(ĐN) - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 26-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
(ĐN) - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 26-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và các đại biểu tỉnh Đồng Nai tại phiên thảo luận ở hội trường vào ngày 26-5. Ảnh: HẢI YẾN |
* Quy định rõ thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Tại phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu. Các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến về: phạm vi, đối tượng điều chỉnh; khái niệm người tiêu dùng; quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; nguyên tắc và chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó, là các ý kiến về những hành vi bị cấm; xử lý vi phạm; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù; hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội; giải quyết tranh chấp…
* Giải quyết các kiến nghị của cử tri thay vì chỉ trả lời
Lần đầu tiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 26-5, nhiều đại biểu đánh giá cao sự sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, không ngừng nâng cao chất lượng để hoạt động của Quốc hội ngày càng hiệu quả, gắn bó mật thiết và đồng hành với cử tri.
Bên cạnh đó, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn khi còn nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan chức năng, đặc biệt các bộ, ngành, chưa được giải quyết dứt điểm; đề xuất tăng cường giám sát việc giải quyết thực chất, triệt để các vấn đề cử tri kiến nghị thay vì chỉ trả lời.
Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tham gia ý kiến tại phiên thảo luận vào chiều 26-5. Ảnh: HẢI YẾN |
Cho ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, xét về bản chất, công tác dân nguyện liên quan đến 3 chức năng của Quốc hội là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng. Do vậy, đại biểu đánh giá cao tại kỳ họp này Quốc hội đã đưa nội dung này vào thảo luận tại hội trường, thể hiện hiệu lực, hiệu quả, đổi mới trong hoạt động của Quốc hội.
Đại biểu đề nghị, cần xác định được nguồn để thực hiện giám sát những kiến nghị của nhân dân và cử tri tại mỗi kỳ họp, qua các đoàn đại biểu Quốc hội, thông qua tiếp xúc cử tri và qua MTTQ và các tổ chức đoàn thể, sẽ đầy đủ, đồng bộ hơn.
Bên cạnh đó, đại biểu Trịnh Xuân An quan tâm đến chất lượng của việc trả lời kiến nghị của cử tri. Theo đại biểu, việc trả lời chủ yếu được thể hiện thông qua việc giải trình, cung cấp thông tin. Thực ra thì việc giải trình, cung cấp thông tin cũng là điều tốt, qua đó mới làm rõ nhiều vấn đề cử tri quan tâm.
Tuy nhiên, góc độ khác cho thấy, các quy định của hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, rất nhiều vấn đề cử tri phải hỏi; các bộ, ngành giải trình và phải cung cấp khối lượng này rất lớn.
Do đó, cần phải có kênh thông tin để thấy được cử tri và nhân dân đồng tình với việc giải trình, cung cấp thông tin hay không. Ngoài ra, hiện nay còn một khối lượng lớn kiến nghị đang được tiếp thu, giải quyết, trong đó có 55 kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết, cần làm rõ nội dung này.
Công tác trả lời kiến nghị của cử tri đã tốt nhưng việc trả lời như thế nào cần được đánh giá kỹ hơn. Bởi có tình trạng, các kiến nghị không chỉ của cử tri, còn kiến nghị của các địa phương gửi về các bộ, ngành gửi Chính phủ trả lời theo hướng theo quy trình hoặc theo quy định của pháp luật. Như vậy, rất khó cho việc thỏa mãn ý kiến của cử tri, cũng như đáp ứng cho vai trò quản lý nhà nước. Vì vậy, cần có tiêu chí để đánh giá việc trả lời kiến nghị cử tri, của các địa phương.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho biết, trước đây đã có đề án thành lập Ủy ban Dân nguyện. Hiện nay Ban Dân nguyện thực hiện khối lượng công việc rất lớn, quan trọng, tác động trực tiếp tới người dân, cử tri, tới hệ thống chính trị; mong muốn Ban Dân nguyện sẽ có một vị thế thực sự phù hợp thực hiện nhiệm vụ được giao.
Ngày mai 27-5, buổi sáng, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. |
Thanh Hải (tổng hợp)