Chí tiến thủ, ham học hỏi, năng động tự tin trong cách nghĩ, cách làm của thanh niên Trảng Bom những năm qua đã được chắp cánh thông qua các đợt tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các dự án vay vốn ủy thác của Đoàn… Nhờ vậy, thanh niên trong huyện đã thể hiện được khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Chí tiến thủ, ham học hỏi, năng động tự tin trong cách nghĩ, cách làm của thanh niên Trảng Bom những năm qua đã được chắp cánh thông qua các đợt tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các dự án vay vốn ủy thác của Đoàn… Nhờ vậy, thanh niên trong huyện đã thể hiện được khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Thanh niên làm nghề mộc ở Trảng Bom. |
Trong rất nhiều thanh niên sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi ở Trảng Bom, mỗi người một cách nghĩ, cách làm nhạy bén, nhưng ở họ đều có một nét chung là ý chí và nghị lực vươn lên làm giàu chính đáng.
* Những người trẻ xung kích
Với bản tính cần cù, đam mê học hỏi, nên mới ở tuổi 32, anh Lầu Nhịt Sáng, ngụ ấp Tân Hoa, xã Bàu Hàm đã làm chủ vườn rẫy gần 1 hécta bưởi, nuôi heo rừng và nhím. Thời gian gần đây, tuy giá nhím “xuống dốc” nhưng nhờ mô hình khác bù lại nên gia đình anh vẫn có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đến thăm trang trại của anh Nguyễn Trí Viễn - Bí thư Chi đoàn ấp Hưng Bình, xã Hưng Thịnh, mọi người mới thấy tinh thần xung kích của tuổi trẻ. Năm 2006, anh mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại rộng 6 ngàn m2 nuôi gà khép kín có hệ thống làm lạnh với hơn 10 ngàn con gà thương phẩm. Sau đó, anh phát triển thêm 3 chuồng nuôi với 30 ngàn con gà. Để tận dụng nguồn thức ăn từ gà, anh còn đào 6 ngàn m2 ao nuôi cá. Nhờ vậy, anh có điều kiện chia sẻ kỹ thuật sản xuất và giải quyết việc làm cho 10 đoàn viên với mức thu nhập 2,2 triệu đồng/tháng.
Riêng với thanh niên dân tộc Nùng Vòong Vểnh Qua, ngụ xã Bàu Hàm, thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự đã giúp anh bền chí làm kinh tế. Không có vốn để đầu tư sản xuất, anh hợp tác trồng tiêu chung với nhiều người trong xã, từ đó tích lũy vốn để mua 2 hécta đất nông nghiệp. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, hiện 1,7 hécta tiêu, cà phê của anh Qua đã cho thu nhập 200 triệu đồng/năm.
Còn anh Đinh Đức Lãm - Bí thư Chi đoàn ấp Lộ Đức, xã Hố Nai 3 là một điển hình của việc “ly nông bất ly hương”. Anh theo học nghề mộc và vay vốn mở cơ sở sản xuất. Đến nay, sau 6 năm hoạt động, cơ sở đã mở rộng quy mô nhà xưởng lên 800m2 với doanh thu mỗi năm trên 300 triệu đồng. Anh đã tạo việc làm cho 20 đoàn viên với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Lãm chia sẻ: “Là bí thư chi đoàn vận động đoàn viên thanh niên trong ấp hăng hái lao động, sản xuất thì trước hết bản thân phải làm gương. Để thuyết phục không gì hay hơn những mô hình cụ thể, có hiệu quả kinh tế”.
* Nhân rộng các điển hình
Tại Trảng Bom, ngoài các vấn đề sinh hoạt theo quy định, một số chi đoàn còn đưa vào tập huấn kỹ năng nuôi trồng, sản xuất để đoàn viên, thanh niên trong huyện tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến. Từ việc làm này, nhiều bạn trẻ được hỗ trợ cây, con giống, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất.
Anh Nguyễn Trung Hiếu - Bí thư Huyện đoàn Trảng Bom cho biết: “Qua công tác kiểm tra tại một số chi đoàn ấp, chúng tôi nhận thấy phong trào thi đua sản xuất được quan tâm hơn trước. Đoàn viên thanh niên tích cực hỗ trợ nhau về kỹ thuật, cây con giống để cùng lập thân lập nghiệp. Đây là việc làm mới, thể hiện được tinh thần đoàn kết, cầu tiến của đoàn viên thanh niên nông thôn trong lao động sản xuất”.
Hàng năm, Huyện đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên huyện Trảng Bom đã chỉ đạo các cơ sở xây dựng và phát triển các mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm, vườn đồi, hàng thủ công mỹ nghệ... Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm những mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả của đoàn viên thanh niên; cách làm hay của các cơ sở Đoàn trong vận động, hỗ trợ đoàn viên thanh niên lập nghiệp, Huyện đoàn Trảng Bom sẽ tổ chức nhân rộng trong toàn huyện.
Lý Minh Thuận