Báo Đồng Nai điện tử
En

Gặp người chiến sĩ đại đội Lam Sơn năm xưa

09:07, 18/07/2011

Trong số 75 chiến sĩ biệt động hóa trang thành công nhân đập đá tấn công đầu tiên vào yếu khu năm 1951, có một người lính nay đã 81 tuổi đang vui vầy bên con cháu ở xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, đó là ông Nguyễn Chí Nê...

Trong số 75 chiến sĩ biệt động hóa trang thành công nhân đập đá tấn công đầu tiên vào yếu khu năm 1951, có một người lính nay đã 81 tuổi đang vui vầy bên con cháu ở xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, đó là ông Nguyễn Chí Nê...

Sau khi học hết chương trình tiểu học, năm 1945, khi tròn 15 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Chí Nê tạm biệt gia đình ở Tân Uyên (thuộc tỉnh Bình Dương) vào chiến khu Đ đi theo kháng chiến. Tại đây ông Nê được cử vào đội công tác đặc biệt và được thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, tiểu đội trưởng Hồ Văn Em trực tiếp giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, hướng dẫn phương pháp điều tra, thu thập tin tức. Ông Nê hồi tưởng: Đầu năm 1947, địch cài một tên tình báo đội lốt dân thường theo bà con ra ruộng rẫy để dò tìm cán bộ cách mạng, thì bị ông phát hiện, phối hợp lực lượng bên ngoài bắt giữ và hắn buộc phải nhận tội. Nhờ đó tổ chức đã kịp thời chỉ đạo chặn đứng nhiều đợt hành quân lớn của địch.

Vợ chồng ông Nguyễn Chí Nê hiện nay.
Vợ chồng ông Nguyễn Chí Nê hiện nay.

Giữa năm 1947, ông Nê được cử về Đại đội Chi Lăng, rồi Đại đội Lam Sơn và cùng đồng đội làm nên chiến thắng Bàu Cá, La Ngà, Trảng Bom… Kể lại trận Bàu Cá, ông hào hứng hẳn lên: “2 giờ sáng ngày 14-7-1947, tổ địa lôi đưa mìn vào trận địa an toàn; xe tuần đường sắt từ Bàu Cá vừa qua, đoàn xe lửa thứ nhất đã lao lên, quả địa lôi trận địa A nổ một tiếng long trời, những toa xe lửa bốc lên cao và rơi xuống cách đường ray hàng chục thước; một phút sau mìn ở trận địa B lại nổ tiếp, trận Bàu Cá diễn ra rất ác liệt, máy bay giặc lên phản kích vào trận địa. Quân Pháp từ Biên Hòa, Trảng Bom tăng viện theo đường 1 bị bộ đội ta chặn đánh; 200 giặc Pháp bỏ xác tại trận địa Bàu Cá…”.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc làm nhiệm vụ xây dựng quân đội, đến năm 1960 chuyển ngành về nông trường Sông Bôi (Hòa Bình), ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1979, ông về hưu và đưa cả gia đình vào sinh sống tại huyện Trảng Bom. Gia đình ông hiện có 5 người con, trong đó có thượng tá công an tỉnh Nguyễn Chí Lâm, hai người làm giáo viên, một người làm kế toán. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chiến sĩ vẻ vang và nhiều phần thưởng khác dành cho người có công trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược.

Lý Minh Thuận

 

 

             

 

 

Tin xem nhiều