Báo Đồng Nai điện tử
En

Sáng mãi tinh thần tiến công

09:07, 18/07/2011

Cách đây tròn 60 năm, các chiến sĩ tiểu đoàn 303, đội biệt động, đội pháo binh tỉnh Thủ Biên, đại đội Nguyễn Văn Nghĩa, đại đội Lam Sơn và lực lượng vũ trang các huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc đã phối hợp làm nên chiến công vang dội: tiêu diệt 50 lính lê dương tại yếu khu Trảng Bom, thu nhiều chiến lợi phẩm, góp phần phá bàn đạp của địch đánh vào chiến khu Đ và mở lại đường liên lạc của ta từ Căn cứ về Long Thành, Bà Rịa...

Cách đây tròn 60 năm, các chiến sĩ tiểu đoàn 303, đội biệt động, đội pháo binh tỉnh Thủ Biên, đại đội Nguyễn Văn Nghĩa, đại đội Lam Sơn và lực lượng vũ trang các huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc đã phối hợp làm nên chiến công vang dội: tiêu diệt 50 lính lê dương tại yếu khu Trảng Bom, thu nhiều chiến lợi phẩm, góp phần phá bàn đạp của địch đánh vào chiến khu Đ và mở lại đường liên lạc của ta từ Căn cứ về Long Thành, Bà Rịa...

Kể từ những ngày tháng lịch sử ấy, tinh thần quyết chiến quyết thắng luôn hun đúc ý chí người Trảng Bom vượt qua mọi khó khăn thử thách, chiến thắng Pháp - Mỹ và hôm nay tiếp tục giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh...

 * Sáu mươi năm: Hai chặng đường

Sau trận đánh Trảng Bom, nhân dân trong huyện càng tin tưởng vào cách mạng. Họ luôn vượt qua mọi gian khổ để đóng góp sức mình cho kháng chiến. Nhiều người trở thành du kích, vào bộ đội. Những công nhân có tay nghề trở thành chiến sĩ quân giới làm ra vũ khí giết giặc. Phong trào “phá hoại để kháng chiến”, “hũ gạo nuôi quân” được đẩy mạnh. Toàn dân sau đó bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ ròng rã suốt 21 năm, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Bia chiến thắng Trảng Bom sẽ được trùng tu, nâng cấp vào ngày 20 tháng 7 năm 2011.
Bia chiến thắng Trảng Bom sẽ được trùng tu, nâng cấp vào ngày 20 tháng 7 năm 2011.

Nước nhà thống nhất, bên cạnh niềm vui và tự hào của những người chiến thắng, Đảng bộ và nhân dân huyện Trảng Bom cũng không ít lo toan, trăn trở với những khó khăn chồng chất để giải quyết cái cũ, xây dựng cái mới. Qua 36 năm xây dựng đã đưa Trảng Bom từ một huyện thuần nông chuyển sang cơ cấu kinh tế công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp và từng bước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

Hiện nay, tất cả các tuyến đường giao thông liên xã đã được trải nhựa phẳng phiu, các tuyến đường liên ấp cũng được các xã chủ động thực hiện “cứng hóa” bằng nhiều nguồn vận động xã hội hóa... Giao thông phát triển đã trở thành “đòn bẩy” giúp kinh tế - xã hội phát triển. Đến nay, ngoài khu công nghiệp Giang Điền đang hoàn chỉnh xây dựng hạ tầng, 3 khu công nghiệp còn lại của huyện đã thu hút được gần 200 dự án, giải quyết việc làm cho hơn 92.000 lao động. Các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được mở rộng đã góp phần nâng tỷ trọng của ngành từ trên dưới 10% ở những năm đầu sau giải phóng, lên 70% trong GDP của huyện. Mạng lưới thương mại - dịch vụ phát triển rộng khắp, nâng giá trị lên 21,5% trong GDP; nông - lâm - thủy còn gần 9%; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 đã đạt 34 triệu đồng. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, mạng lưới y tế, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), giảm nghèo phát triển rộng khắp và không ngừng được hoàn thiện, nâng cao. Trong đó, toàn huyện hiện đã cơ bản xóa nhà tạm từ năm 2009, hộ nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 3 giảm còn 1,24%.

* Nhân lên truyền thống cách mạng

Tại xã Sông Thao, chúng tôi gặp ông Bùi Văn Điền, nguyên Huyện đội trưởng Trảng Bom giai đoạn 1973 - 1982. Ông Điền nay đã ở tuổi ngoài 80 nhưng trông vẫn minh mẫn. Ông nói: “Cuộc sống bây giờ khác với chúng tôi ngày xưa lắm. Nhìn những biến đổi và biết được những cố gắng vừa qua, chúng tôi rất tin vào giới trẻ hiện nay. Truyền thống cách mạng trong huyện đang được phát huy trong các phong trào”.

Có thể nói, phong trào thi đua làm giàu, góp phần xây dựng quê hương chưa có lúc nào sôi nổi như vài năm trở lại đây. Với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình làm ăn mới mẻ. Mô hình đầu tiên có thể kể đến, đó là cơ sở gỗ mỹ nghệ Thành Nhân ở Bình Minh. Được thành lập vào năm 1995 với quy mô lúc đầu chỉ có 1 máy cưa và 2 lao động, hàng ngày các sản phẩm làm ra từ cơ sở này anh Nhân phải đưa đi TP.Hồ Chí Minh bán dạo được từ 1-2 sản phẩm/ngày. Nhờ sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền và các ngành chức năng, anh đã có cơ hội tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm... để quảng bá sản phẩm, đào tạo nghề cho người lao động. Với quyết tâm “đổi đời”, anh đã dốc hết số tiền dành dụm bấy lâu để cải tiến sản xuất kinh doanh. Ngày nay, cơ sở của anh đang sản xuất 200 mẫu mã các loại, doanh thu đạt 3 tỷ đồng/năm và sản phẩm đã vươn ra các thị trường khó tính như Úc, Mỹ, Hàn Quốc…

Công nhân khu công nghiệp Hố Nai làm việc.
Công nhân khu công nghiệp Hố Nai làm việc.

Tại ấp Cây Điệp, xã Cây Gáo, trại gà nổi tiếng của anh Trần Bá Tiến, hàng năm mang lại nguồn thu nhập ổn định trên dưới 10 tỷ đồng. Chuyện làm giàu của anh đã trở thành kỳ tích, được gói gọn bằng mấy chữ: siêng năng, dám nghĩ dám làm; biết nắm bắt thông tin kịp thời và áp dụng tốt các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hay mô hình thanh long ruột đỏ do Bộ Khoa học và công nghệ phối hợp với tỉnh đầu tư được triển khai ở 4 xã Sông Trầu, Tây Hòa, Hưng Thịnh và Hố Nai 3 từ 3 năm nay bước đầu đang cho kết quả tốt. Qua đánh giá cho thấy, năng suất cây thanh long năm thứ nhất bình quân đã đạt 5kg/trụ, năm thứ hai 10kg/trụ, năm thứ ba từ 40-50kg/trụ. Với giá 15-20 ngàn đồng/kg đối với vụ thuận và 20-25 ngàn đồng/kg đối với vụ nghịch, người nông dân thu lãi gần 57 triệu đồng/sào, gấp 3,8 lần trồng bắp và 6,5 lần đối với mía. Đến thời điểm này, mô hình đã được nhân rộng thêm 8,6 hécta và dự kiến đến cuối năm nay sẽ tăng lên 20 hécta.

Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Nguyễn Sơn Hùng phấn khởi cho biết: “Phần thưởng cao quý nhất của huyện năm 2010 là được UBND tỉnh tặng cờ thi đua hạng nhất của Cụm 1 (gồm: TP.Biên Hòa, TX.Long Khánh và các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom). Phần thưởng này ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân huyện nhà. Trong 5 năm tới, huyện sẽ phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 15% trở lên, tăng cường xây dựng nông thôn mới; tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ để thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển, đưa tỷ trọng lĩnh vực này lên 95% trong GDP toàn huyện; chú ý vừa phát triển kinh tế bền vững, vừa đảm bảo có một môi trường sống lành mạnh; phấn đấu GDP bình quân đầu người đạt hơn 60 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1% theo chuẩn giai đoạn 4. Ngoài ra, huyện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đồng hành cùng doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư, phấn đấu đến năm 2015, xây dựng Trảng Bom cơ bản thành huyện công nghiệp, hiện đại”.

Văn Hải

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều