Báo Đồng Nai điện tử
En

Trong chiến dịch Xuân Lộc giải phóng Long Khánh: Vai trò quan trọng của lực lượng địa phương

07:04, 16/04/2012

Chiều 19-4-1975, trời mưa to. Pháo địch bắn càng dày về phía tây TX.Long Khánh. Đại úy Phạm Văn Còn, chỉ huy trưởng cánh quân địa phương, điều K8 Xuân Lộc và Đại đội 2, Tiểu đoàn 445 hành quân từ Bảo Bình về lộ 2. Ngày 20-4, lực lượng diệt 2 chốt bảo an ở cua chữ S và cua chữ C (lộ 2), sau đó triển khai đội hình chặn địch tháo chạy.

Chiều 19-4-1975, trời mưa to. Pháo địch bắn càng dày về phía tây TX.Long Khánh. Đại úy Phạm Văn Còn, chỉ huy trưởng cánh quân địa phương, điều K8 Xuân Lộc và Đại đội 2, Tiểu đoàn 445 hành quân từ Bảo Bình về lộ 2. Ngày 20-4, lực lượng diệt 2 chốt bảo an ở cua chữ S và cua chữ C (lộ 2), sau đó triển khai đội hình chặn địch tháo chạy. Đại đội 3, Tiểu đoàn 445 di chuyển hàng chục km từ Bảo Hòa về đánh địch ở núi Con Rắn. Trước sức tấn công mạnh mẽ của Đại đội 3, địch ở núi Con Rắn tháo chạy tán loạn, ta diệt 83 tên địch, thu 2 khẩu pháo 105 ly. Đại đội 41 vận động qua Cẩm Mỹ tiếp cận hướng Đông lộ 2, cách đồi Con Chim khoảng 3 km về hướng Nam. Cũng trong thời gian này, du kích và nhân dân xã Cẩm Mỹ đã nổi dậy giải phóng Cẩm Mỹ.

Tiếp quản tiểu khu Long Khánh.      Ảnh: T.L
Tiếp quản tiểu khu Long Khánh. Ảnh: T.L

10 giờ đêm 20-4-1975, địch rút chạy khỏi Long Khánh theo hướng liên tỉnh lộ số 2, qua cua chữ S, bị lực lượng thị xã và bộ đội địa phương Bà Rịa - Long Khánh chặn đánh. Hai chiếc xe GMC bị cháy. Ta bắt sống trên 100 tù binh. Sau đó một tiếng, 1 đoàn xe khác lại chạy qua đoạn đường phục kích của ta, bị Tiểu đoàn 445 chặn đánh ở đoạn sở cao su Quang Minh. Đội hình địch bị ùn lại, nhiều xe húc vào nhau. Các chiến sĩ Đại đội 41 xung phong ra bắt sống hàng trăm tù binh, trong đó có đại tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh trưởng tỉnh Long Khánh, đưa về thị xã khai thác. Công nhân cao su sở Ông Quế, phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Cao su đánh địch tháo chạy qua hướng này, bắt sống nhiều tù binh.

1 giờ sáng ngày 21-4-1975, quân ta vào tiếp quản TX.Long Khánh; 8 giờ sáng ngày 21-4-1975, ta làm chủ hoàn toàn trên các địa bàn. Tuyến phòng thủ cuối cùng của địch ở Xuân Lộc bị đập tan, cửa ngõ tiến vào Sài Gòn của đại quân ta được mở. Thị xã Long Khánh hoàn toàn giải phóng. Đồng bào từ các ngả đổ về mang theo ảnh Bác, cờ, hoa, khẩu hiệu mừng chiến thắng.

Chiến thắng Xuân Lộc đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Thành đồng hạng ba. Với chiến công hiển hách 12 ngày đêm (từ 9-4 đến 21-4-1975) của quân và dân Long Khánh đã làm suy yếu đáng kể sinh lực địch, phá tan nguồn chi viện, chặn đứng các gọng kìm, các mũi tiến công của địch, góp phần cùng với quân dân cả nước, lực lượng chủ lực tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lực lượng địa phương trong chiến dịch Xuân Lộc giải phóng Long Khánh một lần nữa được khẳng định vai trò quan trọng làm nên chiến thắng. Đây luôn là bài học quý báu trong đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng.

Ôn lại chặng đường 37 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Long Khánh càng tự hào với truyền thống đoàn kết, tự lực tự cường, ý chí quyết chiến quyết thắng của Đảng bộ, quân, dân Long Khánh, góp phần làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân địa phương, là cơ sở để toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân Long Khánh vững bước trên con đường đổi mới, xây dựng Long Khánh sớm trở thành đô thị loại III, một đô thị xứng tầm của tỉnh Đồng Nai.

Hoàng Long

 

 

 

Tin xem nhiều