Nhắc đến xã Thạnh Hội (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), mấy chục năm qua, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh nghề trồng hành. Thế nhưng, những năm gần đây, trên mảnh đất còn có tên gọi là cù lao Rùa này, cây hành dường như đã dần nhường chỗ cho cây bạc hà lên ngôi.
Nhắc đến xã Thạnh Hội (huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), mấy chục năm qua, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh nghề trồng hành. Thế nhưng, những năm gần đây, trên mảnh đất còn có tên gọi là cù lao Rùa này, cây hành dường như đã dần nhường chỗ cho cây bạc hà lên ngôi.
* Sự thay đổi năng động
Năm 2006 sau khi nghề trồng hành làm ăn bấp bênh, chị Mai Thị Phụng ở ấp Thạnh Hưng đã thử chuyển sang trồng bạc hà. Ban đầu chị Phụng trồng thử 3000 cây. Nhận thấy cây bạc hà phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của đất cù lao này, chị dần mở rộng diện tích. Đến nay, diện tích ruộng bạc hà của chị đã nâng lên đến 10 ngàn cây. Trung bình mỗi năm trồng được 2 vụ bạc hà, sau khi trừ hết chi phí mỗi vụ chị lời khoảng 40 triệu đồng. Chị Phụng kể lại: “Thấy bà con cô bác chung quanh trồng ít ít để ăn, mình thấy cây không bị sâu bệnh nên trồng thử, sau đó thấy có hiệu quả kinh tế nên bắt đầu nhân giống từ từ. Từ đó thương lái cũng tìm đến mua nhiều hơn nên bà con trong vùng cũng bắt đầu mở rộng diện tích”
Chị Mai Thị Phụng bên ruộng bạc hà chuẩn bị thu hoạch.
Từ khi cây cầu bắc từ Tân Ba qua mảnh đất cù lao Thạnh Hội hình thành, nghề trồng bạc hà ở đây lại có cơ hội phát triển hơn. Giờ đây, dọc các tuyến đường ở cù lao, đâu đâu cũng thấy người ta trồng bạc hà. Phần lớn, bà con nông dân ở nơi này đều tập trung chuyển diện tích từ trồng hành sang trồng bạc hà. Cũng như chị Phụng, anh Lê Thành Nam ở ấp Tân Hiệp trước đây trồng hành và rau cải, sau nhận thấy bà con chuyển qua cây bạc hà và có hiệu quả kinh tế cao hơn nên anh cũng đầu tư trồng. Với 2 ngàn m2 bạc hà, anh cho biết, nếu chăm sóc tốt mỗi tháng thu hoạch khoảng 3 tấn. Nếu được trồng bài bản, năng suất sẽ còn cao hơn. Về hiệu quả của việc trồng cây bạc hà, anh Nam chia sẻ: “Có những thời điểm, trồng bạc hà một lời một. Đây được xem là một loại rau sạch, ít tốn phân bón, thuốc trừ sâu và đặc biệt là không tốn tiền mua giống trồng lại”.
* Hiệu quả kinh tế cao
Theo số liệu thống kê từ UBND xã Thạnh Hội, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm trở lại đây, diện tích trồng bạc hà trên Cù lao Thạnh Hội đã tăng gấp đôi. Nếu như năm 2009 diện tích trồng bạc hà chỉ là 25 hécta thì đến năm 2010 đã tăng lên 50 hécta. Ngành nông nghiệp địa phương cũng đã quy hoạch đất Thạnh Hội thành vùng chuyên canh trồng cây bạc hà với những cánh đồng năng suất cao.
Trước đây khi trồng bạc hà với diện tích nhỏ, nông dân không nhận ra giá trị kinh tế đích thực của loại cây trồng này. Nhưng khi đưa vào sản xuất với diện tích lớn thì hiệu quả kinh tế đã thấy rõ. Theo nhiều bà con nông dân ở đây, bạc hà dễ trồng, dễ chăm sóc và thu hoạch; mức đầu tư cũng thấp hơn so với trồng hành. Ngoài ra các mô hình trồng bạc hà ít tốn lao động và có thể tận dụng được lao động nhàn rỗi cũng như lao động lớn tuổi. Thời gian thu hoạch của cây bạc hà cũng dài hơn cây hành. Một gốc bạc hà có thể thu hoạch từ 3 - 4 tháng.
Hiệu quả kinh tế trước mắt của cây bạc hà rất cao và tỏ ra thích hợp với vùng cù lao này. Tuy nhiên, hiện nay nếu được trồng liên tục trên một mảnh đất, cây bạc hà cũng sẽ bị thoái hóa và dễ dẫn đến sâu bệnh như đã từng xảy ra đối với cây hành lá. Để khắc phục vấn đề này nhiều bà con đã áp dụng mô hình trồng bạc hà luân canh với lúa và mô hình xen canh này cũng thu được hiệu quả cao.
Có thể nói, sự ra đời của mô hình trồng bạc hà trên đất cù lao Thạnh Hội là một hướng đi của bà con nông dân ở đây trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp. Tuy nhiên, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, chính quyền cũng cần quan tâm hơn về quy hoạch, đặc biệt là chuyện ổn định đầu ra, cũng như tạo các điều kiện tốt nhất cho các hộ dân trồng bạc hà an tâm phát triển sản xuất, tránh tình trạng “được mùa rớt giá” như nhiều loại nông sản lâu nay.
Đan Châu