Gần 3,3 tỷ đồng tiền cho vay đến tay 396 hộ nghèo của huyện Tân Phú trong 4 năm qua từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã phát huy được hiệu quả khi giúp nhiều hộ dân ở địa phương này vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gần 3,3 tỷ đồng tiền cho vay đến tay 396 hộ nghèo của huyện Tân Phú trong 4 năm qua từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã phát huy được hiệu quả khi giúp nhiều hộ dân ở địa phương này vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mỗi hộ tham gia dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo sẽ được vay vốn ưu đãi trong 3 năm không tính lãi. Khi hết thời hạn 3 năm, phải hoàn trả vốn để tiếp tục giải ngân cho các hộ khác vay. Hiện huyện Tân Phú đang thu hồi vốn để giải ngân tiếp cho các hộ nghèo khác vay.
* Giúp cần câu
Theo Phó chủ tịch UBND xã Phú Lộc Nguyễn Ngọc Tú, đa số người dân địa phương sống bằng nghề nông nhưng hầu hết những hộ nghèo thường thiếu vốn đầu tư. Đó là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao.
Anh Trần Thanh Tý, ấp 7, xã Phú Lộc (huyện Tân Phú) chăm sóc đàn bò. |
Do vậy, khi được hưởng thụ nguồn vốn từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, hầu hết các hộ ở xã Phú Lộc đều mua bò để chăn nuôi. Một số hộ sau khi bán bò đã chuyển sang nuôi dê hoặc làm các ngành nghề khác. Để giúp bà con sử dụng vốn vay hiệu quả, huyện đã mở nhiều đợt tập huấn về kỹ thuật làm chuồng trại, cách phòng ngừa bệnh trong chăn nuôi và trồng trọt nên mô hình này càng phát huy tác dụng.
Huyện Tân Phú hiện có khoảng 2.963 hộ vươn lên thoát nghèo thông qua dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 20,04 % năm 2009 xuống còn trên 11,77% cuối năm 2012 (theo tiêu chí mới). Theo dự kiến đến cuối năm 2013, huyện Tân Phú sẽ có khoảng 300 hộ trong dự án vươn lên thoát nghèo, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7% đầu năm 2014. |
Đơn cử như hộ chị Trần Thị Kim Chi, ấp 2, xã Phú Lộc được vay 7,5 triệu đồng, đã mua 2 con bê về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, sau 3 năm gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo bền vững và hoàn trả hết vốn vay, đồng thời có tiền lo cho 3 con ăn học, sửa chữa được nhà ở. Hoặc như hộ anh Trần Thanh Tý, ấp 7, xã Phú Lộc cũng được vay 7 triệu đồng để nuôi bò. Sau khi bán bê con lấy vốn, anh Tý mở rộng chăn nuôi thêm dê. Nay anh đã trả hết vốn vay, trong chuồng vẫn còn 2 con bò và đàn dê 8 con dê sinh sản…
Theo chị Trương Thị Kim Hoa, cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Phú Lộc, hiện đã thu hồi hết vốn và đang tiếp tục cho vay vòng 2 với dự án chăn nuôi dê. Thực tế tại địa phương thì chăn nuôi dê dễ hơn chăn nuôi bò, vì thức ăn của dê dễ tìm và có sẵn trong vườn.
* Chọn mô hình phù hợp với thực tiễn
Theo ông Hoàng Danh Nghĩa, Phó phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Tân Phú, qua 4 năm triển khai dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo tại huyện Tân Phú, đến nay nguồn vốn đã lên gần đến 3,3 tỷ đồng. Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện đã giải quyết cho 396 hộ nghèo vay để thực hiện nhân rộng các nhiều mô hình hay. Cụ thể như: dự án chăn nuôi bò sinh sản tại 6 xã: Phú Lộc, Phú An, Trà Cổ, Phú Xuân, Núi Tượng, Nam Cát Tiên; dự án chăn nuôi dê tại các xã: Phú Lập, Phú Xuân, Phú Thịnh và Phú Bình; dự án chăn nuôi thỏ tại xã Phú Sơn và dự án chăn nuôi ếch tại xã Tà Lài…
Sau 4 năm triển khai dự án, ông Hoàng Danh Nghĩa cho biết mô hình nuôi ếch thịt và nuôi thỏ hiệu quả kinh tế không cao, song 11 mô hình nuôi bò và nuôi dê đã và đang có hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Lê Chương - Bích Liên