Sau nhiều lần thất bại từ chăn nuôi và trồng trọt, 2 nông dân tại huyện Định Quán đã mạnh dạn tự hợp tác với nhau để chuyển đổi sang trồng cây cam và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ.
Sau nhiều lần thất bại từ chăn nuôi và trồng trọt, 2 nông dân tại huyện Định Quán đã mạnh dạn tự hợp tác với nhau để chuyển đổi sang trồng cây cam và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng khích lệ.
* Học hỏi để thành công
Tháng 8-2009, sau khi tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ một số nông dân trồng cam từ tỉnh miền Tây, ông Trần Thanh Long đã đến đặt vấn đề hợp tác với ông Nguyễn Thanh Tú để chuyển toàn bộ 5 hécta vườn tạp sang trồng cam. Hai ông đã mạnh dạn hùn hạp để đầu tư phát triển loại cây này. Ông Trần Thanh Long cho biết: “Chúng tôi phải luôn tìm tòi để hiểu về đặc tính cũng như cách chăm sóc cây cam, như: Nguồn nước, theo dõi sự phát triển của cây theo từng giai đoạn, xịt thuốc tùy theo nhu cầu. Theo tôi, việc học hỏi là điều rất quan trọng”.
Chủ động được nguồn nước tưới nên cam phát triển tốt. |
Từ những kinh nghiệm tìm hiểu được, ông Long và ông Tú đã cải tiến việc trồng xen các loại cây có tán để tạo bóng mát cho cây cam, đồng thời đầu tư hệ thống phun tưới tự động với tổng kinh phí trên 120 triệu đồng... Đến nay, sau hơn 1 mùa thu hoạch, vườn cam này đã mang lại lợi nhuận khá lớn cho 2 ông chủ có ý nghĩ mạnh dạn trong việc kết hợp với nhau để sản xuất.
Ông Nguyễn Thanh Tú phấn khởi cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng cho vườn cam trong 4 năm qua. Vụ mùa đầu tiên 2011 - 2012, tổng doanh thu đã tương đương với số tiền đã đầu tư. Hy vọng những vụ mùa sắp tới, lợi nhuận sẽ giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn và tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình cây cam”.
* Định hướng quy hoạch vùng chuyên canh
Từ sự thành công bước đầu của vườn cam này, UBND xã Phú Hòa cũng đã có kế hoạch khuyến khích các hộ dân trong khu vực đến tham quan tìm hiểu và học tập kỹ thuật chăm sóc cây cam, nhằm chuyển đổi một số loại cây không có giá trị kinh tế sang loại cây trồng này.
Ông Huỳnh Tấn Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hòa, huyện Định Quán cho biết: “Đảng ủy, UBND xã là muốn chuyển cơ cấu cây trồng một số vườn cây không còn hiệu quả. Theo đó, chúng tôi đang hướng đến thành lập một tổ hợp tác, để tập hợp nông dân lại để bà con học tập kinh nghiệm lẫn nhau, ứng dụng khoa học công nghệ, công tác khuyến nông, vay vốn…”
Việc khuyến khích người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng là việc làm thiết thực của chính quyền địa phương nhằm giúp người dân cải thiện kinh tế gia đình. Thế nhưng để giúp người dân yên tâm sản xuất theo hướng bền vững thì điều quan trọng là cần phải định hướng quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng và hỗ trợ người dân trong việc hình thành một chuỗi liên kết giữa nhà nông - nhà tiêu thụ và người tiêu dùng với nhau.
Tuấn Hải