Đến nay, ngành giáo dục ở huyện Tân Phú đã vượt qua những khó khăn ban đầu để tập trung nâng cao chất lượng dạy và học với những bước khởi sắc đáng kể.
Đến nay, ngành giáo dục ở huyện Tân Phú đã vượt qua những khó khăn ban đầu để tập trung nâng cao chất lượng dạy và học với những bước khởi sắc đáng kể.
Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, kể từ ngày huyện được thành lập, ngành GD-ĐT Tân Phú từng bước phát triển vững chắc và toàn diện.
* Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện
Những năm đầu mới thành lập huyện, hệ thống trường học các cấp trong toàn huyện chưa tới 30 trường, tỷ lệ huy động học sinh học các lớp phổ thông chỉ đạt khoảng 65%. Đến năm học 2012-2013, huyện có 24 trường mầm non, 28 trường tiểu học, 18 trường THCS, và 5 trường THPT với tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt gần 90%. Đặc biệt, huyện hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS. Huyện đang triển khai tích cực công tác phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi với mục tiêu phấn đấu hoàn thành vào năm 2015.
Trường THCS Phú Sơn là một trong những trường học ở huyện Tân Phú được đầu tư xây dựng khang trang để nâng cao chất lượng. |
Ông Đỗ Nguyên Trí, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Tân Phú cho biết: “Có được kết quả đáng mừng như trên, ngoài nỗ lực sáng tạo, quyết tâm của đoàn thể đội ngũ các nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, nhân viên các đơn vị trường học thì sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Sở GD-ĐT, phối hợp của các đơn vị, địa phương là hết sự quan trọng. Mặt khác, trong 21 năm qua, cơ sở vật chất trường lớp ngành giáo dục cũng được đầu tư, nâng cấp, tạo nên diện mạo khang trang, hiện đại cho các trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.
Những nỗ lực của ngành giáo dục huyện Tân Phú đều hướng đến một trong những nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Theo đó, tỷ lệ học sinh được đánh giá, xếp loại hạnh kiểm tốt, khá; học lực khá giỏi năm sau cao hơn năm trước, bám sát mặt bằng chung của tỉnh. Số lượng học sinh giỏi đạt giải các kỳ thi huyện, tỉnh ngày một tăng. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, chuyển lớp đạt từ 97-99%; học sinh thi vào các trường đại học, cao đẳng từ 25-30%. Nhiều em đạt được các danh hiệu thủ khoa đầu vào, đầu ra ở một số trường đại học và đạt danh hiệu sinh viên ưu tú xuất sắc, có em ra trường trở thành giảng viên các trường đại học hoặc được học bổng đi du học nước ngoài. Toàn huyện hiện có 16 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
* Chú trọng phát triển nhân sự của ngành
Trong giai đoạn từ 2001 đến nay, ngành GD-ĐT huyện trải qua thời kỳ cải cách, đổi mới một cách toàn diện cả về nội dung, phương pháp giáo dục. Dù là huyện miền núi, còn nhiều khó khăn, điều kiện học tập, giao lưu còn hạn chế, song huyện quyết tâm không để GD-ĐT Tân Phú tụt hậu, phải vươn lên sánh vai cùng giáo dục các huyện, thành phố và thị xã trong tỉnh.
Để đạt được điều đó, lãnh đạo huyện Tân Phú luôn xác định yếu tố con người là quan trọng nhất. Do vậy, huyện luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tạo chuyển biến chất lượng rõ rệt. Đến nay, với hơn 2.500 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đội ngũ giáo viên của huyện đủ số lượng và chất lượng được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ giáo viên ở huyện có trình độ chuyên môn đạt chuẩn gần 100%, trong đó tỷ lệ trên chuẩn đạt gần 70%. Đặc biệt, hiện 100% cán bộ quản lý giáo dục của huyện Tân Phú có bằng cử nhân hoặc chứng chỉ quản lý giáo dục. Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT huyện còn thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý, giảng dạy.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục - đào tạo huyện Tân Phú là tiếp tục xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh, hiểu biết về chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện trong giai đoạn mới. |
Ông Đỗ Nguyên Trí khẳng định: Những kết quả đạt được là tiền đề, niềm tin để ngành GD-ĐT huyện miền núi này hướng đến những mục tiêu cao hơn trong giai đoạn mới. Trong đó, huyện tiếp tục củng cố, giữ vững và mở rộng quy mô trường, lớp, học sinh; bảo đảm tỷ lệ huy động độ tuổi mầm non đến lớp ngày càng cao; quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS. Bên cạnh đó, huyện còn phấn đấu nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên 35% vào năm 2015.
Tiến Khang