Mặc dù gặp không ít khó khăn do là địa bàn miền núi, trải rộng; nhiều khu dân cư phân bố không tập trung; giao thông đi lại khó khăn; đời sống kinh tế và dân trí còn thấp..., song nhờ biết phát huy nội lực, hơn 10 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” ở huyện Tân Phú đã có bước phát triển đều, xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân xuất sắc...
Mặc dù gặp không ít khó khăn do là địa bàn miền núi, trải rộng; nhiều khu dân cư phân bố không tập trung; giao thông đi lại khó khăn; đời sống kinh tế và dân trí còn thấp..., song nhờ biết phát huy nội lực, hơn 10 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” ở huyện Tân Phú đã có bước phát triển đều, xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân xuất sắc...
* Khi phong trào gắn liền với vai trò của Đảng
Để công tác xây dựng đời sống văn hóa đạt nhiều kết quả, huyện Tân Phú đã tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền từ huyện đến cơ sở; phát huy vai trò, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân. Trong đó có việc chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học khu dân cư, xã, thị trấn và gia đình văn hóa. Hàng năm, huyện đã thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng; lấy kết quả xây dựng cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư, xã, thị trấn, gia đình văn hóa là một tiêu chuẩn để xét chi, đảng bộ, chính quyền trong sạch vững mạnh.
Nhiều trung tâm văn hóa thể thao được xây dựng ở các xã vùng sâu vùng xa.
Bên cạnh đó, nhờ làm tốt công tác xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào với những nội dung, mục tiêu được cụ thể hóa phù hợp với địa phương; hướng dẫn, tuyên truyền vận động để người dân thấy rõ trách nhiệm, cũng như quyền lợi của cộng đồng, gia đình và chính bản thân họ khi tham gia phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nên số hộ dân tự nguyện đăng ký thực hiện xây dựng gia đình, khu phố văn hóa ngày càng tăng. Cụ thể đến nay, toàn huyện đã có trên 35.000 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá (chiếm tỷ lệ 97,43%) và 127 ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hoá năm 2010, trong đó có 109 ấp, khu phố giữ vững danh hiệu ấp, khu phố văn hóa từ 2 đến 11 năm.
* Xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến
Hơn 10 năm qua, khi phong trào xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, nên các phong trào như: “Sản xuất kinh doanh giỏi”, “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”... cũng phát triển mạnh, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến.
Trên lĩnh vực kinh tế, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất; phát triển dịch vụ thương mại..., nên nhiều gia đình từ khó khăn vươn lên có của ăn của để. Điển hình như hộ ông Trần Hoàng Tuấn, ở ấp 6 B, xã Núi Tượng đã biết vươn lên làm giàu bằng mô hình kinh tế trang trại, với các loại cây như quýt, cam, bưởi… mỗi năm cho thu nhập khoảng 5 - 7 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho từ 20 - 30 lao động, với mức lương từ 2- 2,5 triệu đồng/tháng. Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, ông Tuấn còn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ vốn cho một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong ấp, xã phát triển kinh tế; hỗ trợ kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn, hạ thế điện sinh hoạt trong xã, ấp... Hay như gia đình ông Hoàng Trọng Kẩm, ở xã Phú Sơn, gia đình ông Nguyễn Văn Sữa, ở xã Trà Cổ... tuy có nhiều thế hệ cùng chung sống một nhà, nhưng kinh tế vẫn khá giả, cuộc sống vẫn “trong ấm ngoài êm”. Từ khi có phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các khu dân cư huy động được 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường, nhiều khu dân cư còn xây dựng được quỹ khuyến học, xét thưởng cho học sinh chăm ngoan học giỏi, thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học.
Hàng ngày có nhiều người ở Tân Phú tham gia luyện tập thể thao.
Phong trào không chỉ phát triển rộng khắp ở các khu dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn, mà còn phát triển mạnh ở các cơ quan, đơn vị. Hiện toàn huyện có 109 cơ quan, đơn vị có đời sống văn hóa tốt (đạt 88,61%), trong đó có 52 cơ quan, đơn vị giữ vững danh hiệu 7 năm liền. Phong trào rèn luyện thân thể ở Tân Phú cũng phát triển khá sôi động với hàng chục câu lạc bộ thể dục thể thao ra đời. Nhiều công trình như: hồ bơi, sân bóng đá, sân quần vợt… đã được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa, trong đó nhân dân đóng góp xây dựng ước tính khoảng 2 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn xây dựng được 53 câu lạc bộ gia đình và trên 100 nhóm phòng chống bạo lực gia đình. Nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, tang, lễ hội, được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thực hiện cơ bản đúng quy định. Những hủ tục, quan niệm nặng nề về việc cưới, tang, lễ đã được dẹp bỏ, nhưng vẫn đảm bảo vừa đơn giản, vừa trang trọng, mang tính kế thừa phong tục truyền thống...
Có thể nói, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến nay đã có tác động thiết thực tới nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội của huyện Tân Phú, đáp ứng được nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, qua phong trào này, huyện đã huy động được nhiều nguồn lực trong dân để xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao, tạo điều kiện để người dân hưởng thụ các sản phẩm văn hóa tinh thần, góp phần xây dựng nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nguyễn Thanh Tâm