Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỳ 3: 'Bờ xôi ruộng mật' bỏ hoang, nguồn lực đất đai đang lãng phí

11:05, 30/05/2023

Đất nông nghiệp 'tiền tỷ', 'không trồng cây gì giàu nhanh bằng trồng trụ bê tông'… Người ta vẫn thường nói với nhau như vậy khi cơn bão 'sốt đất' càn quét khắp mọi ngóc ngách, từ thành thị tới nông thôn, từ đất khô cằn tới đất 'bờ xôi ruộng mật'.

Đất nông nghiệp “tiền tỷ”, “không trồng cây gì giàu nhanh bằng trồng trụ bê tông”… Người ta vẫn thường nói với nhau như vậy khi cơn bão “sốt đất” càn quét khắp mọi ngóc ngách, từ thành thị tới nông thôn, từ đất khô cằn tới đất “bờ xôi ruộng mật”.

Qua chỉ dẫn của người môi giới, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Bình (72 tuổi, ngụ ấp Ruộng Tre, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) - người đã từng bán gần hết số ruộng của gia đình.

Một thửa đất rộng gần 1ha ở xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) đã nhiều năm nay không canh tác, chỉ còn những cây tạp khô cháy
Một thửa đất rộng gần 1ha ở xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) đã nhiều năm nay không canh tác, chỉ còn những cây tạp khô cháy

Ông Bình kể, năm 2019, do khó khăn, ông quyết định bán 2,9 mẫu ruộng của gia đình với giá 280 triệu đồng/sào - mức giá được coi là cao ở thời điểm 5 năm trước. Số tiền bán được ông chia cho con cái, một phần ông bà giữ tiết kiệm để lo tuổi già.

Ruộng nay đã là của người khác. Nên dù người chủ đất không canh tác, cho các con ông Bình canh tác trên thửa ruộng trước đây của gia đình thì các con ông cũng không thể bỏ tiền đầu tư lớn mà chỉ trồng lagim - cây rau màu ngắn ngày để có tiền duy trì cuộc sống.

“Sau 3 năm từ khi tôi bán, giá thửa ruộng này đã tăng gấp 2 lần rưỡi, có lúc người ta trả 7 tỷ đồng/mẫu nhưng chủ đất không bán. Giờ đâu mua lại được. Mà không phải đất của mình thì đâu thể đầu tư. Nên cứ trồng được vụ nào hay vụ ấy, khi nào người ta không cho trồng nữa thì thôi” - ông Bình, người nông dân cả đời gắn với ruộng rẫy nhưng nay không còn ruộng nói.

Cha con ông Bình - những nông dân bán đất, nay không còn tư liệu sản xuấ
Cha con ông Bình - những nông dân bán đất, nay không còn tư liệu sản xuất

Trên đường từ trung tâm TP.Long Khánh đi về hướng xã Bình Lộc, những thửa ruộng bỏ hoang nhan nhản, được phân tách bằng những trụ bê tông với hàng rào kẽm gai (thể hiện rằng đất này đã có chủ) nhưng chủ không làm nông nghiệp. Có lẽ, họ mua đất… chờ thời.

Khá khó khăn, chúng tôi mới gặp được một người làm rẫy. Ông Nguyễn Đình Hào đang thuê máy xới thửa ruộng của gia đình, chuẩn bị xuống giống bắp.

Nhìn thửa ruộng kế bên với vài cây tạp đã cháy khô do không ai chăm sóc, ông thở dài: “Làm nông vốn đã bấp bênh, mà giá đất ruộng như thế thì làm gì có ai bỏ tiền mua để mà đầu tư lớn”.

Bán đất, nông dân không còn tư liệu sản xuất

Trên mạng xã hội Facebook, Zalo…, trước đây và cả bây giờ vẫn nhan nhản những tin đăng bán đất nông nghiệp với diện tích… 1.000 m2.

Tại sao lại là 1.000 m2? Vì đây là diện tích tối thiểu để được tách thửa đất nông nghiệp ở thời điểm trước ngày 1-10-2022.

Ruộng đã bán, chủ đất nông dân mượn đất trồng lagim - rau màu ngắn ngày
Ruộng đã bán, chủ đất nông dân mượn đất trồng lagim - rau màu ngắn ngày

Khi làn sóng đầu cơ đất nông nghiệp đạt đỉnh cũng là lúc người người mua đất nông nghiệp, nhà nhà mua đất nông nghiệp. Với số tiền vài trăm triệu tới hơn 1 tỷ đồng, nhiều người có thể dễ dàng sở hữu một mảnh vườn để mơ mộng “bỏ phố về quê”, hay tìm view sông núi “phong thủy”, “view triệu đô”.

“Thực tế là, người ta tách thửa “băm nhỏ” thửa ruộng ra chỉ để phục vụ nhu cầu những nhà đầu tư “lướt sóng”, mua đi bán lại kiếm lời” - L.V.D., người môi giới đất ở TP.Biên Hòa thẳng thắn.

“Qua giám sát cho thấy tình trạng tách thửa đất nông nghiệp và đồng sở hữu rất nhiều. Người mua đất tách thửa chủ yếu từ những tỉnh, thành khác đến và mục đích chủ yếu là đầu cơ” - đây là nhận định của ông Tạ Quang Trường - Giám đốc Sở TT-TT) vào cuối năm 2022 khi đang là Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh.

Ông Vũ Đình Hào (áo trắng) thuê máy xới xới lại thửa đất của gia đình. Ông muốn mở rộng sản xuất cũng không thể vì giá đất nông nghiệp quá cao
Ông Vũ Đình Hào (áo trắng) thuê máy xới xới lại thửa đất của gia đình. Ông muốn mở rộng sản xuất cũng không thể vì giá đất nông nghiệp quá cao

Trước nguy cơ đất nông nghiệp tiếp tục bị “băm nát”, ngày 1-10-2022, UBND tỉnh ban hành quy định mới về tách thửa đất nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Quy định mới chỉ cho tách thửa với diện tích tối thiểu là 2.000 m2. Quy định mới đã phần nào hạn chế tình trạng tách thửa và mua bán tràn lan.

Đất nông nghiệp tiền tỷ, nông dân khó lòng  mở rộng sản xuất

Song, không thể phủ nhận một thực tế là, đất nông nghiệp - tư liệu sản xuất quan trọng đã bị băm nhỏ. Tình trạng đất canh tác “da beo”, đất bỏ hoang xen giữa những thửa ruộng màu mỡ khiến nông dân không thể đầu tư lớn, ngành nông nghiệp không thể sản xuất lớn.

“Sốt đất” đi qua, những hệ quả của nó để lại đã thấy rõ. Đất đai đang chờ được “chữa lành” bằng những chính sách kịp thời.

Xuân Lượng - Văn Chính

 

Tin xem nhiều