Để đứng vững trên thị trường, hiện nay, nhiều nông dân huyện Cẩm Mỹ đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
[links()]Để đứng vững trên thị trường, hiện nay, nhiều nông dân huyện Cẩm Mỹ đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Ánh Dương (trái) giới thiệu mô hình trồng rau thủy canh sạch của mình. Ảnh: L.AN |
Nhiều mô hình sản xuất sạch trong nông nghiệp đã và đang được triển khai, giúp nông dân có nguồn thu nhập khá nhờ năng suất, chất lượng và đầu ra ổn định hơn so với các mô hình sản xuất theo truyền thống.
* Sản phẩm sạch, giá cao
Sau 1 năm học việc ở một công ty chuyên về trồng rau rạch, năm 2016, anh Nguyễn Ánh Dương (xã Xuân Tây) quyết định thuê đất và xây dựng 2 căn nhà kính có tổng diện tích 700m2 với chi phí đầu tư 500 triệu đồng trồng rau thủy canh.
Theo chia sẻ của anh Dương, mô hình này có lợi thế là tiết kiệm diện tích đất, kiểm soát tốt sâu bệnh, chủ động điều chỉnh ánh sáng, giúp rút ngắn quy trình sinh trưởng của cây trồng. "Trồng rau bằng phương pháp thủy canh quan trọng là phải biết cách kiểm tra chất dinh dưỡng trong nước để cung cấp cho cây. Mỗi cây có nồng độ pH khác nhau nên khi trồng rau thủy canh phải có các thiết bị chuyên dụng để kiểm soát thì cây mới sinh trưởng và phát triển tốt nhất, đem lại hiệu quả cao nhất" - anh Dương nói.
Với 20 lần xuống giống rau cải, 15 lần xuống giống xà lách, số vụ gieo trồng bằng phương pháp thủy canh gấp 1,5 lần so với trồng bằng đất truyền thống. Trung bình mỗi năm, anh Dương lời khoảng 300 triệu đồng.
Cũng làm rau sạch nhưng anh Phạm Phú Cường (xã Sông Ray) lại chọn sử dụng hệ thống nhà màng, nhà lưới theo công nghệ Israel để làm rau trên đất.
Anh Cường chia sẻ, một lần được người quen ở Hậu Giang giới thiệu về hiệu quả mô hình trồng rau an toàn bằng hệ thống nhà màng, anh quyết định đầu tư gần 1 tỷ đồng trên diện tích 3,3 ngàn m2 để trồng rau sạch, an toàn. Cũng theo anh Cường, trồng rau trong nhà màng sẽ ngăn được khoảng 80-85% côn trùng xâm nhập gây hại, xuống giống được ngay cả khi thời tiết bất lợi, kiểm soát tốt độ ẩm và ánh sáng. Nhờ đó, cây sinh trưởng đều, sản phẩm đảm bảo về chất lượng, đẹp về mẫu mã.
Hiện nay, anh Cường chủ yếu trồng dưa leo, cà chua giống Israel, ớt chuông Đà Lạt... Không chỉ cung cấp cho thị trường huyện, anh Cường còn liên kết với các công ty, điểm bán hàng sạch, siêu thị trong và ngoài tỉnh để có đầu ra ổn định. Theo đánh giá của anh, sản phẩm rau sạch ở địa phương có nhiều triển vọng để phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao nếu nông dân mạnh dạn đầu tư, chịu khó học hỏi và quyết tâm làm nông nghiệp sạch.
Có trên 30 năm trồng lúa theo cách truyền thống, nhưng khi địa phương vận động trồng thử nghiệm theo quy trình sản xuất lúa sạch, ông Vũ Văn Thùy (xã Sông Ray) đã mạnh dạn chuyển đổi và bước đầu thu được kết quả khả quan. Ông Thùy cho biết, trước đây vì chưa ý thức hết tác hại của phân bón hóa học và thuốc trừ sâu gây ra cho môi trường đất và con người nên bản thân ông nhiều lần lạm dụng chúng. Từ khi chuyển sang trồng theo quy trình sạch, ông không phải tiếp xúc nhiều với hóa chất.
"Làm lúa hữu cơ tốn nhiều công hơn. Điều “bất di bất dịch” là ruộng chỉ được phép phun thuốc sinh học, bón phân hữu cơ vi sinh, dùng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh. Năng suất có giảm nhưng bù lại, mình bớt được nhiều chi phí đầu tư, giá bán cũng cao hơn so với lúa trồng theo phương pháp truyền thống nên nông dân vẫn có lời. Điều quan trọng hơn cả sức khỏe đỡ bị ảnh hưởng bởi thuốc hóa học" - ông Thùy nói.
Để cho các hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất, canh tác, huyện Cẩm Mỹ đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về quy trình sản xuất nông nghiệp sạch; tổ chức cho nông dân tham quan các mô hình sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương trong và ngoài tỉnh; tổ chức hội nghị giữa người trồng với hợp tác xã thu mua. Đặc biệt là huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền chính sách hỗ trợ nông dân như: hỗ trợ 50% chi phí mua giống trong 3 vụ đầu liên tiếp, 30% kinh phí thiết bị, vật tư thiết yếu trong nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
* Vận động người dân, doanh nghiệp cùng làm
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ hiện có khoảng 30 ngàn hécta diện tích cây trồng lâu năm và 23 ngàn hécta cây trồng hằng năm. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các loại cây, con chủ lực như: cây lúa tại 2 xã Sông Ray, Xuân Tây; cây bắp tại các xã: Sông Ray, Xuân Tây, Xuân Đông, Thừa Đức; rau củ quả tại xã Xuân Đông; cây sầu riêng tại các xã Xuân Bảo, Nhân Nghĩa; cây tiêu tại các xã: Lâm San, Sông Ray, Xuân Tây, Bảo Bình...
Nông dân Vũ Văn Thùy, xã Sông Ray giới thiệu mô hình trồng lúa theo quy trình sạch |
Đặc biệt, huyện có 4 sản phẩm nông nghiệp đã được trao chứng nhận VietGAP, GlobalGAP gồm: chôm chôm, mãng cầu xiêm, hồ tiêu và sầu riêng. Từ kết quả của các mô hình, huyện Cẩm Mỹ tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp sạch. Cùng với đó là cam kết hỗ trợ tối đa về thủ tục, vốn và các chương trình hỗ trợ khác theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 58 của UBND tỉnh.
Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện cũng chủ động xây dựng cơ chế riêng cho từng loại sản phẩm, ở từng địa phương, làm cơ sở thực hiện đề án Mỗi xã một sản phẩm và chọn ra các cây chủ lực của huyện. Từ đó, vận động nông dân liên kết tạo ra các mô hình sản xuất lớn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi mời gọi doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết trồng - chế biến - tiêu thụ, đem lại những sản phẩm an toàn cho xã hội và góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Lê An