Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Nếu gặp rủi ro pháp lý, người môi giới bất động sản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật

06:06, 23/06/2023

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 23-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo     Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS) sửa đổi.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 23-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo     Luật Kinh doanh Bất động sản (BĐS) sửa đổi.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: CTV
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: CTV

Các đại biểu quan tâm đến việc sửa đổi các quy định về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai nhằm giải quyết, tháo gỡ được nhiều vấn đề vướng mắc, khó khăn, bất cập của thị trường BĐS, bảo đảm chặt chẽ quyền lợi của người mua.

* Phải minh bạch thị trường BĐS

Về nguyên tắc kinh doanh BĐS tại Điều 4, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đề nghị, bỏ từ “tự do” trong “tự do thỏa thuận” vì dễ dẫn đến cách hiểu khác nhau trong hướng dẫn của dự thảo luật. Đồng thời, đề nghị Khoản 3, điều này sửa lại là: kinh doanh BĐS công khai, minh bạch, trung thực thông tin về BĐS đưa vào kinh doanh”. Nội dung này tương thích với quy định tại Điều 7 về công khai thông tin BĐS.

Liên quan đến các hành vi bị cấm, đại biểu cho rằng, cần làm rõ nội hàm hành vi “cấm gian lận, lừa dối trong kinh doanh BĐS”. Đặc biệt, cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý những vi phạm và cần rà soát, sửa đổi bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Bộ luật Hình sự.

Đồng thời, bổ sung vào Khoản 3, Điều 4 với các hành vi “gian lận, lừa dối, tạo nhu cầu thị trường ảo trong kinh doanh BĐS”.

Trong khi đó, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội) đề cập về giao dịch BĐS qua sàn giao dịch, qua môi giới.

Theo đại biểu, trên thế giới, nhiều nước đã có những quy định chặt chẽ đối với sàn giao dịch BĐS. Do đó, người dân rất yên tâm với việc giao dịch BĐS qua sàn giao dịch.

Để thị trường BĐS minh bạch, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong dự án Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) cần quy định chặt chẽ về sàn giao dịch và môi giới BĐS.

Theo đại biểu, BĐS là một loại hàng hóa rất quen thuộc với tất cả mọi người. Thế nhưng, khi được đưa vào giao dịch trên thị trường thì nó lại là một loại hàng hóa rất đặc biệt.

Vì vậy, thị trường BĐS gồm có 3 bộ phận cấu thành: người mua, người bán và người môi giới. 3 yếu tố này không thể thiếu khi cần có một thị trường hoàn chỉnh. Dù không có quy định về môi giới BĐS thì trên thực tế người dân khi đi giao dịch BĐS vẫn cứ tìm đến một người trung gian. 

Vì vậy, để minh bạch thị trường BĐS, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, trong dự án luật cần quy định trách nhiệm của môi giới BĐS phải mang tính pháp lý. Nếu như gặp rủi ro pháp lý, người môi giới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngày 23-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi); Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi)

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, giá BĐS có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nếu giá BĐS tăng, giá cả, chi phí hàng hóa dịch vụ cũng tăng theo; giá BĐS đều phải phản ánh vào giá cả. Mặc dù cần tôn trọng quy luật thị trường nhưng cũng cần phải quy định các biện pháp kiểm soát thị trường BĐS.

* Có chế tài cụ thể xử lý vi phạm về lấn chiếm đất quốc phòng 

Trước đó, buổi sáng, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Nhiều ý kiến của các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu dự thảo luật nhằm bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật và các văn bản pháp luật, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường tại phiên thảo luận vào ngày 23-6. Ảnh: CTV
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường tại phiên thảo luận vào ngày 23-6. Ảnh: CTV

Nêu thực tiễn về tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất công trình quốc phòng và khu quân sự, các ĐBQH cho biết, tại các địa phương trên toàn quốc, tình hình vi phạm, xâm phạm công trình quốc phòng và khu quân sự ngày càng phức tạp. Tình trạng lấn chiếm, chồng lấn đất quốc phòng vẫn diễn ra, điển hình như các vụ việc xảy ra tại một số tỉnh (ở các trường bắn) như tại Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu... Hành vi xâm phạm, phá hủy công trình quốc phòng và khu quân sự như đập phá công trình lô cốt cũ, mốc khống chế pháo binh, mốc đất quốc phòng... để lấy sắt thép vẫn diễn ra ở một số địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, hiện nay còn hơn 600 điểm đất quốc phòng liên quan đến tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng chưa giải quyết xong. Tuy nhiên, qua nghiên cứu toàn bộ dự thảo luật, các đại biểu nhận thấy chưa có quy định chế tài xử lý cụ thể đối với các trường hợp vi phạm này.

Vì vậy, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định bổ sung chế tài xử lý đối với vi phạm, đồng thời cần có điều khoản quy định quá trình chuyển tiếp xử lý các vấn đề tồn đọng trong lịch sử giao sử dụng đất, công trình quốc phòng và khu quân sự.

Thanh Hải (tổng hợp)

Tin xem nhiều