Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện kể về nữ anh hùng Hồ Thị Hương

08:04, 16/04/2012

Hồ Thị Hương sinh ngày 20-7-1954, và lớn lên dưới bóng dừa rợp mát của quê hương Bình Khê - Bình Định. Năm lên 9 tuổi, chị theo gia đình vào Nam tìm chốn sinh nhai, rồi dừng lại ở Long Khánh. Chị một buổi đi học, một buổi theo mẹ buôn gánh bán bưng. Được vài năm, do phải tần tảo mưa nắng nên mẹ qua đời, từ đấy chị thay mẹ quán xuyến việc nhà.

Liệt sĩ Hồ Thị Hương.
Liệt sĩ Hồ Thị Hương.

Hồ Thị Hương sinh ngày 20-7-1954, và lớn lên dưới bóng dừa rợp mát của quê hương Bình Khê - Bình Định. Năm lên 9 tuổi, chị theo gia đình vào Nam tìm chốn sinh nhai, rồi dừng lại ở Long Khánh. Chị một buổi đi học, một buổi theo mẹ buôn gánh bán bưng. Được vài năm, do phải tần tảo mưa nắng nên mẹ qua đời, từ đấy chị thay mẹ quán xuyến việc nhà.

Lúc bấy giờ, TX.Long Khánh là cửa ngõ quan trọng, trấn giữ phía Đông Bắc Sài Gòn, nên quân Mỹ và quân đội Sài Gòn bố trí lực lượng dày đặc.

Một ngày đầu năm 1970, khi vừa tròn 16 tuổi, chị quyết định đi tìm chị Hồ Thị Cận (cơ sở an ninh mật của ta hoạt động trong thị xã) và bắt đầu làm quen với công tác của đội trinh sát vũ trang.

Ngày 13-12-1974, Hồ Thị Hương và Lê Thị Lệ được phân công đánh vào quán ăn Hoàng Diệu, làm chết và bị thương 33 sĩ quan ngụy. Chị là một trong những cá nhân tiêu biểu cho lực lượng trinh sát vũ trang Long Khánh.

Dấu ấn đáng nhớ trong cuộc đời chị là trận đánh địch tại quán Song Nga. Đây là một quán ăn do một tên an ninh quân đội ngụy làm chủ. Quán được dựng cạnh cửa ra vào nơi đồn trú của Sư đoàn 18 ngụy nên nghiễm nhiên trở thành nơi dành riêng cho bọn sĩ quan, binh lính địch.

19 giờ ngày 29-1-1975, tổ trưởng Hồ Thị Hương (bí số H5) và trinh sát Phùng Thị Thận (bí số C8T) lên đường thi hành nhiệm vụ. Lê Thị Lệ (Thọ, bí số TX120), một đội viên khác của tổ được giao nhiệm vụ ở lại đối phó với các tình huống bất trắc xảy ra.

Hồ Thị Hương và Phùng Thị Thận vượt qua nhiều trạm gác và các chốt tuần tra của địch tiếp cận được mục tiêu. Hai chiến sĩ trinh sát vũ trang giả làm người dân vào quán ăn kem để thực hiện phương án tác chiến. Một tình huống bất ngờ xảy ra, bọn cảnh sát đặc biệt và bọn an ninh quân đội đứng dậy rời quán.

Nhìn đồng hồ còn 25 phút nữa là nổ, nghĩ đến cái chết oan uổng của người dân vô tội đang làm công tại quán, Hương và Thận nhất trí đưa trái nổ rời quán. Hương đứng dậy dắt xe rời quán, Thận rời bàn vào quày tính tiền 2 ly kem mà hai chị đang ăn dở. Nhưng khoảnh khắc của định mệnh đã đến với hai chị, hệ số an toàn của kíp nổ không đảm bảo, trái đã phát nổ trước giờ quy định. Chị Hương hứng trọn trái nổ 2kg vào người, hy sinh tại chỗ. Chị Thận ở bên trong bị thương nặng ở đùi và bị địch bắt. Những người làm công trong quán vẫn bình an vô sự.

Hồ Thị Hương đã nêu một tấm gương sáng ngời của người biệt động trinh sát dũng cảm. Với nhiều chiến công xuất sắc, Hồ Thị Hương đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 1978.

Minh Luân

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều