Báo Đồng Nai điện tử
En

Điểm tựa của người nghèo và đối tượng chính sách

08:03, 18/03/2013

Để chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Vĩnh Cửu đã huy động được sự quản lý, giám sát đồng bộ của các cấp, các ngành chung tay thực hiện chương trình.

Để chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Vĩnh Cửu đã huy động được sự quản lý, giám sát đồng bộ của các cấp, các ngành chung tay thực hiện chương trình.

Hiện nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã thực hiện ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể, gồm: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, ủy nhiệm cho 194 tổ tiết kiệm và vay vốn, thực hiện 6 chương trình tín dụng với tổng số dư nợ ủy thác là 104 tỷ đồng, chiếm gần 100% tổng dư nợ của đơn vị.

* Để vốn vay phát huy được mục đích

Đã ngoài 70 tuổi, nhưng ông Võ Tấn Ánh, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 14, thị trấn Vĩnh An, vẫn quản lý 55 hội viên. Để làm tốt vai trò của mình, ông Ánh luôn thể hiện tinh thần nhiệt huyết. Dù nắng hay mưa, ông cũng lặn lội đến nhà hội viên để thu tiền lãi cho kịp thời hạn. Ông kể, có nhiều lúc không may, xe bị hư dọc đường, hoặc lúc trời mưa đường lầy lội, ông vẫn quyết tâm hoàn thành tốt công việc.

Một buổi họp của tổ vay vốn và tiết kiệm số 14.
Một buổi họp của tổ vay vốn và tiết kiệm số 14.

Tổ tiết kiệm và vay vốn số 14  mỗi tháng họp một lần để kiểm tra tình hình sử dụng nguồn vốn của các hội viên, đồng thời trao đổi kinh nghiệm để giúp nhau phát triển kinh tế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của một số hội viên đang gặp phải. Nhờ đó, trên 40% hộ nghèo vay vốn trong tổ của ông quản lý đã vượt nghèo. Ngoài ra, gần 30 học sinh, sinh viên nghèo con của hội viên cũng được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ học sinh, sinh viên để tiếp tục đến trường, trong đó, có hơn 10 em đã tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học ở các trường và có việc làm ổn định.

Ông Ánh cho biết: “Khi cho tổ viên vay, chúng tôi phải bình xét rõ ràng. Sau 10 ngày cho vay, chúng tôi sẽ kiểm tra và theo dõi thường xuyên các tổ viên có sử dụng vốn đúng mục đích hay không. Nếu tổ viên nào không sử dụng vốn đúng mục đích, NHCSXH sẽ thu hồi vốn vay lại. Điều mừng là tổ viên ý thức rất cao khi nhận vốn vay phải sử dụng đúng mục đích”.

Không chỉ ông Ánh mà nhiều tổ trưởng khác cũng làm rất tốt vai trò của mình và đạt được hiệu quả cao. Ông Trương Văn Thanh, Giám đốc NHCSXH huyện Vĩnh Cửu cho biết: “Mạng lưới của các tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn ấp, khu phố là một mắt xích rất quan trọng trong mô hình quản lý đặc thù của NHCSXH. Do đó, vai trò của tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn đòi hỏi phải có năng lực tổ chức hoạt động làm sao đưa hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn có chất lượng”.

* Hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã góp phần giúp cho hơn 3.200 hộ thoát nghèo; 5.059 lao động có việc làm mới; gần 4 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có tiền trang trải chi phí học tập; trên 3.250 hộ sử dụng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn 1.886 hộ gia đình vùng khó khăn có vốn để sản xuất, kinh doanh.

Nhờ 8 triệu đồng vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, ông Nguyễn Văn Sang đã thoát nghèo.
Nhờ 8 triệu đồng vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, ông Nguyễn Văn Sang đã thoát nghèo.

Chẳng hạn, năm 2007, được NHCSXH huyện Vĩnh Cửu cho vay 8 triệu đồng,  ông Nguyễn Văn Sang ở tổ 4, KP4, thị trấn Vĩnh An đã đầu tư mua 2 con bò sinh sản. Sau hơn một năm, gia đình ông đã có thêm được 2 bò con, và cũng từ đây cuộc sống gia đình bước qua một trang mới. Ông quyết định mở rộng mô hình chăn nuôi bò bằng cách trả nợ cũ và vay tiếp số vốn lớn hơn để về sửa sang chuồng trại, mua thêm bò giống, ông Sang còn trồng thêm một hécta mía. Qua 4 đợt vay với tổng số vốn là 65 triệu đồng, hiện gia đình ông đã có được căn nhà khá khang trang, đàn bò giống 8 con và trên 1 hécta mía. Ông Sang vui mừng cho biết: “Một lần tôi bán 6 con bò được 80 triệu đồng. Có số tiền lớn và Nhà nước hỗ trợ cộng với số tiền nhà góp thêm, tôi xây mới căn nhà cấp 4”.

Hay ở xã Hiếu Liêm, có mô hình nuôi hươu nai của hộ bà Vũ Thị Hồng, ngụ ở ấp 2, cũng khá thành công. Bà Hồng cho biết: “Năm 2007, gia đình tôi được NHCSXH xét cho vay 15 triệu đồng, đầu tư làm chuồng và mua một con nai giống. Sau 5 năm, tôi trả hết nợ và sau đó vay tiếp 20 triệu đồng, và hiện nay thì gia đình đã có 6 con nai sinh sản”. Bên cạnh đó, bà còn được xét vay vốn học sinh, sinh viên để nuôi con ăn học...

Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Cửu đã không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng và hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, bảo đảm vốn tín dụng đến đúng đối tượng, có hiệu quả, hạn chế được tối đa việc thất thoát, xâm tiêu, lợi dụng nguồn vốn ưu đãi...

Qua 10 năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Vĩnh Cửu đã giải ngân với doanh số gần 178 tỷ đồng cho 23.67 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn theo các chương trình tín dụng ưu đãi. Đến đầu năm 2013, tổng dư nợ Phòng giao dịch NHCSXH huyện cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách vay đạt 104 tỷ 408 triệu đồng, tăng gấp 29,3 lần so với ngày đầu thành lập năm 2003. Nhìn chung, chất lượng tín dụng được nâng cao rõ rệt với tỷ lệ nợ xấu giảm dần từ 16% (năm 2003) xuống hiện còn 1,97%.

Có thể nói 10 năm qua, hoạt động NHCSXH huyện Vĩnh Cửu đã khẳng định được vai trò của mình, nỗ lực hết mình trong việc thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi, phục vụ tốt nhu cầu vay vốn đối với các hộ nghèo, gia đình chính sách, cùng các cấp chính quyền, ngành ở địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện; đồng thời là điểm tựa tin cậy cho người nghèo trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu.

T. Diệu - L.Thủy - T. Bách

 

 

 

 

Tin xem nhiều