Toàn huyện Tân Phú có trên 170 ngàn người, trong có 55% ở độ tuổi lao động, chủ yếu làm nông nghiệp. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là yêu cầu bức thiết hiện nay ở huyện miền núi này.
Toàn huyện Tân Phú có trên 170 ngàn người, trong có 55% ở độ tuổi lao động, chủ yếu làm nông nghiệp. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là yêu cầu bức thiết hiện nay ở huyện miền núi này.
* Đa dạng nghề đào tạo
Toàn huyện Tân Phú hiện có 93.267 người trong độ tuổi lao động, trong đó, số người có việc làm ổn định là 73.345 người. Tuy lực lượng lao động dồi dào, nhưng tỷ lệ lao động tại huyện miền núi này có tay nghề thấp, khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống còn hạn chế.
Đào tạo nghề đan lục bình tại xã Phú Thanh. Ảnh: L.Chương |
Xuất phát từ nhu cầu thực tế của cơ sở, ban chỉ đạo giải quyết việc làm cho lao động nông thôn huyện Tân Phú đã liên kết với các trường, trung tâm dạy nghề tổ chức mở các lớp đào tạo ngắn hạn cho lao động nông thôn với các ngành, như: may gia dụng, chăn nuôi thú y, trồng nấm, đan lát thủ công, làm vườn cây cảnh, sửa chữa máy tính, xây dựng và sữa chữa nhà… Qua 2 năm triển khai, huyện đã giới thiệu việc làm cho 4.583 lao động địa phương làm việc tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ông Hoàng Danh Nghĩa, Phó trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Tân Phú cho biết: Nguồn kinh phí được cấp trong năm 2012 là 4 tỷ đồng, huyện sẽ hướng tập trung đào tạo từ 2.000 - 2.200 lao động tại địa phương với các khóa đào tạo nghề ngắn hạn 3 tháng. Bên cạnh việc chú trọng đào tạo những nghề thu hút nhiều lao động, tạo công ăn việc làm nâng cao đời sống, huyện cũng liên hệ với các công ty, xí nghiệp giới thiệu việc làm cho 3 ngàn lao động.
* Đổi thay từ đề án
Sau khi được học nghề, các học viên đã vận dụng các kỹ thuật vào trong lĩnh vực sản xuất của mình nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Tiêu biểu là hộ ông Nguyễn Văn Sỹ, ấp Phú Thắng, xã Phú Trung. Trước đây, ông chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhờ tham dự lớp học thú y từ năm 2010, nắm được kỹ thuật chăn nuôi cho năng suất cao, cách phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả,… ông Sỹ đã mạnh dạn đầu tư cho chăn nuôi. Đến nay, cơ sở chăn nuôi của ông có 9 con heo nái, 10-15 con heo thịt, bình quân mỗi năm gia đình xuất ra thị trường từ 5-6 tấn heo hơi.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Tân Phú cho biết: “Bên cạnh những hiệu quả ban đầu, đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, như: một số địa phương chưa quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo nghề; một số nghề qua đào tạo không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nên dẫn tới người lao động sau khi được đào tạo vẫn thiếu việc làm hoặc có việc làm không phù hợp”. |
Còn hộ ông Phạm Văn Hòa, ấp Cây Dầu, xã Thanh Sơn, khi học qua lớp trồng rau an toàn, nay đã biết cách chọn giống, phương pháp gieo trồng, bón phân, dùng thuốc thích hợp...
Không chỉ những hộ có đất canh tác mà còn rất nhiều hộ qua đào tạo nghề đã đem đến cho họ có nguồn thu nhập. Đơn cử như hộ chị Phạm Thị Xuân, ấp Thọ Lâm 3 (xã Phú Thanh), không có đất sản xuất, thuộc diện nghèo nhưng từ khi học qua lớp đan lát lục bình đã giải quyết được 2 lao động có việc làm thường xuyên, bình quân mỗi lao động cho thu nhập từ 1,5-2 triệu đồng/tháng. Từ đó, gia đình chị Xuân có tiền lo cho con ăn học, kinh tế gia đình từng bước ổn định và nay đã thoát nghèo.
Trong thời gian tới, Trung tâm dạy nghề huyện Tân Phú có kế hoạch cùng với Ban chỉ đạo giải quyết việc làm cho lao động nông thôn huyện nghiên cứu thế mạnh của từng địa phương, từng vùng để đào tạo nghề cho phù hợp, tránh trường hợp qua đào tạo nhưng không giải quyết được việc làm, mặt khác đào tạo nghề phải gắn với việc xây dựng nông thôn mới.
Lê Chương