếu tài liệu chứng minh mình là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã hoàn thành nhà xưởng và cơ sở thiết bị sản xuất nên không được duyệt vay.

Liên quan đến cơ sở gốm đất đen, Tổng thư ký Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai Vòng Khiềng cho rằng, Hiệp hội đã báo cáo kết quả thử nghiệm đốt lò củi trong cụm công nghiệp nhưng có hệ thống lọc và xử lý khói. Nếu đạt tiêu chuẩn về môi trường, các cơ sở gốm đất đen cũng có thể làm theo phương pháp truyền thống khi di dời vào cụm công nghiệp. 

Theo các doanh nghiệp đã vào cụm công nghiệp, trở ngại chung hiện nay là vốn. Nếu tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của tỉnh, doanh nghiệp sẽ có điều kiện đầu tư cho sản xuất hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần được hỗ trợ về xúc tiến thương mại.

* Phát triển nghề gốm gắn với du lịch làng nghề

Nói về mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống, ông Vòng Khiềng cho rằng, không thể biến một làng nghề trăm năm tuổi thành một cụm công nghiệp với các nhà xưởng nhỏ mà nên kết hợp làng nghề sản xuất gốm với du lịch. Việc xây dựng điểm du lịch làng nghề sẽ giúp các cơ sở đa dạng hóa sản phẩm theo thị hiếu của khách, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng nguồn thu cho sản phẩm truyền thống, như làng gốm Bát Tràng. 

Một thợ đang đắp gốm thủ công
Một thợ đang đắp gốm thủ công. Ảnh: Hoàng Lộc

Đồng tình với đề xuất phát triển bền vững nghề gốm truyền thống cần kết hợp với du lịch, trong một hội thảo về nghề, ông Vũ Đình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, gắn kết làng gốm với phát triển du lịch là hướng đi đúng đắn và phù hợp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Du khách có thể tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất và tự mình trải nghiệm các công đoạn cũng như làm ra sản phẩm cho riêng mình. Hoạt động du lịch làng nghề cũng sẽ giúp mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc “xuất khẩu tại chỗ” các mặt hàng làm từ gốm cho du khách.

Ông Hoàng Ngọc Hiếu, Chủ cơ sở gốm mỹ nghệ Hoàng Hiếu (phường Hóa An) cho rằng, Biên Hòa có nhiều lợi thế để phát triển du lịch làng nghề. Tuyến du lịch đường sông nếu được kết nối với các cơ sở gốm cho du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử văn hóa, mua sắm sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa giúp cơ sở gốm bán hàng tại chỗ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm vừa góp phần phát triển du lịch địa phương.

Hoàng Lộc

Tin xem nhiều