Hiện nay, trên địa bàn huyện Long Thành đã có 545 hécta lúa hè thu sớm đã được thu hoạch xong, còn lại 646 hécta lúa đang thu hoạch đại trà, hơn 22 hécta lúa hè thu muộn đang trổ đòng và sạ mới 120 hécta lúa mùa sớm. Tuy nhiên, trên các trà lúa hiện đã và đang xuất hiện một số loại sâu, bệnh gây hại...
Hiện nay, trên địa bàn huyện Long Thành đã có 545 hécta lúa hè thu sớm đã được thu hoạch xong, còn lại 646 hécta lúa đang thu hoạch đại trà, hơn 22 hécta lúa hè thu muộn đang trổ đòng và sạ mới 120 hécta lúa mùa sớm. Tuy nhiên, trên các trà lúa hiện đã và đang xuất hiện một số loại sâu, bệnh gây hại...
Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) Long Thành - Nhơn Trạch cho biết, trong số các loại sâu bệnh gây hại, đáng chú ý nhất là: rầy nâu, bọ xít hôi, đạo ôn cổ bông, bệnh đốm vằn và bọ xít đen...Riêng trên cây ăn trái còn xuất hiện bệnh xì mủ, xén tóc, bệnh thối trái, sâu đục cành…
* Nguy cơ tiềm ẩn...
Theo các nhà chuyên môn, rầy nâu là đối tượng chủ yếu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa. Rầy truyền bệnh khi nó có mang mầm bệnh, còn khi rầy không mang mầm bệnh thì nó gây cháy rầy hay làm vàng cây lúa. Ở những vùng có virus gây bệnh, khi rầy chích hút nó sẽ mang mầm bệnh truyền sang nơi nó đến, vì vậy bệnh sẽ lây lan rất nhanh và gây thiệt hại nặng cho nông dân.
Nông dân đang phun thuốc phòng trừ rầy nâu. (minh họa)
Đặc biệt, khi cây lúa vụ hè thu bước vào thời điểm sinh trưởng tốt nhất, thì đó cũng là lúc các loại sâu bệnh bắt đầu tấn công gây hại. Trong khi đó, vụ hè thu năm 2011, do ở các tỉnh miền Tây Nam bộ tình hình rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tái bùng phát, rầy nâu sẽ theo gió mùa Tây - Nam lây lan đến các tỉnh miền Đông Nam bộ, làm tăng nguy cơ gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa. Hiện nay, trên các cánh đồng lúa ở huyện Long Thành mặc dù mật độ rầy nâu chưa đến mức báo động, nhưng đã xuất hiện lứa rầy nâu tuổi 4 - 5, mật độ trung bình 10 con/m2. Do đó, chủ trương bám sát đồng ruộng, tăng cường các biện pháp phòng trừ được xem là phương pháp hết sức cần thiết.
Mặt khác, năm nay do tình hình thời tiết có nhiều thuận lợi, trời dịu mát, mưa nhiều, độ ẩm ở mức cao... đã tạo điều kiện tốt cho các loại sâu, rệp sinh sôi và phát triển mạnh. Trong đó, đáng ngại nhất ở huyện Long Thành hiện nay là dịch sâu cuốn lá nhỏ xảy ra từ vụ hè thu 2010 vẫn còn lưu trú trong môi trường..., đang tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát trở lại.
* Tập trung phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ cây trồng
Trước tình hình đó, Trạm BVTV Long Thành - Nhơn Trạch đã sớm triển khai các phương án phòng trừ sâu bệnh, sử dụng giống kháng rầy và tổ chức các lớp tập huấn phòng trừ sâu bệnh hại lúa, bắp và các cây ăn trái, cách thức sử dụng thuốc BVTV..., nhằm trang bị cho người dân những kỹ thuật cơ bản trong lĩnh vực chăm sóc cây trồng, chủ động phòng chống sâu bệnh một cách có hiệu quả ngay từ đầu vụ... Ngoài ra, Trạm còn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của huyện và các xã cử cán bộ bám sát cơ sở, theo dõi và phát hiện sớm sự xuất hiện của sâu bệnh để có phương án xử lý kịp thời.
Đối với rầy nâu và sâu cuốn lá nhỏ hại lúa, Trạm BVTV Long Thành - Nhơn Trạch đã cùng với các xã hướng dẫn bà con tiến hành vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, đốt bỏ tàn dư thực vật từ cây lúa ngay sau khi thu hoạch, sớm làm đất, cày lật gốc rạ để diệt lúa chét, lúa tái sinh. Trạm cũng khuyến cáo và hướng dẫn bà con nông dân gieo cấy mạ tập trung, đúng lịch thời vụ và đúng cơ cấu giống; trường hợp phát hiện có rầy phải kịp thời xử lý để tiêu diệt ngay cầu nối truyền bệnh. Bên cạnh đó, huyện Long Thành còn trích trên 300 triệu đồng từ ngân sách để mua thuốc trừ rầy hỗ trợ nông dân phun xịt trên diện tích 1.000 hécta/năm, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng dịch bệnh phát sinh.
Ông Trần Văn Tân, Trưởng trạm BVTV Long Thành - Nhơn Trạch cho biết: “Để bảo đảm vụ lúa mùa năm 2011 đạt được năng suất cao, ngoài việc chú ý tuân thủ lịch gieo sạ đúng thời điểm để né rầy, bà con nông dân cũng cần chọn giống lúa phù hợp, kháng rầy tốt và nhất là giống đó phải có cấp xác nhận. Bên cạnh đó, bà con cần sử dụng biện pháp chăm sóc theo quy trình “ba giảm, ba tăng” để giảm thiểu thiệt hại do rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây ra, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn để nắm bắt các kiến thức về phòng, chống sâu bệnh hại cây trồng”.
Mặc dù tính đến thời điểm này, các loại cây trồng trên địa bàn huyện vẫn được bảo vệ an toàn trước các loài sâu bệnh, nhưng trạm BVTV Long Thành - Nhơn Trạch. khuyến cáo các địa phương không được lơ là, chủ quan và nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng chống các loại sâu bệnh hại cây trồng. Trạm cũng đề nghị, ngay từ bây giờ, các xã và các cơ quan ban ngành có liên quan trên địa bàn huyện đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để nông dân nắm bắt kỹ các loại sâu bệnh, sớm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời trước khi bệnh lây lan thành dịch, nhằm bảo vệ tốt mùa màng.
Phương Thảo