Báo Đồng Nai điện tử
En

Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất: Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

10:05, 27/05/2012

Trong những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất đã làm tốt công tác dạy nghề, trang bị kiến thức cho lao động nông thôn.

Trong những năm qua, tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất đã làm tốt công tác dạy nghề, trang bị kiến thức cho lao động nông thôn.

Trung tâm đã xây dựng các chương trình hoạt động theo tháng, quý, năm; xây dựng kế hoạch tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh; trực tiếp làm việc với chính quyền các xã để phối hợp tổ chức dạy nghề phù hợp. Gắn với đặc thù là địa phương có cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trung tâm đã lựa chọn đào tạo sơ cấp nghề và đào tạo nghề ngắn hạn dưới 3 tháng các nghề: may công nghiệp, cắm hoa, tin học văn phòng, nấu ăn, chăn nuôi - thú y, đan lát… Số lượng cũng như chất lượng đào tạo  nghề ngày càng được nâng cao. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đã không ngại khó khăn, đến từng địa phương để tổ chức giảng dạy theo đúng chương trình đào tạo, đảm bảo tốt chất lượng dạy và học.

Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất.
Trung tâm dạy nghề huyện Thống Nhất.

 Nếu như năm 2009, trung tâm đã đào tạo ngắn hạn được 1 ngàn chỉ tiêu lao động nông thôn thì đến năm 2011, trung tâm đã mở trên 50  lớp học đào tạo ngắn hạn cho gần 2 ngàn lao động nông thôn, vượt kế hoạch đề ra 153%. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, trung tâm đã mở được 15 lớp đào tạo nghề lao động nông thôn với 472 học viên.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Thống Nhất trong những năm qua ngày càng thu hút người học, xuất phát từ hai nguyên nhân lớn là: công tác định hướng và xác định các nghề đào tạo phù hợp tình hình địa phương. Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân đã ý thức được việc học nghề. Thông qua đào tạo, hầu hết các học viên đều có tay nghề khá, tìm được việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Chị Lưu Ánh Phượng Hồng, ở ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc sau 3 tháng học nghề và được trung tâm giới thiệu việc làm, giờ đây đã có công việc ổn định với mức thu nhập 2,6 triệu đồng/ tháng.

Đặc biệt, đối với các lao động tham gia các lớp học nghề về nông nghiệp, các học viên sau khi được học nghề đã nâng cao kiến thức trong quá trình sản xuất, có kỹ năng và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngay vào mô hình sản xuất của gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Chúng tôi đến thăm trang trại heo của gia đình anh Phạm Minh Hiếu, ở ấp Dốc Mơ 2, xã Gia Tân 1. Những năm trước đây, anh chỉ dám nuôi 20 con heo nái và gần 100 con heo thịt vì không chủ động được kỹ thuật chăm sóc và phương pháp phòng bệnh, mỗi khi heo có bệnh, gia đình phải nhờ bác sĩ thú y đến chữa trị gây tốn kém. Sau khi tham gia lớp chăn nuôi thú y do Đoàn Thanh niên xã phối hợp với  trung tâm tổ chức, anh Hiếu đã tự chủ được kỹ thuật và phương pháp phòng trị bệnh cho heo. Hiện tại, anh đã tăng số đàn heo của mình lên 50 con heo nái và 200 con heo thịt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm cho biết: “Thời gian tới, trung tâm sẽ tập trung đổi mới phương thức dạy nghề phù hợp, theo sát nhu cầu thực tế cho từng đối tượng, địa phương, bảo đảm hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập của học viên cũng được chú trọng. Theo đó, trung tâm sẽ xây dựng vườn thực nghiệm nông nghiệp tại xã Quang Trung với diện tích 4 ngàn m2, xây dựng thêm 400m2 xưởng thực hành các nghề công nghệ ô tô, chế biến gỗ và cơ điện lạnh…”.

Bá Trực

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Danh sách việc làm quận 7 Trang web việc làm tphcm chất lượng