Báo Đồng Nai điện tử
En

Cao su trồng tiểu điền có ảnh hưởng đến cây bưởi?

08:05, 14/05/2012

Thời gian gần đây, ở xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) rộ lên thông tin việc cây bưởi bị bệnh do trồng cây cao su theo dạng tiểu điền xen kẽ với các vườn bưởi. Thực hư của vấn đề này ra sao?

Thời gian gần đây, ở xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu) rộ lên thông tin việc cây bưởi bị bệnh do trồng cây cao su theo dạng tiểu điền xen kẽ với các vườn bưởi. Thực hư của vấn đề này ra sao?

Ghi nhận tại vườn bưởi của ông Lý Ngọc Thành ở ấp 4, xã Bình Lợi, nhiều trái bưởi từ nhỏ đến to đều bị dị dạng. Nhiều vườn bưởi khác của nông dân trong vùng đều gặp tình trạng tương tự.

* Bệnh lần đầu mới gặp…

Ông Lý Ngọc Thành cho hay, 4 sào bưởi tại vườn đã được trồng cách đây 8 năm, chủ yếu giống bưởi đường lá cam. Những vụ trước, cây bưởi cho trái nhiều và mẫu mã đẹp nên bán có giá. Đến vụ năm nay, đa số những trái bưởi trong vườn nhà ông Thành trở nên u nần, méo mó. Đang lo lắng, không biết rõ cây bị bệnh gì, ông Thành càng hoang mang hơn khi bà con trồng bưởi trong vùng truyền tai nhau rằng cây bưởi bị ảnh hưởng từ những vườn cao su trồng gần đó.

Cán bộ kỹ thuật  hướng dẫn nông dân về sâu bệnh hại  bưởi.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân về sâu bệnh hại bưởi.

Bằng kinh nghiệm cá nhân, anh Hồ Thành Phước đã thử “trị” chứng bệnh lạ này cho vườn bưởi rộng 2 hécta bằng cách phun xịt thuốc trừ sâu, chủ yếu là loại gây mùi hôi, nhiều lần để xua đuổi côn trùng nhưng không hiệu quả.

Quan sát những trái bưởi bị bệnh, anh Đặng Quang Vinh, cán bộ kỹ thuật Trạm Bảo vệ thực vật Biên Hòa - Vĩnh Cửu khẳng định đây chỉ là hiện tượng sâu đục vỏ bưởi chứ không phải loại bệnh gì mới lạ. Anh Đặng Quang Vinh cho biết, trước đây, các vườn bưởi này đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản nên loại sâu đục vỏ này không xuất hiện. Từ lúc vườn chuyển sang có trái thì tình trạng này xảy ra.

Trên thực tế, đối với nông dân trồng bưởi trong xã Bình Lợi, đây là bệnh lạ vì mới gặp lần đầu. “Nhiều nông dân chưa khám trúng bệnh nên chữa bệnh, phòng bệnh cho bưởi chưa trúng, hiệu quả không cao. Đối với hiện tượng này, nông dân nên phòng trừ lúc bưởi vừa tượng trái non bằng các loại thuốc theo hướng dẫn vào lúc sáng sớm và chiều mát thì mới có hiệu quả cao” - cán bộ kỹ thuật Trạm Bảo vệ thực vật Biên Hòa - Vĩnh Cửu này cho hay.

* Cây cao su có phải là nguồn lây bệnh?

Trước nguồn dư luận cho rằng những vườn bưởi được trồng gần với rừng cao su bị bệnh nhiều hơn các vùng khác, cán bộ kỹ thuật Đặng Quang Vinh cho rằng, thời gian đầu, các vườn bưởi trồng ở khu vực nào cũng đều giống nhau. Về lâu dài, nguồn bệnh từ môi trường khác có thể lây sang. “Cây cao su là cây ký chủ của bệnh nấm hồng và bệnh xì mủ. Người nông dân trồng cao su rất ít phòng trừ. Do đó, nguồn bệnh ở khu vực trồng cao su sẽ cao hơn ở những nơi khác. Từ đó, chúng phát tán sang môi trường xung quang, có thể lây lan sang cây bưởi về lâu dài” - anh Vinh cho biết.

Xã Bình Lợi cùng với hai xã Tân Bình và Tân An có chỉ tiêu phát triển diện tích bưởi nhằm đạt mục tiêu 1 ngàn hécta ở huyện Vĩnh Cửu. Tuy nhiên, ở đây ngày càng có nhiều hộ chuyển sang trồng cao su tự phát theo dạng tiểu điền, nằm liền kề hoặc xen kẽ với vườn bưởi. Vì vậy, nỗi lo của  nông dân về sâu bệnh hại trên cây bưởi rất đáng được quan tâm.

Lê Minh - Tuyết Trang

 

 

 

                       

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích