Trảng Bom hiện có gần 1.300 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trong đó nhiều nơi nghề truyền thống tồn tại lâu đời, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn. Tuy nhiên, quy mô sản xuất mới chỉ dừng ở hộ cá thể, nhỏ lẻ, sử dụng phương pháp thủ công là chính.
Trảng Bom hiện có gần 1.300 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trong đó nhiều nơi nghề truyền thống tồn tại lâu đời, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn. Tuy nhiên, quy mô sản xuất mới chỉ dừng ở hộ cá thể, nhỏ lẻ, sử dụng phương pháp thủ công là chính.
Nghề mây tre đan ở thị trấn Trảng Bom. |
Hộ bà Phạm Thị Phụ ở thị trấn Trảng Bom chuyên đan bàn ghế, chõng, kệ bằng mây. Ngoài người nhà, bà còn thuê thêm 15 lao động trong khu phố làm theo đơn đặt hàng của các công ty ở TP.Hồ Chí Minh. Do vốn, công cụ sản xuất có hạn, nên sản phẩm chỉ ở dạng thô; các công ty đem về gia công bằng cách sấy, tẩm hóa chất chống mối mọt và đánh bóng, đóng thùng xuất khẩu sang nước ngoài.
Nhìn tổng quan trong huyện, ngành gỗ và mây tre phát triển mạnh; tuy vậy do quan niệm trước đây về các nghề tiểu thủ công nghiệp nông thôn chỉ là nghề phụ, và hiện hầu hết các hộ tham gia làm tự phát, chưa có thị trường thật sự ổn định, chưa có sức cạnh tranh. Ông Trần Trung Lộc - Phó phòng Kinh tế huyện Trảng Bom khẳng định: “Hiện nay huyện rất quan tâm, chỉ đạo cho các ngành chức năng, đặc biệt là Phòng Kinh tế triển khai Quyết định 46 của UBND tỉnh về thành lập và phát triển làng nghề gỗ mỹ nghệ tại xã Bình Minh với diện tích 2,2 hécta. Huyện cũng tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở thực hiện chính sách khuyến công, như: giới thiệu sản phẩm trên các trang web miễn phí, hỗ trợ kinh phí đi tổ chức hội chợ trong và nước ngoài…”.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Trảng Bom, doanh thu từ các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt khoảng 80 tỷ đồng/năm. Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp khá phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhất là gỗ mỹ nghệ, mây tre lá. |
Như vậy, kinh tế làng nghề sẽ được huyện Trảng Bom phát triển theo xu hướng: quy hoạch các ngành nghề có thế mạnh, sử dụng nguyên liệu, lao động tại chỗ. Trước vấn đề đào tạo nghệ nhân tự phát, huyện sẽ mở những lớp huấn luyện cụ thể, kèm theo cả phương thức kinh doanh, tiếp thị… Ngoài ra, huyện sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, giúp các làng nghề kịp thời nắm bắt thông tin thị trường; thành lập các tổ chức, hiệp hội cho khâu tiêu thụ...
Phan Ngà