Thời gian gần đây, nghề chạm khắc đá mỹ nghệ ở Quảng Tiến phát triển khá mạnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân địa phương.
Người thợ đá đang hoàn thiện sản phẩm. |
Thời gian gần đây, nghề chạm khắc đá mỹ nghệ ở Quảng Tiến phát triển khá mạnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân địa phương.
Lúc mới vào nghề, cuộc sống vợ chồng anh Nguyễn Hữu Dần ở ấp Quảng Phát rất khó khăn với “lưng vốn” chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng. Nhờ miệt mài lao động, tôi luyện nghề chạm khắc đá, những sản phẩm đá mỹ nghệ do anh Dần làm ra mỗi ngày một tinh xảo, được người dân trong vùng tín nhiệm đặt hàng nhiều hơn. Đến nay, xưởng đá của anh Dần có diện tích 70 với máy móc thiết bị trị giá 25 triệu đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 3 lao động trẻ, thu nhận hàng năm đạt gần 100 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Anh cho biết: “Trong nghề nghiệp, quan trọng nhất mình phải tham khảo tư liệu, nắm bắt được những đường nét nghệ thuật chính, từ đó tạo ra những sản phẩm có mẫu mã mới, bắt mắt khách hàng, được thị trường ưa chuộng”.
Cũng như các làng nghề chạm khắc đá trên cả nước, từ một vài mẫu truyền thống, đến nay người thợ đá Quảng Tiến tạo ra rất nhiều mẫu mã, thể loại. Từ tượng thờ như: Chúa Giesu, Đức Mẹ, Phật Bà Quan âm, La hán, ngựa, voi, rùa đội bia... cho đến các loại tượng dùng để trưng bày sân vườn hoặc trang trí nội thất với hàng trăm phong cách, khối lượng khác nhau. Nguồn cung cấp nguyên liệu cho làng nghề chạm khắc đá ở Quảng Tiến chủ yếu được lấy từ các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An. Hiện nay, việc chạm khắc một sản phẩm trên đá ở Quảng Tiến phần lớn đã được cơ giới hóa bằng các loại máy cắt, máy đục hiện đại, nhưng không vì thế mà làm giảm đi độ tinh xảo của tác phẩm. Bởi, trong các công đoạn chạm khắc, đục tinh là vô cùng quan trọng, nên chỉ những người có tay nghề cao mới được giao làm. Nhờ giữ được chữ tín, cũng như sự tài hoa của người thợ, nên các xưởng sản xuất tại đây làm không hết việc; quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng. Toàn xã, hiện có 10 hộ sản xuất đá mỹ nghệ, tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập ổn định, bình quân đạt 8 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, điều trăn trở của những người thợ đá là thế hệ kế tục. “Lớp già như chúng tôi ngót nghét đã hai mươi mấy năm trong nghề, tuổi cũng đã năm mươi mấy trở lên rồi, nhưng đào tạo cho lớp trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi, học nghề này ít nhất phải 5 năm mới khá được, còn cơ bản biết làm thì phải mất 3 năm” - ông Trần Văn Nguyên, Chủ nhiệm HTX điêu khắc đá Đài Nguyên chia sẻ.
Đình Khải