Không còn cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, những nông dân Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Tân Phong (TP.Biên Hòa)đang từng ngày, từng giờ học hỏi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để vươn lên làm giàu chính đáng.
Không còn cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, những nông dân Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Tân Phong (TP.Biên Hòa)đang từng ngày, từng giờ học hỏi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để vươn lên làm giàu chính đáng.
Ông Vũ Văn Định, Phó chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Phong, cho biết: “Ở Tổ hợp tác rau an toàn Tân Phong, hình ảnh người nông dân gánh nước tưới rau đã lùi vào quá khứ lâu rồi. Giờ bà con chỉ tưới rau bằng hệ thống van tưới tự động, vừa đỡ tốn công sức lại tiết kiệm nước và đảm bảo kỹ thuật”.
* Cơ giới hóa sản xuất
Trước đây, bà con trồng rau thường phải gánh nước tưới từng gốc cây, hoặc đào bể dẫn nước vào ruộng rồi kéo vòi tưới đi khắp nơi. Mấy năm gần đây, hệ thống van tưới tự động bắt đầu được bà con đưa vào sử dụng. Ban đầu chỉ có những nhà có diện tích sản xuất lớn mới lắp đặt hệ thống tưới hiện đại này, nhưng sau thấy có hiệu quả kinh tế, các hộ khác cũng lắp đặt. Đến nay, trên 90% các thửa ruộng của Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Tân Phong đã sử dụng hệ thống van tưới tự động.
Nông dân Tổ hợp tác rau an toàn Tân Phong ứng dụng cơ giới hóa sản xuất. |
Những khâu vất vả khác trong việc canh tác của nông dân hiện nay đều đã có sự hỗ trợ của máy móc. Hầu hết các hộ sản xuất đều được trang bị máy xới, máy cày. Anh Nguyễn Tấn Đạt, một nông dân của tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, cho biết: “Trước đây hầu hết bà con xới đất bằng tay, không dùng máy móc bởi diện tích canh tác không rộng, nhà nhiều nhất cũng chỉ có trên 2 sào. Trong những lần đi tham quan mô hình sản xuất rau tại Đà Lạt, thấy nông dân trên ấy có sử dụng các loại máy xới loại nhỏ, khá phù hợp với việc sản xuất trên diện tích nhỏ lẻ, chúng tôi rất thích nên đặt mua để sử dụng”. Việc phun thuốc trừ sâu bệnh cũng được bà con cơ giới hóa để đảm bảo đúng kỹ thuật và an toàn cho người sử dụng hơn.
Tuy số vốn đầu tư ban đầu không nhỏ (15 triệu đồng/sào cho việc lắp hệ thống van tưới tự động, 14-18 triệu đồng/máy xới), nhưng xét về mặt hiệu quả, việc thực hiện cơ giới hóa giúp năng suất công việc của bà con nông dân tăng lên gấp nhiều lần, lại tiết kiệm được thời gian.
* Hiệu quả từ ứng dụng khoa học - kỹ thuật
Không chỉ cơ giới hóa trong quá trình sản xuất, mà bà con còn tích cực ứng dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Hầu như người nông dân nào cũng thông thạo về độ pH, về chất liệu của các loại đất trồng, có thể giải thích một cách rành rọt về cơ chế sử dụng các loại phân bón, chế phẩm sinh học và đặc điểm, nhu cầu dinh dưỡng, chế độ chăm sóc của các loại cây... như nhà khoa học thực thụ.
Nhờ vậy, năng suất và chất lượng rau sản xuất tại Tổ hợp tác rau an toàn phường Tân Phong ngày càng tăng. Từ chỗ năng suất rau chỉ trên dưới 1 tấn/sào/vụ, đến nay năng suất trung bình đã là khoảng 3 tấn/sào/vụ. Thời gian sản xuất 1 lứa rau cũng được rút ngắn lại từ 18-20 ngày. Người nông dân đỡ phải “đầu tắt mặt tối”, thu nhập cũng được cải thiện đáng kể.
Anh Nguyễn Tấn Đạt cho biết: “Để có thể sống với nghề, nông dân chúng tôi buộc phải thích nghi với việc tìm hiểu các kiến thức khoa học - kỹ thuật. Kinh nghiệm sản xuất và sự chăm chỉ, siêng năng chỉ có thể chiếm 50% tỷ lệ thành công, 50% còn lại là do biết cách học hỏi, trau dồi và ứng dụng các kiến thức khoa học. Vì vậy, ngoài thời gian làm việc trên đồng ruộng, chúng tôi thường vào mạng để tìm hiểu kiến thức trên các trang web khuyến nông”.
Mỹ Hạnh