Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Xuân Lộc: Hành trình đến với danh hiệu anh hùng

09:12, 22/12/2011

Cách đây 20 năm (1-7-1991-1-7-2011), khi mới vừa thành lập, huyện miền núi thuần nông Xuân Lộc đứng trước muôn vàn khó khăn. Thế nhưng với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân địa phương, huyện Xuân Lộc ngày nay đã vươn lên khẳng định mình bằng những kết quả kinh tế rất đáng tự hào...

Cách đây 20 năm (1-7-1991-1-7-2011), khi mới vừa thành lập, huyện miền núi thuần nông Xuân Lộc đứng trước muôn vàn khó khăn. Thế nhưng với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân địa phương, huyện Xuân Lộc ngày nay đã vươn lên khẳng định mình bằng những kết quả kinh tế rất đáng tự hào...

* Đi lên từ điểm xuất phát thấp

Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, với xuất phát điểm là huyện thuần nông nghèo nàn, lạc hậu, trong đó có trên 21% số hộ thuộc diện đói, nghèo; mức thu nhập GDP bình quân đầu người ở Xuân Lộc chỉ đạt 2.230.000 đồng/năm. Bức tranh kinh tế-xã hội của huyện lúc bấy giờ không lấy gì làm sáng sủa...

Nhà máy chế biến cồn Tùng Lâm, huyện Xuân Lộc.
Nhà máy chế biến cồn Tùng Lâm, huyện Xuân Lộc.

Tuy nhiên, chỉ mới qua 20 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần đoàn kết và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách, cán bộ và nhân dân huyện Xuân Lộc đã phát huy tinh thần cách mạng của một huyện anh hùng, không ngừng phấn đấu sáng tạo, tích cực phát huy nội lực đi đôi với khai thác tốt mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh. Thậm chí, ngay cả trong điều kiện kinh tế thị trường trong nước, thế giới có nhiều bất ổn, nhưng huyện vẫn thực hiện đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu mà các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 11,96%/năm, nâng mức thu nhập GDP bình quân đầu người hiện nay đạt đến gần 23 triệu đồng/năm, tăng gấp 10 lần so với ngày đầu mới thành lập huyện; các ngành kinh tế đều có tốc độ tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng.

Đặc biệt, chỉ tính riêng trong 5 năm 2005-2010, huyện Xuân Lộc đã cấp phép hoạt động cho 23 dự án với tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng. Trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp sơ chế, chế biến hạt điều đạt doanh thu trên 1.200 tỷ đồng, với hơn 50% sản lượng hạt điều được xuất khẩu trực tiếp. Bên cạnh khu công nghiệp tập trung với quy mô diện tích 100 hécta, bước đầu thu hút được một số nhà đầu tư (như: Công ty Ajinomoto, Công ty giày Dona Standard, Công ty Donafoods...) huyện cũng vừa cho khởi công dự án khu chế biến Dopico để thực hiện dự án trồng trọt, chăn nuôi và chế biến công nghệ cao tại 4 xã: Xuân Thành, Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Bắc, với tổng vốn đầu tư xây dựng dự án gần 2 ngàn tỷ đồng (dự kiến hoàn thành vào năm 2015…). Chính nhờ mở rộng các khu, cụm công nghiệp, hàng năm huyện đã tạo được công ăn, việc làm cho hơn 8 ngàn lao động là thanh niên ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

* Đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển

Ông Hùng Văn Xứng, Già làng Chơro, ngụ tại ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú tâm sự: “Năm 1960, tôi đã cùng một số bà con dân tộc Chơro về đây lập nghiệp. Trước đây, đời sống đồng bào chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn, vì không có điện, không có nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp chủ yếu nhờ vào nước trời. Vậy mà từ khi huyện Xuân Lộc được thành lập đến nay, làng Chơro nói riêng, cũng như nhiều làng dân tộc anh em khác trên địa bàn huyện nói chung đã thay đổi rất nhiều. Như làng chúng tôi được Đảng và Nhà nước quan tâm làm nhà tình thương, nhà 134, kéo điện về làng, xây dựng trường học để đưa cái chữ đến con em chúng tôi, khoan nước sạch cho bà con chúng tôi sinh hoạt, sản xuất. Riêng những hộ không có đất thì được Đảng, Nhà nước cấp đất sản xuất, làm nhà… Ngoài ra, địa phương còn thường xuyên cử cán bộ nông nghiệp về làng để chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhờ đó đến nay năng suất lúa của bà con đạt từ 5-6 tấn/hécta, bắp trên 10 tấn/hécta và năng suất rau, đậu các loại đều tăng. Bà con dân tộc Chơro chúng tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước”.

Niềm vui của người dân trồng xoài xã Suối Cao.
Niềm vui của người dân trồng xoài xã Suối Cao.

Còn ông Lê Tư, một hộ dân đang cư ngụ tại xã Suối Cát thì cho biết: “Tôi đến Xuân Lộc năm 1981, lúc đó đời sống người dân còn khó khăn, tất cả vùng Xuân Lộc từ Sông Ray trở ra còn là rừng hoang, chúng tôi vào khai khẩn làm ăn. Sau 20 năm đổi mới, tôi thấy huyện Xuân Lộc mình đã thay đổi rõ rệt, nhất là về kinh tế. Người nông dân chúng tôi từ chỗ chỉ trồng cây trồng ngắn ngày, hiệu quả kinh tế thấp, đã biết chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp, cây dài ngày, sử dụng các loại giống mới cho năng suất cao, nên đời sống đã trở nên khá sung túc. Cơ sở hạ tầng nhiều nơi đến nay cũng đã được nâng cấp từ đường đất đến đường nhựa, ở các xã đều có trạm y tế và ở vùng sâu vùng xa con em có điều kiện đến trường thuận tiện. Tất cả những thành quả, những đổi thay đó là nhờ có sự quan tâm của Đảng, của chính quyền địa phương đã làm cho Xuân Lộc mỗi ngày mỗi khởi sắc”.

Kinh tế phát triển, Xuân Lộc có điều kiện tập trung vốn xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Đến nay, toàn huyện có 32/75 trường đạt chuẩn quốc gia, 15/15 xã - thị trấn hoàn thành phổ cập THPT. Toàn bộ hệ thống giao thông đã được khép kín với tỷ lệ nhựa hóa đường huyện quản lý trên 78%, đường đô thị gần 53% và đường xã quản lý được nhựa hóa trên 58%; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,3%; hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,3%.

Có thể nói, qua 20 năm xây dựng và phát triển, từ những nỗ lực của mình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Xuân Lộc đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Đặc biệt, năm 1999, cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Xuân Lộc được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và ngày 30-12-2011 tới đây, huyện Xuân Lộc sẽ long trọng đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới do Chủ tịch nước phong tặng.

Thanh Cường

 

 

 

Tin xem nhiều