Báo Đồng Nai điện tử
En

Sửa Luật Đất đai phải đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích của người dân, doanh nghiệp

06:06, 21/06/2023

Ngày 21-6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bên lề Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã ghi nhận ý kiến đại biểu về nội dung này.

 

Ngày 21-6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Bên lề Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã ghi nhận ý kiến đại biểu về nội dung này.

Đại biểu Quản Minh Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đánh giá dự thảo Luật đất đai đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung, trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri.
Đại biểu Quản Minh Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đánh giá dự thảo Luật đất đai đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung, trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri.

Đại biểu Quản Minh Cường (Phó Bí thư tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai): Dự thảo Luật đất đai đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung

Đại biểu Quản Minh Cường đánh giá, Dự thảo Luật đất đai đã chỉnh lý rất nhiều nội dung, trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri; thực hiện đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

Tuy nhiên, theo đại biểu, cần xem xét quy định về sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất tại Điều 127. Hiện tại, để thực hiện việc giao đất, cho thuê đất đối với các dự án có sử dụng đất, theo nội dung của Dự thảo đang ưu tiên theo thứ tự: Giao thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, Đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án có sử dụng đất; và việc sử dụng đất thông qua việc thỏa thuận là lựa chọn cuối cùng. 

Trên thực tế, việc thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội đã giúp việc triển khai dự án được nhanh chóng, phát huy hiệu quả sử dụng đất và tránh được những khiếu kiện liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ, tái định cư, trên cơ chế tự nguyện thoả thuận nên được sự đồng thuận của người dân... Đồng thời, nhà nước cũng có khoản thu ngân sách thông qua việc thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b, K.1 Đ.127 thì “Đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở”.

Như vậy, trong trường hợp ranh giới dự án không có ”tối thiểu 1m2” đất ở thì không được phép thỏa thuận, và sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy khác nhau. Trên thực tiễn, tại các khu vực nông thôn mới, khi đất được quy hoạch thành đất ở thì người dân chỉ chuyển mục đích lên đất ở đối một phần diện tích nằm trong hạn mức, phần diện tích còn lại sẽ giữ nguyên mục đích là đất vườn, trồng cây lâu năm,.. như vậy thửa đất chưa chuyển mục đích sẽ không được thoả thuận, trong khi thửa đất này có vị trí tương đồng, có quy hoạch tương tự thửa đất liền kề đã được chuyển mục đích sử dụng đất lên đất ở. Và cũng trên thực tế, khi hệ thống quản lý về đất đai ngày càng chặt chẽ, chi tiết thì có rất ít thửa đất có mục đích sử dụng hỗn hợp, như đất ở đất khác.

“Do đó, nên quy định riêng đối với trường hợp đất khác không phải là đất ở, miễn là phù hợp với các loại quy hoạch, đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất và các điều kiện khác để thực hiện dự án, thì quy định cho phép thực hiện việc thoả thuận, như vậy sẽ tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập”, Đại biểu Quản Minh Cường đề xuất.

Về quy định phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thực hiện thu hồi đất tại điểm c khoản 2 Điều 80 và tại khoản 1 Điều 109, theo đại biểu, là không khả thi.  Luật đất đai 2013 về quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế, gây bức xúc cho các chủ thể bị thu hồi đất. Do vậy, việc sửa đổi một số quy định liên quan hướng tới đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể bị Nhà nước thu hồi đất là vô cùng cần thiết. Trong mọi trường hợp, người dân khi bị thu hồi đất sẽ mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, phần lớn lại không có cơ hội và không đủ điều kiện để tìm được việc làm mới. Về lý thuyết, việc bồi thường phải bảo đảm được sinh kế lâu dài cho người bị thu hồi đất. Nhưng thực tế hầu hết chủ thể bị thu hồi đất đều có ý kiến về vấn đề này. Nhiều nơi, việc bồi thường không đủ bảo đảm sinh kế lâu dài cho chủ thể bị thu hồi đất; chủ đầu tư thiếu quan tâm đúng mức đến việc tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề cho người có đất bị thu hồi trong độ tuổi lao động…

Tuy nhiên, các quy định cần mang tính khách quan, đảm bảo tính khả thi trên thực tế. Việc yêu cầu phải hoàn thành việc bố trí tái định cư trước khi thu hồi sẽ dẫn đến tình trạng một số đối tượng lợi dụng quy định, không đồng ý với các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt, gây trì hoãn, khó khăn trong công tác thu hồi đất, làm chậm tiến độ ảnh hưởng đến công trình quốc phòng, an ninh, dự án phát triển kinh tế xã hộ, đặc biệt là những công trình trọng điểm quốc gia.

Chưa kể đến việc khu tái định cư có thể bố trí cho người có đất bị thu hồi của nhiều dự án sẽ càng làm tăng tính phức tạp của một dự án tái định cư. Do đó, chúng ta cần có đánh giá tổng thể về những mục tiêu chung, ví dụ như phương án bố trí tạm chỗ ở cho những người thuộc diện được bồi thường, tái định cư trong thời gian hoàn thành dự án tái định cư.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phó trưởng đoàn chuyên trách, ĐBQH tỉnh Phú Thọ) cho rằng, nên nghiên cứu có cơ chế, biện pháp can thiệp của Nhà nước để giải quyết khi thu hồi đất thông qua thoả thuận.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phó trưởng đoàn chuyên trách, ĐBQH tỉnh Phú Thọ) cho rằng, nên nghiên cứu có cơ chế, biện pháp can thiệp của Nhà nước để giải quyết khi thu hồi đất thông qua thoả thuận.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phó trưởng đoàn chuyên trách, ĐBQH tỉnh Phú Thọ): Nghiên cứu có cơ chế, biện pháp can thiệp của Nhà nước để giải quyết khi thu hồi đất thông qua thoả thuận

Đại biểu Nguyễn Thành Nam đánh giá cao sự cầu thị, nghiêm túc của Ban soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến của Nhân dân và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp trước; nhiều nội dung đã được điều chỉnh. 

Về về việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Khoản 9 Điều 73 Dự thảo Luật quy định: “Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp nào thì có thẩm quyền quyết định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp đó”. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện sẽ có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 66 Dự thảo thì “thành phố thuộc tỉnh, thị xã thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đã có quy hoạch đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị thì không lập quy hoạch sử dụng đất”. Như vậy, đơn vị hành chính đô thị ngang cấp huyện đã có quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất. 

“Đây là quy định hợp lý nhằm loại bỏ những chồng chéo về nội dung quản lý nhà nước, thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo lưu ý một vấn đề cần được giải quyết để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Đó là cùng liên quan đến nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện nhưng có 2 cấp rà soát, điều chỉnh khác nhau”, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho hay.

Cụ thể,  đối với các huyện và đơn vị hành chính đô thị ngang huyện thông thường sẽ do UBND cấp tỉnh rà soát, điều chỉnh (theo như quy định tại dự thảo Luật Đất đai); đối với thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I đã có quy hoạch đô thị được duyệt thì nội dung này lại do Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh (theo Luật Quy hoạch đô thị hiện hành). Vì vậy, để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất về thẩm quyền rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đối với đơn vị hành chính cấp huyện và phù hợp với thực tiễn đang thí điểm phân cấp ở một số tỉnh như hiện nay, đề nghị bổ sung ngay trong dự thảo Luật Đất đai lần này tại mục 2 (Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật có liên quan đến đất đai) Chương XVI (Quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành) một điều luật mới sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị theo hướng: Bổ sung khoản 3 Điều 51 Luật Quy hoạch đô thị nội dung phân quyền: “Đối với việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị loại I, UBND cấp tỉnh thực hiện trên cơ sở đồ án quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. 

Về thẩm quyền, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Thành Nam đánh giá, so với Luật Đất đai hiện hành, dự thảo Luật lần này đã thể hiện việc phân quyền cho HĐND cấp tỉnh xem xét, thông qua chủ trương chuyển đổi đất lúa, đất rừng. Việc phân quyền như trên tháo gỡ vướng mắc, đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn. Vì thực tế nội dung quy hoạch sử dụng đất đã xác định rõ chỉ tiêu đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 122 dự thảo Luật quy định “Việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định”. Theo đại biểu, để đảm bảo quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, cần phải quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật các tiêu chí, điều kiện theo hướng: Việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải có phương án trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế; việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa phải nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; có dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; dự án đầu tư có trong danh mục sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt; có đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (nếu có). 

Về sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội thông qua việc thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất (Điều 127 Dự thảo). Theo đại biểu Nguyễn Thành Nam, cơ chế này có điểm ưu việt là bảo vệ tối đa quyền của người sử dụng đất. Tuy nhiên, trong điều kiện sở hữu toàn dân về đất đai, chúng ta cũng cần tính toán hài hòa lợi ích Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư hướng vào mục tiêu sử dụng đất đai một cách hiệu quả, bền vững nhất, vì lợi ích của chủ sở hữu toàn dân. Thực tế khi công khai dự án và thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thời gian qua cho thấy nhà đầu tư thường phải đối diện với tình trạng dự án bị chậm tiến độ, dang dở, đình trệ do có một tỷ lệ đất rất nhỏ không thỏa thuận được, bị một số ít chủ sử dụng đất “thổi giá” hoặc cố tình không hợp tác làm cản trở thực hiện dự án, gây lãng phí nguồn lực đất đai và quyền lợi của số đông người dân đã đồng thuận với mục tiêu của dự án.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu có cơ chế, biện pháp can thiệp của Nhà nước để giải quyết tình trạng trên, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của số đông người có quyền sử dụng đất và nhà đầu tư. Đồng thời ngăn chặn một bộ phận nhỏ lợi dụng chính sách, làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đại biểu Ngô Trung Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Định lượng hóa, xác định rõ tiêu chí cuộc sống bằng hoặc tốt hơn khi thu hồi đất

Đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng cần định lượng hoá, xác đinh rõ tiêu chí cuộc sống bằng hoặc tốt hơn khi thu hồi đất.
Đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng cần định lượng hoá, xác đinh rõ tiêu chí cuộc sống bằng hoặc tốt hơn khi thu hồi đất.

Theo đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định liên quan đến việc thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, Hiến pháp quy định rất rõ: "Trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì mục tiêu, lợi ích quốc gia, công cộng thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất". Song ở Dự thảo luật mới chỉ xác định những trường hợp nào vì mục đích quốc gia, công cộng, còn thế nào là "thật cần thiết" thì vẫn còn chưa được đề cập. 

“Ví dụ, có nội dung là để xây dựng các cơ sở y tế, phòng khám, nhưng cơ sở y tế, phòng khám phải thế nào mới là thật cần thiết thu hồi đất, chứ không phải xây dựng phòng khám nào cũng có thể thu hồi. Đặc biệt, trong vấn đề khai thác khoáng sản thì trường hợp cụ thể, đặc biệt như thế nào mới được thu hồi, còn không thì vẫn phải thỏa thuận. Dự án luật mới chỉ quy định rõ được mục tiêu, mục đích - như vậy rõ ràng chưa đạt yêu cầu, chưa thể chế hóa đầy đủ Hiến pháp. Do đó, cần rà soát kỹ lưỡng lại để làm rõ các tiêu chí cụ thể”, đại biểu Ngô Trung Thành cho hay.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, sứ mệnh của Dự thảo luật này là tìm cách khắc phục tối đa các tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định của pháp luật đất đai hiện hành liên quan thu hồi, giải phóng mặt bằng. Một trong những hạn chế của Dự thảo luật là các trường hợp, dự án vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì mục tiêu, lợi ích quốc gia, công cộng vẫn còn chưa rõ ràng, cách hiểu khác nhau. Từ đó dẫn đến địa phương áp dụng khác nhau. Cùng dự án nhưng địa phương này phải thỏa thuận, còn địa phương kia lại thu hồi, dẫn đến người dân so sánh và khiếu kiện, khiếu nại. Do vậy, theo đại biểu Ngô Trung Thành, một trong những yêu cầu tiên quyết để hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo là dự án luật phải làm rõ hơn nữa tiêu chí, điều kiện cụ thể của các dự án vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Về việc nơi tái định cư của người dân sau khi bị thu hồi đất phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, Dự thảo luật trình Quốc hội kỳ trước có đưa ra nguyên tắc: Trong thu hồi, giải phóng mặt bằng phải đảm bảo cuộc sống của người bị thu hồi đất, giải tỏa phải bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Quá trình thảo luận nhiều ý kiến cho rằng phải nói rõ, định lượng cụ thể. Tuy nhiên, trong Dự thảo mới đã bỏ quy định chung chung như vậy. Bởi quy định thế sẽ khó cho cả Nhà nước, người dân và dẫn đến khiếu kiện. Đồng thời, không thể xác định được thế nào là hơn hay kém, bởi việc này phụ thuộc vào quan điểm mỗi người. 

“Có thể Nhà nước cho rằng bố trí nơi ở mới tốt hơn rồi nhưng phía người dân cho rằng, không phải như thế. Do vậy, cần định lượng hóa, xác định rõ tiêu chí thế nào là tốt hơn. Dự thảo mới hiện nay đi theo hướng đó là đúng”, Đại biểu Ngô Trung Thành nêu.

Cũng theo đại biểu, một trong những yêu cầu giải phóng mặt bằng, tái định cư là phải giảm thiểu bất lợi cho người dân. Bất lợi không chỉ riêng về nơi ở, căn nhà mà phải là vấn đề tổng thể. Kể cả điều kiện nhà tốt hơn, đi lại phải thuận tiện, vệ sinh môi trường phải sạch sẽ, điều kiện hạ tầng, giáo dục phải tốt hơn. Cần quan tâm chú trọng bảo đảm lợi ích thật tốt của người dân đã nhường đất cho các dự án. Bên cạnh đó cần tái định cư tại chỗ hoặc gần nơi ở cũ, vì họ quen môi trường sống và đảm bảo sinh kế cho họ.

“Tôi cho rằng mục tiêu quan trọng nhất trong sửa đổi lần này là phải xây dựng dự án luật bảo đảm đáp ứng yêu cầu khai thác phát huy tiềm năng thế mạnh của đất đai. Đồng thời, làm sao phải giảm thiểu phát sinh các khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

Theo Báo Tin tức

Tin xem nhiều