Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa vốn vay đến đúng đối tượng

08:04, 09/04/2012

Qua công tác cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cẩm Mỹ được coi như là chiếc nôi nâng đỡ hộ nghèo và góp phần cùng các ngành, các cấp hỗ trợ nhiều hộ thoát nghèo, tạo việc làm, cho con em tiếp tục học tập…

Ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cẩm Mỹ.
Ông Nguyễn Đức Phúc, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cẩm Mỹ.

Qua công tác cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cẩm Mỹ được coi như là chiếc nôi nâng đỡ hộ nghèo và góp phần cùng các ngành, các cấp hỗ trợ nhiều hộ thoát nghèo, tạo việc làm, cho con em tiếp tục học tập…

Tuy nhiên, hoạt động cho vay của phòng giao dịch thời gian qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Phúc - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cẩm Mỹ.

* Xin ông cho biết, trong quá trình cho vay, NHCSXH huyện gặp những khó khăn gì?

- Trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ, chúng tôi triển khai 7 chương trình tín dụng, gồm: chương trình tín dụng hộ nghèo; giải quyết việc làm; học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn; hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; hộ thương nhân làm dịch vụ thương mại tại vùng khó khăn và hỗ trợ cho hộ nghèo về nhà ở.

Mỗi chương trình có một khó khăn riêng. Ở đây tôi chỉ trình bày những khó khăn ở 2 chương trình tín dụng phổ biến nhất là: chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và cho vay học sinh - sinh viên. Trong đó, khó khăn của chúng tôi là xác định được nhóm đối tượng. Về phía hộ nghèo, việc xác định nhóm đối tượng được thụ hưởng của chương trình hộ nghèo đơn giản hơn vì những hộ nghèo nằm trong danh sách chuẩn phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Còn đối với đối tượng là học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thì xác định khó hơn. Qua khảo sát, sau khi ra trường số học sinh, sinh viên có việc làm ngay mới đạt khoảng 30-40% nên việc trả nợ vay là khó...

* Vậy khi gặp những khó khăn trong việc cho vay và thu hồi vốn thì NHCSXH huyện có những giải pháp nào, thưa ông?

-Trong quá trình thực hiện việc cho vay phải đảm bảo thu được vốn. Trong hoạt động, chúng tôi đặt ra vấn đề củng cố lại hoạt động ủy thác. Đặc thù của NHCSXH là thông qua hoạt động ủy thác để cho vay, thông qua các tổ chức chính trị - xã hội để làm thế nào củng cố lại các hoạt động ủy thác. Củng cố bằng cách các tổ trưởng phải xây dựng cho được hoạt động của mình. Chúng tôi tổ chức tập huấn bằng phương pháp cầm tay chỉ việc cho các tổ trưởng để nắm rõ được nhiệm vụ của mình.

Người dân đến giao dịch tại Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cẩm Mỹ.
Người dân đến giao dịch tại Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cẩm Mỹ.

Vấn đề nữa là công tác phối hợp. Đặc thù của NHCSXH huyện là có 4 hội đoàn thể nhận ủy thác cho NHCSXH. Do đó, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các hội đoàn thể nhận ủy thác để sinh hoạt triển khai và tuyên truyền sâu rộng các chính sách của NHCSXH trong hoạt động cho vay mới có thể giải quyết được vấn đề.

Ba là, chúng tôi tích cực báo cáo với các ngành - trước hết là Ban hội đồng quản trị, rồi tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp trong việc xác định đối tượng được vay, theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của NHCSXH...

* Vậy ông có những trăn trở, băn khoăn gì trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của NHCSXH huyện hay không?

- Hoạt động của NHCSXH có phương thức khác biệt ngân hàng thương mại là phải thông qua ủy thác của các hội đoàn thể. NHCSXH chỉ là người tổ chức, điều hành và quản lý vốn nên thiếu tính chủ động trong việc tiếp cận đối tượng vay.

Bản thân tôi trong nhiều năm qua cũng rất trăn trở. Trăn trở lớn nhất là làm thế nào để chuyển tải được nguồn vốn của NHCSXH đến đúng đối tượng, đúng người đang có nhu cầu vay vốn. Thứ hai là, hướng khắc phục qua quá trình cho vay. Trong những năm qua nợ quá hạn đang là vấn đề nhức nhối, đặc biệt có 2 nhóm đối tượng dẫn đến nợ quá hạn. Đó là đối với hộ nghèo. Trên cơ sở hàng tháng, hàng tuần chúng tôi phân tích nợ quá hạn và tập trung công tác tuyên truyền để người dân hiểu được quyền lợi trách nhiệm đối với đồng vốn. Thứ hai là, nguy cơ của nợ quá hạn do chương trình cho vay của học sinh - sinh viên. Chương trình này lệ thuộc vào rất nhiều vấn đề. Theo tôi, giải pháp là làm thế nào để học sinh - sinh viên ra trường có việc làm ngay, hay có chính sách thu hút các em về địa phương công tác…để các em có khả năng đóng góp cho địa phương và thực hiện nghĩa vụ trả vốn vay cho ngân hàng.

Thúy Hằng (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều