Có thể nói, cánh đồng cùng canh tác một đợt đã đem lại những hiệu quả ngoài mong đợi, chưa từng có cho nông dân xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú.
Có thể nói, cánh đồng cùng canh tác một đợt đã đem lại những hiệu quả ngoài mong đợi, chưa từng có cho nông dân xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú.
Chỉ còn vài ngày nữa, cánh đồng Đa Tôn 30 hécta sẽ đồng loạt thu hoạch. Đây là điều chưa từng có ở xã Thanh Sơn. Bởi, từ trước đến nay, với lối canh tác theo tập quán cũ mạnh ai nấy làm nên chưa bao giờ cả cánh đồng lúa lại chín đều và đồng loạt như thế.
Cánh đồng lúa ở xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú. |
Vụ hè - thu năm nay, 79 hộ dân ở xã Thanh Sơn được huyện hỗ trợ 80% giống lúa OM 6162 với số tiền gần 45 triệu đồng. Nhìn những bông lúa trĩu vàng, nông dân địa phương ai cũng phấn khởi trước vụ bội thu, năng suất đạt cao nhất từ trước đến nay. Bà Lâm Thị Hằng, nông dân ấp Đa Tôn vui mừng chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cứ theo thói quen, khi nào thuận lợi là gieo cấy, không kể mùa vụ gì cả, giống lúa thì chọn những vùng đẹp ở trong ruộng, chứ không mua ở ngoài vì giá cao. Vì thế, năm được mùa, năm mất mùa, có năm mất trắng vì bị dịch bệnh”.
Trên thực tế, tuy nằm cạnh dưới chân đập của hồ thủy lợi Đa Tôn rất thuận lợi về nguồn nước, nhưng cả cánh đồng lại bị chua phèn. Ngoài ra, nông dân trồng lúa không đồng loạt nên những mầm bệnh thường lưu lại khó diệt trừ.
Từ đó, chủ trương thực hiện cánh đồng trà vụ, tiến tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn đã được xã Thanh Sơn triển khai để nông dân địa phương đồng loạt thực hiện.
Ông Phạm Xuân Mộc, Chủ nhiệm CLB lúa năng suất cao, trưởng ấp Đa Tôn cho biết: “Để thay đổi thói quen canh tác trồng lúa với bà con nông dân ở đây thật khó, nhưng khi chứng minh cho bà con thấy được sự hiệu quả trong việc đổi mới... có hỗ trợ về giống và hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp, nông dân trong xã mới đồng tình tham gia”.
Hiện nay, mặc dù chưa thu hoạch nhưng nhìn vào cánh đồng lúa, năng suất ước đạt thấp nhất phải là 6,5 tấn/hécta, cao hơn nhiều so với trước đây. Trong khi chi phí đầu tư thấp do ít dịch bệnh hơn, công canh tác thấp hơn…
Ngoài thực hiện xuống giống đồng loạt, xã Thanh Sơn còn tổ chức cho các giáo viên ở Trung tâm dạy nghề huyện và kỹ sư của Phòng Nông nghiệp, Trạm khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật phổ biến lý thuyết và trực tiếp hướng dẫn thực hành trên chính ruộng lúa tại địa phương. Vì vậy, khi có dấu hiệu dịch bệnh xuất hiện thì được xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.
Sau khi thực hiện thí điểm xuống giống đồng loạt với diện tích 30 hécta, trong vụ tới xã sẽ tiếp tục mở thêm diện tích lên 80 hécta sang những cánh đồng khác ở các ấp: Suối Đá, Cây Dầu, Thanh Quang… “Từ thành công với cánh đồng trà vụ, xã Thanh Sơn sẽ tiến hành thực hiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tạo đà để thực hiện chương trình xây dựng dựng nông thôn mới” - ông Lê Văn Thiều, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết.
Thùy Trang - Phú Lâm