Trên địa bàn Long Khánh có nhiều lễ hội văn hóa được duy trì tổ chức hàng năm, như: Lễ Kỳ yên tại Đình Xuân Lộc (phường Xuân An); lễ hội Tả tài phán của người Hoa ở xã Bàu Sen, Bình Lộc. Ngoài ra, còn có lễ Chol Chonam Thmay, Vía Bà ngũ hành, giỗ Đức thánh Trần Hưng Đạo, giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Chùa Ông…
Trên địa bàn Long Khánh có nhiều lễ hội văn hóa được duy trì tổ chức hàng năm, như: Lễ Kỳ yên tại Đình Xuân Lộc (phường Xuân An); lễ hội Tả tài phán của người Hoa ở xã Bàu Sen, Bình Lộc. Ngoài ra, còn có lễ Chol Chonam Thmay, Vía Bà ngũ hành, giỗ Đức thánh Trần Hưng Đạo, giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Chùa Ông…
* Lễ hội trở về “chính chủ”
Là một trong những lễ hội có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của đồng bào Chơro, lễ hội Sayangva (mừng lúa mới) được khôi phục từ năm 2009. Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Phạm Văn Hoàng cho biết, những năm gần đây chính quyền không “ôm sô” tổ chức lễ hội, mà để cho cộng đồng phát huy tính chủ động. Đến nay, lễ hội tổ chức luân phiên hàng năm tại các xã Bàu Trâm, Bảo Vinh, Bảo Quang, Hàng Gòn - là những nơi có đông đồng bào dân tộc Chơro sinh sống. Từ khi trở về “chính chủ”, lễ hội Sayangva được cộng đồng người dân tộc Chơro hưởng ứng, tham gia tích cực.
Đồng bào Chơro ở Long Khánh biểu diễn cồng chiêng tại lễ Sayangva. |
Ông Nguyễn Long, già làng ấp Hàng Gòn cho biết: “Chuẩn bị cho lễ hội, làng Chơro thật chộn rộn, không khí rất náo nhiệt. Đàn ông trong làng xúm nhau dựng bàn thờ Thần Lúa dưới gốc điều, trước sân nhà của già làng. Bồ lúa, cây nêu, nhiều ché rượu cần và những lễ vật khác… cũng được mọi người chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Những người cao niên trong làng đến và trò chuyện vui vẻ, trẻ em Chơro thì háo hức chờ ngày hội lớn. Đến ngày hội, không khí tưng bừng không sao tả xiết”.
Những nghi thức của lễ mừng lúa mới được người Chơro trực tiếp đảm trách đã tạo được không khí thiêng vốn có của lễ hội, không bị chi phối bởi các nghi thức mang tính hành chính. Vì thế, bà con dân tộc Chơro càng thêm phấn khởi.
* Nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng
Đặc biệt, trong lễ hội Sayangva hiện nay, ở phần hội, các cộng đồng Chơro đều đưa các hoạt động thể thao, văn nghệ, thêm phần phong phú. Các hoạt động văn nghệ, như: biểu diễn cồng chiêng, các bài dân ca, dân vũ; các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, thể thao, như: bắn nỏ, đẩy cây, làm bánh, đan gùi, làm cây nêu, dệt thổ cẩm… đều gắn liền với những đặc điểm phản ánh yếu tố dân tộc.
Ông Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận xét: Lễ hội Sayangva của đồng bào dân tộc Chơro TX. Long Khánh để lại rất nhiều cảm xúc, bởi hiện nay không gian diễn xướng của lễ hội không còn nhiều. Ngày xưa bà con sống với rừng, với rẫy. Bây giờ phần lớn bà con chuyển sang làm công nhân nông trường, các em, các cháu được học hành, đời sống về tinh thần, vật chất khá hơn xưa, nhưng điều kiện tổ chức lễ hội thật ra không còn nhiều. Khi thấy các lễ vật bà con dâng cúng, nghe tiếng cồng, chiêng của bà con đánh, đặc biệt, trong ánh mắt, trong điệu múa, trong quan hệ giao tiếp của bà con, đã cho thấy sức sống văn hóa của cộng đồng Chơro rất mạnh mẽ, như ngấm trong máu thịt của bà con. Tôi tin rằng, với tinh thần ấy, nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Chơro sẽ mãi mãi còn”. |
Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, thể thao trong lễ hội là điều kiện thuận lợi cho các nhóm cộng đồng Chơro trên địa bàn TX. Long Khánh giao lưu với nhau, tạo nên sắc thái đa dạng trong sinh hoạt lễ hội. Đồng thời, đây cũng là cơ sở giới thiệu các hoạt động văn hóa, giá trị di sản của cộng đồng các dân tộc anh em ở địa phương. Việc tổ chức văn nghệ kết hợp trong lễ hội này là điểm đáng ghi nhận trong việc đưa các hoạt động văn hóa về cơ sở có hiệu quả đối với cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Việc tổ chức luân phiên tại các địa bàn dân cư, mở rộng các hoạt động thể thao mang nét đặc thù của dân tộc đối với các đối tượng tham gia, kết hợp triển lãm các hình ảnh cộng đồng các dân tộc (phản ánh phong tục tập quán, giá trị di sản, gương điển hình cộng đồng…) sẽ góp phần làm cho lễ hội phong phú, đa dạng hơn. Thông qua tổ chức lễ hội, những giá trị truyền thống của người Chơro nói riêng từng bước được nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác bảo tồn, đồng thời phát huy trong xây dựng đời sống văn hóa, gắn chặt tình đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc anh em.
Quốc Tuấn