Huyện Thống Nhất nằm ở vị trí giao nhau giữa tuyến quốc lộ 1A và quốc lộ 20, cách TP.Hồ Chí Minh 70km, cách TP.Biên Hòa 38km. Trong tương lai, tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Đà Lạt và Dầu Giây - Phan Thiết đi ngang qua địa bàn huyện Thống Nhất.
Huyện Thống Nhất nằm ở vị trí giao nhau giữa tuyến quốc lộ 1A và quốc lộ 20, cách TP.Hồ Chí Minh 70km, cách TP.Biên Hòa 38km. Trong tương lai, tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Dầu Giây - Đà Lạt và Dầu Giây - Phan Thiết đi ngang qua địa bàn huyện Thống Nhất.
Đó vừa là điều kiện thuận lợi để giao lưu với các trung tâm kinh tế lớn, vừa là động lực để huyện thu hút các nguồn lực đầu tư, thực hiện có hiệu quả chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của huyện Thống Nhất đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
* Có nhiều lợi thế
Trong những năm qua, huyện Thống Nhất đã tập trung vào quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với thị trường và công nghiệp chế biến thực phẩm. Cụ thể, dự án cây trồng chủ lực đã và đang được triển khai thực hiện với gần 300 hécta; dự án phát triển vùng chuyên canh rau - hoa - cây cảnh cũng đang được thực hiện, theo kế hoạch đến năm 2015 tất cả các vùng phải là vùng rau an toàn. Đó là lợi thế để huyện phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản - thực phẩm, gắn với vùng nguyên liệu.
Khu công nghiệp Dầu Giây mới có 2 doanh nghiệp vào đầu tư. Ảnh: T.Thụ |
Không chỉ có thế mạnh về nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến nông sản - thực phẩm, Thống Nhất còn có nhiều tài nguyên khoáng sản, nhất là các loại đá xây dựng, puzoland... là những nguyên liệu chính cho sản xuất vật liệu xây dựng. Đây cũng là lợi thế của huyện trong việc phát triển ngành công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, để đáp ứng nhu cầu trên địa bàn huyện và cả trong, ngoài tỉnh.
Một thế mạnh khác để Thống Nhất thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) là số người trong độ tuổi lao động cao, với trên 86 ngàn người. Huyện đã chủ động chăm lo xây dựng nguồn nhân lực. Trung tâm dạy nghề huyện được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Nhờ vậy, hàng năm trung tâm đào tạo trên 1.500 lao động có tay nghề vững, các nhà đầu tư có thể sử dụng đội ngũ công nhân lành nghề ngay tại địa phương mà không phải sử dụng lao động từ các nơi khác.
* Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Được sự chấp thuận của Chính phủ, trong những năm qua lãnh đạo huyện Thống Nhất và các ngành chức năng của tỉnh đã quy hoạch hệ thống các khu, cụm công nghiệp phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp trên địa bàn với tổng diện tích 1.362,77 hécta, nhằm xây dựng đây là một huyện mang hình mẫu mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khai thác tiềm năng của huyện theo hướng công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng.
Các KCN đã quy hoạch là 3 khu, với tổng diện tích 920,54 hécta; quy hoạch 4 cụm công nghiệp với tổng diện tích 442,23 hécta. Ngoài ra còn hàng loạt các dự án khác cũng đang được gấp rút thực hiện, như: Quy hoạch điểm dân cư tập trung tại 10/10 xã; khu du lịch sinh thái Bàu Sen tại xã Hưng Lộc, dự kiến diện tích đầu tư xây khoảng 120 hécta…
Tuy có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và nguồn nguyên liệu nhưng đến nay việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Chẳng hạn, như: KCN Dầu Giây có quy mô diện tích 330,8 hécta, do Công ty cổ phần KCN Dầu Giây làm chủ đầu tư (đã được UBND tỉnh cho thuê đất năm 2008). Mặc dù, có vị trí địa lý thuận lợi nhưng tỷ lệ thu hút đầu tư vào KCN này còn rất thấp. Đến nay, công ty mới kêu gọi được 2 nhà đầu tư thuê đất trong KCN, là: Công ty cổ phần khoáng sản - than Đông Bắc (sản xuất bao bì), với diện tích 1,3 hécta và Công ty TNHH DEHEUS của Hà Lan (chế biến thức ăn gia súc), với diện tích 5,2 hécta. Hiện, công ty đang tiếp tục đàm phán với 6 nhà đầu tư thuê đất trong KCN.
Ông Huỳnh Thành Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện Thống Nhất cho biết: “Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, đẩy mạnh thu hút và khuyến khích đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững. Huyện ưu tiên các ngành sản xuất công nghệ cao, có lợi thế của địa phương; sử dụng nguyên liệu tại chỗ, giải quyết việc làm cho người lao động, ít gây ô nhiễm môi trường, góp phần thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu công nghiệp trên địa bàn huyện thực sự trở thành một ngành kinh tế chủ lực; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh phù hợp với quy hoạch chung của mạng lưới kinh doanh, dịch vụ và du lịch trên địa bàn huyện, đồng thời huy động nguồn lực trong dân để đầu tư xây dựng, nâng cấp mạng lưới chợ, các điểm du lịch theo quy họach, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, kinh doanh buôn bán hàng hóa”.
Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế, huyện Thống Nhất phấn đấu đến năm 2015 kêu gọi đầu tư lấp đầy 75% diện tích KCN Dầu Giây, lấp đầy diện tích các cụm công nghiệp… Với tiềm năng đất đai và lao động dồi dào, cùng với những chính sách thông thoáng, huyện cố gắng để trong thời gian tới sẽ là điểm đến hấp dẫn, thu hút của các nhà đầu tư.
Tiến Thụ - Nhật Quang